Hàng trăm tiểu thương chợ Hạ Long bãi thị

Lâm Nghĩa Hiếu
Lâm Nghĩa Hiếu
20/03/2018 10:41 GMT+7

Hàng trăm tiểu thương chợ Hạ Long 1 (Quảng Ninh) đã đóng cửa quầy hàng để phản đối mức thu phí vệ sinh môi trường, trong khi chính quyền khẳng định thực hiện đúng luật.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong các ngày 19.3 và 20.3, tại khu vực nhà chính thuộc chợ Hạ Long 1 (phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) vắng lặng, hàng trăm gian hàng trong chợ cửa đóng then cài.
Đáng chú ý, trong ngày 19.3, nhiều tiểu thương chợ Hạ Long 1 cũng đã kéo đến UBND tỉnh để phản đối việc ban quản lý chợ tăng giá vệ sinh môi trường, sau đó cắt điện đối với những người không chấp hành việc đóng tiền vệ sinh môi trường theo mức thu mới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một tiểu thương ngành hàng tạp phẩm, cho biết: “Hôm nay, cả chợ không ai bán hàng để phản đối về việc ban quản lý chợ tự ý tăng giá vệ sinh môi trường, sau đó cắt điện 3 ngày nay”. Tương tự, tiểu thương Nguyễn Thị Vân cho rằng, việc tăng thu phí môi trường đối với ngành hàng quần áo mà tiểu thương này kinh doanh là không hợp lý, bởi đây là mặt hàng ít tác động đến môi trường của chợ. 
"Ban quản lý chợ tăng giá cao gấp đôi, trong khi chúng tôi vẫn đang kiến nghị mà ban quản lý đã đường đột cắt điện, nước và doạ từ chối ký hợp đồng dịch vụ. Không những vậy, ban quản lý chợ thông báo sự thay đổi này từ đầu tháng 3 mà lại truy thu từ tháng 1", bà Vân nói.
Một tiểu thương khác là ông Nguyễn Văn Dũng cho biết nhiều tháng nay tình hình vệ sinh môi trường tại chợ không có gì thay đổi, nên việc tăng giá dịch vụ vệ sinh môi trường là không hợp lý. "Việc dừng bán hàng, tiểu thương là người chịu thiệt hại đầu tiên, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Rất mong chính quyền xem xét lại mức thu đối với các tiểu thương kinh doanh trong ngành hàng quần áo, tạp phẩm của chúng tôi", ông Dũng nói.
Hàng trăm tiểu thương chợ Hạ Long I bãi thị Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Theo tìm hiểu của PV, trước đó, ngày 7.3, UBND thành phố Hạ Long đã ra thông báo về việc điều chỉnh mức phí vệ sinh môi trường của 5 ngành hàng chính tại chợ. Trong đó ngành hàng hải sản tươi sống tăng từ 125.000 đồng lên 235.000 đồng; kinh doanh ăn uống, thực phẩm tăng từ 100.000 đồng lên 210.000 đồng; ngành hàng rau củ quả tăng từ 85.000 đồng lên 195.000 đồng; kinh doanh hoa quả, giải khát tăng từ 75.000 đồng lên 165.000 đồng; ngành hàng khác (quần áo, điện máy tạp phẩm) tăng từ 65.000 đồng lên 135.000 đồng.
Trong số 1.437 hộ kinh doanh tại chợ Hạ Long I, có hơn 1.000 hộ đồng thuận với việc điều chỉnh giá. Các tiểu thương ngành hàng rau củ quả, hải sản tươi sống vẫn hoạt động bình thường.
Riêng ngành quần áo và tạp phẩm, bị các tiểu thương phản ứng vì cho rằng hoạt động của mình không gây ô nhiễm, mất vệ sinh.
