Hãy là chính mình

Một nghệ sĩ đang hoạt động văn hóa nghệ thuật thường ăn cơm với canh chua, cá kho, thịt kho, thịt quay, các món rau cải.

Một nghệ sĩ đang hoạt động văn hóa nghệ thuật thường ăn cơm với canh chua, cá kho, thịt kho, thịt quay, các món rau cải. 

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Buổi sáng, họ thường ăn phở bò, bún giò, bánh cuốn, miến gà, cơm tấm bì. Buổi tối, sau khi đi hát hay rời khỏi studio, họ thường ăn cháo trắng cá kho tộ, hột vịt muối hoặc vài cái hột vịt lộn rồi về nhà ngủ. Thỉnh thoảng cũng có đi nhà hàng, ăn cơm Tây nhưng họ vẫn thích ăn những món ăn dân tộc hơn là những món du nhập từ nước ngoài.
Tôi muốn nói một nghệ sĩ VN thì về mặt đời sống vật chất và tập quán ăn uống là rất VN, không lai tạp đời sống vật chất có yếu tố nước ngoài nào. Họ có thể mặc bộ vest may bằng vải tergal laine của Anh, dùng nước hoa Chanel 5 của Mỹ, mang chiếc bóp Gucci của Ý… nhưng họ vẫn là người Việt rặt ròng. Họ nói tiếng Việt, sáng tác và biểu diễn bằng tiếng Việt, chủ yếu cho người Việt xem và nghe. Tiền thù lao họ nhận là tiền Việt, thỉnh thoảng có nơi trả bằng tiền nước ngoài nhưng họ cũng phải đổi ra tiền Việt để mua sắm. Nói tóm lại, họ là nghệ sĩ người Việt, ta không thể nhầm lẫn họ với một người nước ngoài nào.
Thế nhưng thật đáng tiếc, có những nghệ sĩ gần như muốn từ bỏ cái tố chất Việt trong phong cách sáng tác và biểu diễn của mình. Một lần phát biểu trên truyền hình, cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã tỏ ra rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao một số nhạc sĩ bây giờ cứ nhái theo những quãng âm đặc trưng của nhạc Hồng Kông và Đài Loan để viết những ca khúc VN. Theo ông, cái học để làm nhái những sản phẩm âm nhạc ấy là rất tệ hại, là làm mất bản sắc âm nhạc Việt.
Ai trong giới chuyên môn sáng tác ca khúc cũng hiểu rằng âm nhạc thế giới thống nhất một quy chuẩn nhạc pháp nhưng vận dụng quy chuẩn ấy để thể hiện ra trong ca khúc của các nhạc sĩ từng quốc gia thì thiên hình vạn trạng. Mỗi quốc gia đều có những cách vận dụng riêng phù hợp với ngôn ngữ nói của quốc gia đó nên ca khúc của từng quốc gia có những quãng âm đặc trưng rất độc đáo. Tiếng mẹ đẻ của chúng ta là tiếng Việt đơn âm, chịu sự chi phối chặt chẽ của 6 dấu giọng (ngang, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) nên khi vận dụng nó để viết ca từ thì phải tạo ra sự phù hợp tuyệt đối giữa ca từ và cao độ thanh nhạc - độ cao thấp của các nốt nhạc.
Âm nhạc VN có những quãng âm rất đẹp lỗ tai. Vậy thì việc gì đã buộc người nhạc sĩ từ chối những quãng âm thuần Việt đó để viết ra ca khúc lai tạp nhạc Hồng Kông hay Đài Loan? Mà những ca khúc của hai miền đất này có khi rất nghèo nàn về mặt nhạc pháp, đơn điệu và thiếu tính sáng tạo. Cao minh và tinh tế cỡ như nhạc cổ điển Tây phương thì nên học hỏi bởi đây là tinh hoa âm nhạc của thế giới còn trình độ không hơn ta được thì ta học và viết ra làm gì.
Những sáng tác không chính là mình ấy có số phận yểu mệnh. Lỗ tai của công chúng yêu âm nhạc rất tốt. Ban đầu nghe là lạ tai, người ta cũng thích; nghe qua lần thứ hai, người ta bỏ. Vì vậy mà những chương trình CD, VCD và những ca khúc nhái nhạc Hồng Kông, Đài Loan cứ “sáng nắng chiều mưa”, tuổi thọ không quá vài ba tháng.
