Hành trình phụ nữ chuyển giới cưới chàng trai Tây: Ra đi để trở về

Hoài Nhân
Hoài Nhân
30/09/2018 10:06 GMT+7

Để trở thành một người phụ nữ tài sắc như hôm nay, Le Mia đã trải qua một hành trình kéo dài 10 năm trên đất khách, mà nếu quay lại, cô vẫn sẽ chọn đi con đường ấy. Bởi cô được trở về trong "trọn vẹn".

Trong hành trình ký ức dài của Le Mia, vẫn vẹn nguyên hình ảnh của cậu trai Nguyễn Công Đức ngụp lặn giữa muôn ngàn câu hỏi về bản ngã. Cô cũng chưa bao giờ quên được cái khoảnh khắc nơi đất khách quê người - cái lần đầu tiên cô đội tóc giả, được bạn bè giúp điểm phấn tô son, mặc đồ con gái. Rồi soi mình trong gương, cô khóc…
“Tôi là ai…”
Câu chuyện bắt đầu ở miệt Giồng Luông, Bến Tre, khi Nguyễn Công Đức chào đời. Chẳng giống như những gì mẹ cậu ước ao về một cô con gái, cậu sinh ra lại là một đứa con trai. Tuổi thơ trôi qua không mấy êm đềm, cho đến lúc Đức lên 4 - 5 tuổi, những cuộc cãi vã dai dẳng của ba mẹ cậu đã kết thúc bằng một cuộc ly hôn.
Quá sớm để một cậu bé như Đức thấu được nỗi buồn của một gia đình không trọn vẹn. Thứ cậu cảm nhận được, là bản thân mình không giống những đứa con trai cùng xóm. Những trò đá banh, bắn bi Đức chẳng thích, thứ cậu mê là nhảy dây, đồ hàng, banh đũa. Cậu hay chọn mặc những bộ quần áo bông, đầy màu sắc. Cậu đi đứng nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ. Ở nhà, cậu quấn quít với mẹ như một đứa con gái.
Cũng vì vậy mà khi đến trường, Đức luôn bị bạn bè trêu chọc và ăn hiếp. Những năm tháng đó kéo dài, cậu biết mình không có sức phản kháng, và sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ cũng không cho phép cậu chống trả, dù bằng lời nói hay hành động. Tự trong suy nghĩ non nớt lúc đó, Đức chọn cách học thật tốt để giành nhiều tình cảm của thầy cô. Đồng thời cậu chọn chơi chung với những người bạn, hoặc giỏi nhất, hoặc dữ nhất, để họ sẽ bênh mỗi lần cậu yếu thế.
Cấp 2, cấp 3 với Đức vẫn là những chuỗi ngày bị bạn bè xem là “thằng con gái”, thậm chí đánh hội đồng. Nhìn ra điều đó, mẹ bắt cậu đi học võ để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân. Mẹ Đức không hề biết đã đẩy cậu vào một đấu trường, nơi cậu bị đánh công khai. Những trận thi đấu, cậu không thể đánh lại các bạn nam, cũng không được phép đấu với nữ. Những người chọn đánh với cậu, chỉ toàn những người ghét cậu. Những trận đòn trong suốt 3 năm ấy đã ám ảnh cậu cho đến tận bây giờ.
Mãi sau này, Đức biết không phải mẹ không thương cậu, chỉ là bà đang cố tình tránh né những khác thường nơi con. Còn Đức, cậu bắt đầu cô lập mình lại. Cậu vẫn hay đứng trước gương, tưởng tượng những người trêu chọc mình là người đang đứng trước mặt, rồi nói cho bằng hết nỗi niềm. Chẳng có đồ chơi, cậu lấy những đầu tua trong móc khóa gắn vào bút, rồi tưởng tượng đó là con búp bê nữ tóc dài, hay chính xác hơn là cậu. Cứ thế, cậu tạo ra một thế giới và sống trong thế giới đó của riêng mình.
