Hàng trăm hộ dân Nghệ An không được cấp sổ đỏ vì sống 'nhầm' ở Thanh Hóa

Khánh Hoan
Khánh Hoan
29/11/2018 08:15 GMT+7

Không được cấp sổ đỏ dù đã làm nhà ở ổn định từ hàng chục năm nay là nỗi khổ của 270 hộ dân xóm 10, xã Quỳnh Lộc (TX.Hoàng Mai, Nghệ An). Nguyên nhân vì họ đang sống “nhầm” trên đất của tỉnh Thanh Hóa.

Người nghệ an, đất thanh hóa
Năm 1964, khoảng 20 hộ dân, chủ yếu là đảng viên, được chính quyền xã Quỳnh Dị (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) vận động đi khai hoang “mở đất” ở vùng đất giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa để giãn dân. Bà Văn Thị Nhung (70 tuổi), người theo cha mẹ đi khai hoang ở vùng này từ buổi đầu và sinh sống cho đến nay, kể rằng khi đó vùng này cây cối còn um tùm, chưa có ai đến ở.
“Khoảng 20 gia đình được huyện và xã vận động ra đây khai hoang trồng trọt, dựng nhà ở. Vùng này lúc đó còn rất hoang vu, nếu huyện, xã không vận động thì chẳng ai dám ra đây ở”, bà Nhung nhớ lại.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, địa danh khe Nước Lạnh vốn là một cái lạch nước chỉ rộng 2 - 3 m, từ lâu được xác định là ranh giới giữa tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Khe này chảy từ trên núi xuống, chia cắt địa bàn xã Quỳnh Lộc và bên kia là xã Trường Lâm (H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Tuy nhiên, khi ra khu vực này khai hoang, dựng nhà sinh sống, người dân tỉnh Nghệ An không biết. “Hồi đó và kể cả sau này, dân chúng tôi ở đây cũng không rõ đó có phải là ranh giới không, cha mẹ đến ở từ hàng chục năm rồi chẳng thấy ai nói gì nên con cái sau này cứ ở vậy”, bà Nhung nói.
Ông Hồ Xuân Hương, xóm trưởng xóm 10, xã Quỳnh Lộc, cho biết hiện xóm có hơn 300 hộ dân, trong đó có 270 hộ làm nhà sống phía bên kia khe Nước Lạnh, thuộc phần đất của xã Trường Lâm, H.Tĩnh Gia.
“Họ sống đã hơn 50 năm nay trên đất Thanh Hóa nhưng người vẫn thuộc xã Quỳnh Lộc quản lý. Ngoài đất ở còn có đất ruộng, nhưng không hộ nào được cấp sổ đỏ dù đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền”, ông Hương nói.
Thực trạng trên khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Lưu Bình (63 tuổi) cho biết nhà ông có hơn 1.000 m2 đất ở từ hàng chục năm nay, nhưng không được cấp sổ đỏ dù ông và hàng trăm hộ dân ở đây đã nhiều lần đề nghị với chính quyền.
Tương tự, anh Lê Công Tùng, cư dân xóm 10, cho biết vợ chồng anh cũng có 1.000 m2 đất do cha mẹ để lại, đất đã làm nhà ở từ hàng chục năm nay nhưng không được cấp sổ đỏ khiến anh rất khó khăn khi cần vốn để làm ăn. “Đất ở hợp pháp, không tranh chấp, hàng năm có đóng thuế nhưng tôi đã nhiều lần lên xã Quỳnh Lộc và ra xã Trường Lâm đề nghị cấp sổ đỏ, thậm chí bỏ tiền ra nhờ người làm vẫn không được. Tôi buôn bán, rất cần vay vốn làm ăn nhưng đất không có sổ đỏ chẳng ngân hàng nào dám cho vay”, anh Tùng nói.
Vẫn chưa có hướng giải quyết
Trong khi nhiều người dân ở đây khẳng định đã nhiều lần đề nghị chính quyền cấp sổ đỏ nhưng vẫn chưa được đáp ứng, ông Thái Văn Nông, Phó giám đốc Sở TN-MT Nghệ An, lại cho biết Sở chưa nhận được văn bản nào từ chính quyền cấp dưới đề nghị phối hợp việc giải quyết cấp sổ đỏ cho người dân ở đây.

Theo ông Nông, người dân xâm cư đất của xã khác mà họ đã ở lâu dài, ổn định thì theo quy định, chính quyền hai xã cần làm thủ tục để trình UBND huyện nơi đang quản lý đất cấp sổ đỏ cho dân.
Ông Hồ Quốc Úy, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, cho biết chính quyền 2 xã Quỳnh Lộc và Trường Lâm đã từng “ngồi” với nhau để tìm cách giải quyết, cấp sổ đỏ cho dân nhưng chưa được. “Theo quy định, đất của H.Tĩnh Gia thì phải do Tĩnh Gia cấp sổ, TX.Hoàng Mai không thể cấp được nên đến nay vẫn chưa thể giải quyết cho dân được”, ông Úy nói và cho biết thêm phía Thanh Hóa từng đề nghị số dân này chuyển sang Thanh Hóa quản lý nhưng người dân không chịu.
Còn ông Phạm Văn Hào, Trưởng phòng TN-MT TX.Hoàng Mai, cho rằng người dân phải đề nghị xã Trường Lâm làm thủ tục cấp sổ đỏ. “Nếu phía Thanh Hóa cần phối hợp thì chúng tôi sẵn sàng để làm sổ đỏ cho dân. Trong các lần tiếp xúc cử tri, dân phản ánh, chúng tôi cũng đã hướng dẫn dân rồi”, ông Hào nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND H.Tĩnh Gia, cho rằng UBND H.Tĩnh Gia không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở xã Quỳnh Lộc (TX.Hoàng Mai, Nghệ An) được, vì các hộ dân trên không thuộc quyền quản lý hành chính của huyện này.
“Bà con không xâm canh, xâm cư mà họ đã ở đó từ những năm 1964, 1965. Sau này mới phân định ranh giới giữa tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Giờ cấp sổ đỏ là rất khó, phía H.Tĩnh Gia cũng không thể cấp được, vì trái với luật Đất đai. Hướng giải quyết bây giờ là phải phối hợp giữa các đơn vị, chính quyền các địa phương để kiến nghị cấp trên điều chỉnh địa giới hành chính cho phù hợp, việc này đến nay vẫn chưa làm được”, ông Dũng nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.