Hàng quán đóng cửa vì dịch Covid-19, dân công sở Sài Gòn nghĩ cách ứng phó

30/03/2020 09:12 GMT+7

Đặt giao đồ ăn qua app điện thoại, tự nấu ăn mang đi hay tận dụng mì gói, bánh ngọt… là cách ứng phó của dân văn phòng ở TP.HCM khi hàng quán đóng cửa mùa dịch Covid-19.

Kiếm được quán ăn... đến là cực

Theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 của UBND TP.HCM, các nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống có khả năng phục vụ trên 30 người phải ngưng hoạt động đến cuối tháng 3. Tuy nhiên, nhiều hàng quán vỉa hè cũng đóng cửa hoặc chỉ bán mang đi vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chị Đàng Thị Minh Trâm (21 tuổi) chia sẻ: “Bình thường, tôi hay ăn quán cơm gần văn phòng nhưng ngày mai thì không biết thế nào. Liệu quán có đóng cửa hay không”.

Facebook có chức năng “marketplace” dành riêng cho mua sắm trực tuyến

Ảnh: Chụp màn hình

Mùa dịch bệnh, hạn chế ra ngoài nên các quán ăn tập trung bán hàng trên mạng xã hội

Ảnh: Chụp màn hình

Với những quán ăn còn duy trì, lượng khách đổ dồn về thông qua việc đặt giao hàng. Thay vì cửa hàng chật khách thì nay lại chật shipper và đơn hàng thì đổ về liên tục. Do đó, thời gian nhận đồ ăn lâu hơn nhiều so với thường ngày, trong khi dân văn phòng chỉ có thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi. 
Chị Vũ Thị Hồng (25 tuổi) trước đây thường tranh thủ ăn sáng tại tiệm bánh mì, bánh cuốn nóng ngay trước công ty. Nhưng hiện tại, hai tiệm này đã đóng cửa. Ăn sáng đã vậy, cảnh ăn trưa cũng không mấy khá hơn.
Chị than thở: “Giờ nghỉ ăn chỉ khoảng 1 tiếng. Vì dịch bệnh, vào giấc trưa nhiều người cùng gọi một lúc nên phải đợi lâu hơn so với bình thường. 12 giờ ăn thì chắc 11 giờ hơn tôi đã phải đặt rồi. Rồi ở quán ăn thì cũng hết đồ ăn nhanh lắm. Kiếm được quán ăn mở cửa thì đến là cực”.

Ứng phó mùa dịch

Để không vướng phải cảnh loay hoay tìm đồ ăn, quán ăn, dân công sở phải đề ra kế hoạch ứng phó. 
Chị Minh Trâm dự tính trường hợp quán cơm trưa gần công ty đóng cửa. Chị sẽ ăn tạm mì gói hoặc bánh mì ngọt mua tại cửa hàng tiện lợi. Cùng quan điểm với chị Trâm, chị Hồng nói: “Nghe tình hình dịch bệnh căng thẳng thế này, xác định là ăn mì và đồ ăn nhanh dài dài rồi!”. Theo hai chị, đây chỉ là kế hoạch ngắn hạn vì ăn đồ ăn nhanh sẽ không đảm bảo sức khỏe.

Công bố bệnh nhân 189, 190, 191, 192, 193, 194 mắc bệnh Covid-19

Chị Huỳnh Thị Trúc Mai (23 tuổi) chọn cách nấu cơm nhà mang đi: “Mùa này đặt đồ ăn giao đến tôi cũng lo lắng sợ dịch bệnh lây lan. Vì vậy, tôi nấu cơm nhà mang đi vừa tiết kiệm vừa đảm bảo sức khỏe”.
Với đặc thù công việc làm đêm, anh Huân (32 tuổi) chia sẻ: “Thời gian này, tôi hạn chế ăn ở ngoài. Làm việc ban đêm, tôi thường thèm đồ ăn nhưng cố gắng nhịn để sáng hôm sau về nhà rồi ăn. Phần vì sợ ảnh hưởng sức khỏe, phần vì mùa này không có quán ăn nào mở đêm trừ một vài cửa hàng tiện lợi”.

Các app giao hàng thông báo những hàng, quán ăn đóng cửa

Ảnh: Chụp màn hình

Hiện tại, trên các ứng dụng giao đồ ăn đều có cập nhật các quán ăn đã đóng cửa. Ngoài quán ăn, nhiều ứng dụng mở rộng sang đặt hàng tại các siêu thị có đồ ăn chế biến sẵn. Bên cạnh đó, các trang bán hàng homemade hoạt động mạnh mẽ, đa dạng món ăn và nhiều dịch vụ khuyến mãi đi kèm.
Anh Nguyễn Lê Cao Kỳ (chủ quán xôi cá cơm) cho biết: “Hiện tại khách chủ yếu của tôi là thông qua đặt app. Một chi nhánh tôi nghỉ hẳn, giờ chỉ phục vụ 2 chi nhánh ở Q.3 và Phú Nhuận. Ngoài bán qua app, tôi còn đăng bán trên Facebook cá nhân cũng được nhiều người ủng hộ”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.