Thấy “mình” sau 24 năm
Những thông tin lúc bấy giờ không đủ để một đứa trẻ quê như Đức trả lời được câu hỏi đó. Càng rối ren khi kiến thức trong lớp dần dần cho cậu thấy bản thân mình không hề khiếm khuyết. Cậu vẫn phát triển cơ thể bình thường, duy chỉ có những gì cậu mong muốn, những cảm giác với con trai là khác thường.
Mãi cho đến một lần, cậu quyết định âm thầm gửi câu hỏi cho một tờ báo học trò mình đang cộng tác. Ngày cậu đọc được câu trả lời với những thông tin về người đồng tính, chuỗi ngày lẩn quẩn mới kết thúc. Cậu nhận ra câu chuyện của bản thân không có đúng hay sai, chỉ là chấp nhận hay không chấp nhận mà thôi. Và cậu chọn cách chấp nhận, chấp nhận việc mình là ai.
Những sự xa cách của mọi người lặp lại thêm lần nữa, khi Đức bước chân vào giảng đường đại học. Trong một môi trường cởi mở hơn, cậu lại bị nhập nhằng giữa cộng đồng những người đồng tính. Nhiều trong số những người như Đức, họ vẫn là con trai và tuyệt nhiên che giấu những khác thường trong mình. Họ tìm cách lánh xa một người con trai mười phần nữ tính như cậu, vì họ sợ mọi người nhận ra.
Nhưng điều đó không còn quá ảnh hưởng đến Đức. Lớn lên trong một gia đình không khá giả, không trọn vẹn, những gì mẹ cậu từng trải trở thành thứ ăn sâu vào suy nghĩ. Cậu không màng đến chuyện tình cảm cá nhân, mà lao vào học hành và làm việc. Cậu chọn lĩnh vực du lịch, để tiếp xúc với nhiều con người, nhiều nền văn hóa khác nhau.
Trong một lần đi tour, một du khách đã khuyên Đức nên ra nước ngoài. Năm 24 tuổi, Đức nỗ lực tìm được hỗ trợ visa sang Úc học tập và sinh sống. Cậu nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới, một nơi đa dạng về màu da, văn hóa, giới tính…
Nhưng điều làm Đức nhớ nhất, là hôm một vài người bạn trong cộng đồng đề nghị sẽ thay đổi cho cậu. Họ lựa chọn quần áo phụ nữ, họ trang điểm, họ đội tóc giả cho cậu. Xong xuôi, cậu đứng dậy nhìn mình trong gương. Rồi cậu khóc.
Không phải vì đẹp, cậu tự thấy mình rất xấu với lớp phấn son dày cộm, mà cậu khóc vì lần đầu thấy mình hạnh phúc…  “Đây mới là hình ảnh của mình. Đây mới là người phụ nữ mà 24 năm qua mình khát khao nhìn thấy…”, Đức nhớ lại.
Từ đó, Đức bắt đầu để tóc dài, thay đổi trang phục, sử dụng hormone, sống đúng là một người phụ nữ.
Trở về làm vợ, làm mẹ
“Trong thời gian trên đất khách, tôi có quen một người bạn giống tôi. Cô ấy đã từng đấu tranh để sống đúng bản ngã của mình. Nhưng rồi áp lực từ gia đình và xã hội quá lớn, cô ấy phải trở về làm một người đàn ông. Chính cô ấy đã động viên, an ủi tôi, và cho tôi niềm tin hoàn thiện người phụ nữ trong mình”, Le Mia chia sẻ về người bạn đã ảnh hưởng lớn đến mình.
Khi có ý định chuyển giới, Le Mia nhớ lại lời mẹ cô từng nói: “Trở thành phụ nữ không khó, nhưng sống là một người phụ nữ thì có muôn ngàn khó khăn, thử thách”. Vì thế, Le Mia chọn cách sống, trải nghiệm là một người phụ nữ, được nhìn nhận là một người phụ nữ trước. Cô cố gắng học, học cách đi đứng, giao tiếp, ăn mặc và cố gắng quan sát từ những người phụ nữ xung quanh để mình không trở nên cá biệt trong mắt mọi người. Cô xem Janet Mock, Laverne Cox - những người phụ nữ Mỹ chuyển giới nổi tiếng, tài năng và có một cuộc sống viên mãn làm hình mẫu.