Cũng thật đáng tiếc khi có một số ca sĩ không muốn là chính mình. Có ba thứ trên đời giúp xác nhận một cá nhân chính là họ: vân tay, chữ viết và tiếng nói. Mỗi người có một âm sắc riêng, tiếng nói và tiếng hát của họ thể hiện đúng bản chất âm sắc đó. Mỗi cá nhân hoạt động văn nghệ có thể có một hay nhiều thần tượng. Yêu mến, học tập kinh nghiệm, phong cách của thần tượng để tạo ra con đường đi riêng cho mình là tốt nhưng nhái theo kiểu hát, kiểu vận hơi, kiểu phát âm nhả chữ sao cho giống thần tượng mà lãng quên và đánh mất âm sắc căn bản làm nên cái độc đáo của cá nhân mình là sai.
Trong thực tế, đã có người muốn hát cho giống kiểu hát của những thần tượng đi trước. Sở dĩ những ca sĩ Thái Thanh, Thanh Thúy, Hà Thanh, Lệ Thu, Mỹ Thể, Bảo Yến, Mỹ Tâm… thành danh là nhờ tiếng hát độc đáo, phong cách biểu diễn độc đáo. Họ làm nên danh tiếng, thành công bằng chính tài năng và bản sắc độc đáo của mình. Học theo những ưu điểm của họ thì được nhưng cố làm cho giống họ thì không nên.
Xa hơn, có ca sĩ muốn học theo cách ăn mặc, cách hát, cách biểu diễn của những ca sĩ nước ngoài. Làm một người Việt hát tiếng Việt cho người Việt nghe là điều mà người nghệ sĩ rất đáng tự hào, sao cứ muốn nhái theo nữ ca sĩ nước này, nam ca sĩ nước kia? Hiện tượng vọng ngoại đó trong âm nhạc thật đáng lo ngại bởi nó làm chệch choạc khuynh hướng thưởng ngoạn.
Nói đến đây, có thể có người hỏi: Thế tại sao cải lương là một bộ môn nghệ thuật độc đáo, giàu tính sáng tạo của người Nam bộ mà khán giả ngày nay lại thờ ơ với cải lương? Ngoài những lý do khách quan như sự lớn mạnh của điện ảnh, sự bùng nổ của kỹ thuật truyền hình, sự vắng bóng của các kịch bản hay, còn có một lý do nữa là khán giả... dị ứng với nhiều nghệ sĩ cải lương. Người ta yêu quý nghệ sĩ cải lương ở chỗ ca ngọt, diễn hay chứ không phải kiểu làm bộ làm tịch cho khác đời. Những nghệ sĩ lên sân khấu với mái tóc quái gở, khuôn mặt bơm độn, hai bàn tay căng tròn... khiến người ta dị ứng. Khán giả biết khuôn mặt ấy là khuôn mặt không thật, đã bị can thiệp quá trớn bởi dao kéo thẩm mỹ bình dân. Người ta nhớ Thanh Sang, Thanh Nga trong Tiếng trống Mê Linh; Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ trong Nửa đời hương phấn hay Con gái chị Hằng... bởi cái thật làm nên giá trị nghệ thuật cải lương và người nghệ sĩ cải lương.
Cải lương có bài có bản, tuồng tích, câu chữ đàng hoàng. Đâu có cách ca vọng cổ nào nói một hơi vài ba trăm chữ liên tiếp rồi mới xuống xề? Khán thính giả rất dị ứng với cách ca và cách viết bài bản như vậy. Nói một cách đơn giản, nhiều nghệ sĩ cải lương đã tự góp phần giết chết nghề nghiệp tổ truyền, phụ truyền của mình. Trước khi trách khán giả lớn tuổi sao thờ ơ với sân khấu, người nghệ sĩ cải lương hãy tự trách mình khi “làm đẹp”, khi phục trang không giống bất kỳ thời đại nào và khi ca diễn làm người nghe muốn… đứt hơi!
Cụ Viễn Châu là một nghệ sĩ viết bài bản vọng cổ rất chuẩn mực, tác phẩm của cụ xứng đáng để những người viết trẻ học tập và làm theo. Với một bút pháp tinh tế, văn chương trong sáng và giàu tính văn học, cụ Viễn Châu đã viết cả ngàn bài ca vọng cổ. Các bài bản của cụ có nội dung sâu sắc, ý nghĩa thâm thúy, đặc biệt là kiến thức văn học rộng rãi. Trong sáu câu vọng cổ, mỗi câu có một quy cách riêng nhưng cụ Viễn Châu không bao giờ đơn điệu, không bao giờ lặp lại. Sự sáng tạo ấy được mọi người ca ngợi, quý trọng. Soạn giả Viễn Châu là tấm gương sáng, tiêu biểu cho hoạt động cải lương Nam bộ ngày nay bởi cụ luôn luôn là chính mình khi viết bài bản, tuồng tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.