Lý giải về việc điều chỉnh giá lần này, theo Ban quản lý chợ Hạ Long 1, từ năm 2017 đơn vị hoạt động theo mô hình tự chủ, không còn được bao cấp như trước đây. Vì vậy chợ phải xây dựng giá dịch vụ trên cơ sở lấy thu bù chi. Trong năm 2017, việc thu gom vệ sinh môi trường tại chợ gặp nhiều khó khăn. Hàng năm đơn vị thu được 1,3 tỉ, nhưng phải chi cho đơn vị vận chuyển, xử lý rác thải hơn 2,5 tỉ đồng.
Ông Trần Xuân Cường, Trưởng ban quản lý chợ Hạ Long 1 khẳng định việc điều chỉnh giá dịch vụ lần này được đơn vị thực hiện theo đúng luật định và thấp hơn giá trần mà UBND tỉnh Quảng Ninh quy định năm 2017. Không những vậy, mức thu kể trên còn thấp hơn nhiều so với các chợ khác cùng địa bàn.
“Chúng tôi lập biểu giá vệ sinh môi trường cho 5 ngành chính tại chợ không thể lập bảng giá riêng cho từng gian hàng một. Đối với ngành hàng quần áo, tạp phẩm đang bức xúc thì họ có mức thu và mức tăng thấp nhất tại chợ hiện nay. Các cơ quan chức năng của thành phố đã thẩm định giá trên cơ sở lấy thu bù chi. Trong hợp đồng với tiểu thương, chúng tôi chỉ có trách nhiệm thông báo, còn tất cả mọi việc hộ kinh doanh phải chấp hành đúng quy định của luật pháp", ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, việc điều chỉnh giá không chỉ để bù lỗ mà mục tiêu chính là làm cho vệ sinh môi trường tại chợ tốt lên, đẹp hơn vì chợ Hạ Long 1 còn là nơi có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, mua sắm mỗi ngày.
Theo Ban quản lý chợ Hạ Long 1, đối với các trường hợp không đóng tiền vệ sinh môi trường, đơn vị sẽ cắt điện. Trong tổng số 430 hộ chưa nộp phí vệ sinh môi trường mới, đơn vị đã cắt điện của 85 gian hàng với 53 hộ, các gian hàng khác vẫn được cấp điện và kinh doanh buôn bán bình thường.
Ông Trần Văn Lợi, Phó ban quản lý chợ, cho biết do không đủ nhân viên kỹ thuật nên đến nay mới dừng cung cấp điện của 53 hộ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cắt điện của các hộ khác nếu vẫn chưa đóng phí theo quy định", ông Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, hiện hơn 300 hộ kinh doanh dù được cấp điện nhưng vẫn đóng quầy không bán hàng là do có đối tượng xấu lợi dụng, kích động, không phải tất cả đều chống đối. Có những hộ muốn nộp phí và chấp hành chủ trương nhưng bị kẻ xấu yêu cầu đóng cửa hàng nếu không sẽ bị tẩy chay.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định việc điều chỉnh giá vệ sinh môi trường tại chợ Hạ Long 1 là đúng quy định của pháp luật. Các tiểu thương đã được cơ quan chức năng tuyên truyền giải thích, không thể chỉ vài một vài hộ kích động mà làm ảnh hưởng chung tới tình hình toàn chợ. Trong thời gian tới, nếu hộ kinh doanh nào chống đối, kích động, lôi kéo người dân sẽ bị xử lý nghiêm.
Trước tình hình phức tạp tại chợ Hạ Long 1 những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo UBND thành phố Hạ Long tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng chợ đóng cửa không bán hàng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết đã chỉ đạo UBND thành phố Hạ Long  tiếp tục đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, trên cơ sở đó báo cáo về tình hình thu phí vệ sinh môi trường tại chợ Hạ Long 1 cũng như các chợ khác trên địa bàn để có hướng xử lý.
"Nếu người dân chưa rõ phải giải thích cho người dân hiểu, chợ Hạ Long 1 là chợ trung tâm, thương mại du lịch không thể để xảy ra tình trạng bất ổn như vậy", ông Long khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.