Trước khi lên bàn mổ, Le Mia quyết định trở về Việt Nam gặp mẹ. Bà không nhận ra cô trong khoảnh khắc hội ngộ, dù những cuộc điện thoại hằng đêm cũng đủ để linh cảm một người mẹ nhận ra con mình đang thay đổi. 
Một ngày sau đó 2 năm, Le Mia gặp Austin Rennie (43 tuổi) - người đàn ông làm hành trình tìm lại chính mình của cô trở nên trọn vẹn. Trước khi chuyển giới, cô mải miết chạy theo mục tiêu khẳng định giá trị của mình. Cuộc đổ vỡ giữa ba mẹ cũng khiến cô cho rằng tình yêu và hôn nhân chỉ là phù phiếm. Mọi thứ chỉ thay đổi khi Austin đến, hai người gặp nhau trong một tiệm làm tóc vào ngày sinh nhật của cô. 
3 tuần sau, Le Mia quyết định nói cho anh ấy biết về mình. “Tôi cho rằng đó là nghĩa vụ, anh ấy có quyền biết mình đang yêu ai. Tôi nhắn tin cho anh ấy, vì không đủ can đảm nói trực tiếp. Nhắn xong, tôi tắt máy và khóc. Tôi nhớ về những lần từ chối những người từng bước vào cuộc đời tôi. Tôi đã lặng lẽ ra đi khi nhìn thấy sự băn khoăn, do dự ở họ. Yêu một người chuyển giới, phải thực sự bản lĩnh và thực lòng chấp nhận”, Le Mia tâm sự.
Còn Austin chia sẻ về người phụ nữ đặc biệt của mình: “Chuyển giới là một quá trình, nó giúp cô ấy trở thành một người phụ nữ. Tôi yêu người phụ nữ ấy và yêu cả quá trình khó khăn kia. Tôi không phân biệt người phụ nữ và người chuyển giới, vì bản chất tình yêu là giống nhau”. Bản thân anh là một người đàn ông từng đi qua đổ vỡ, và anh biết mình nên trân trọng điều gì.
Austin đưa Mia về ra mắt gia đình trong dịp Giáng Sinh, và cô cũng làm điều tương tự. “Chúng tôi may mắn được cả hai gia đình ủng hộ. Mẹ tôi giờ đây yêu quý anh như con của bà. Gia đình Austin cũng rất tôn trọng và yêu thương tôi. Bản thân chúng tôi đều là những người trưởng thành, sống có trách nhiệm nên gia đình hiểu và tôn trọng lựa chọn này”, Le Mia kể trong hạnh phúc.
Năm 2014, cặp đôi nhận con nuôi, vốn là cô bé trong họ hàng mà Le Mia đã nhận đỡ đầu 10 năm trước. Ba năm sau, cả hai cùng trở về Việt Nam để sinh sống, làm việc và chăm sóc cho mẹ cô. Hiện gia đình cô đang sống ở Quận 6, TP.HCM. Le Mia hiện là giám đốc một công ty tư vấn tâm lý và hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhóm yếu thế. Le Mia từng công tác trong Hội Chữ thập đỏ và Bộ Xã hội Australia nhiều năm, với tư cách là một chuyên gia tâm lý. Cô cũng có trong tay bằng du lịch và quản trị kinh doanh.
“35 năm, tôi đã rong ruổi trên rất nhiều con đường, sống với rất nhiều những thân phận khác nhau. Giờ đây, tôi không còn tự ti về chính mình, tôi sẽ bỏ lại những vai diễn hào nhoáng ngoài kia để trở về làm vợ, làm mẹ và bù đắp lại tình cảm cho mẹ sau những ngày tháng đã qua”, Le Mia trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.