Hàng cổ thụ cả trăm năm ở Sài Gòn: 'Khám bệnh' để bảo tồn hay đốn hạ?

09/10/2020 13:06 GMT+7

Người được phân công ‘bắt bệnh’ cho những hàng cây xanh lâu năm ở Sài Gòn buộc phải có kinh nghiệm lâu năm vì chỉ bằng mắt thường, họ phải cân đo đong đếm các yếu tố khác mới quyết định đề xuất đốn hạ hay bảo tồn.

Cứ mỗi năm đến mùa mưa, TP.HCM lại xảy ra vài sự vụ liên quan đến những hàng cây xanh lâu năm như cây tét nhánh hoặc bật gốc. Đau lòng hơn, có những người đã đường đột ra đi mãi mãi chỉ vì những tai nạn “trên trời rơi xuống” này. Khi ấy, người dân ngoài nơm nớp nỗi lo sợ khi trời mưa gió, đặt vấn đề trách nhiệm thì vẫn còn những thắc mắc liên quan đến vấn đề chăm sóc, duy tu cây xanh.
Có một thực tế là tại TP.HCM hiện có hàng trăm cây cổ thụ lâu năm (từ 50 đến cả 100 năm tuổi) tại nhiều con đường lớn, phủ bóng mát bao trùm. Thế nhưng theo các chuyên gia về cây xanh thì "sứ mệnh" của các cây này đã hoàn thành nhưng việc đốn hạ để ngăn chặn nguy hiểm có thể xảy ra thì không hề dễ dàng. 
PV Thanh Niên đã theo chân Xí nghiệp 1 Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM đi “bắt bệnh” cho hàng cây xanh lâu năm ở Sài Gòn.

“Bắt bệnh” bằng mắt thường!

Theo chân ông Bùi Văn Thành - Phó giám đốc Xí nghiệp Cây xanh 1 và ông Nguyễn Thế Đạt - cán bộ kỹ thuật đi “bắt bệnh” cho cây xanh trên địa bàn Q.3 mà tôi không khỏi ngạc nhiên vì đồ nghề của họ mang theo chỉ có bộ thước dây và tờ giấy in sẵn 32 tiêu chí khảo sát cây.

Cây xanh bị bọng gốc trên đường Pasteur

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Thành giới thiệu, làm nghề này, họ phải “bắt bệnh” cho cây bằng phương pháp trực quan, tức là qua quan sát bằng mắt thường. Để nhận biết đâu là dấu hiệu bất thường của cây, công việc yêu cầu họ là những người làm lâu năm trong nghề, vững về cả kiến thức lẫn trải nghiệm thực tế.
Rảo một vòng quanh đường Pasteur rợp bóng cây xanh, chúng tôi dừng lại trước cây sao đen được đánh số 255. Tiến về phía gốc cây, ông Đạt rút ra từ hốc vài miếng bạt trắng của ai nhét sâu phía bên trong, nói: “Cây sao đen này đang bị bọng gốc. Bọng tức là ở phần gốc của cây có một hốc sâu lõm vào trong thân cây”.

Dụng cụ làm việc của những người "bắt bệnh" cho cây chỉ có chiếc thước dây

Ảnh: Vũ Phượng

Kéo thước dây qua phần gốc cây vòng tay hai người ôm không xuể, ông Đạt đọc các số liệu: chu vi gốc 373cm, chu vi ngang ngực (được đo ở độ cao 130cm từ dưới đất lên) 173cm.
Quan sát một lượt, trầm ngâm tính toán, suy nghĩ, ông Đạt nói cây sao đen 255 ngoài bọng gốc còn đang bị nghiêng dần và bị sam mục tại các vết cắt cũ. Để tôi hiểu hơn về chuyện đánh giá cây nghiêng bằng mắt thường, ông Đạt giải thích: “Cây nghiêng dần đã được nhân viên đi chăm sóc báo cáo trước đó vì có quá trình theo dõi. Còn giờ đứng thẳng cây, chúng ta quan sát bằng mắt thường đều có thể thấy cây nghiêng về hướng đường Võ Văn Tần”.

Hàng sao đen xanh mát trên đường Pasteur

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Thành tiếp lời: “Theo kinh nghiệm của tôi hàng cây sao đen ở đường Pasteur này có từ thời Pháp thuộc. Nhìn cây 255 thì thấy không gian sinh trưởng khiến cây càng ngày càng nghiêng nên phải đề xuất đốn hạ để đảm bảo an toàn”.
Chỉ sang cây sao đen thấp và mỏng ở gần đó, ông Thành cho biết, 10 năm trước cây tại vị trí này cũng bị sam mục phải đốn hạ, đào hốc đất sâu 1m để trồng lại cây con. “Cây sao đen phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở miền Nam nên các tuyến đường thường trồng cây này để cây sinh trưởng tốt”, ông Thành phân tích.
Ngoài những dấu hiệu bất thường của cây như đã nói ở trên, các tiêu chí còn lại buộc nhân viên kỹ thuật phải đánh dấu vào giấy khảo sát cây gồm: hạ tầng bên dưới, bên trên cây, hình dáng thân, tán, biểu hiện tán lá, hình dáng rễ cây, biểu hiện khiếm khuyết, hư hại của cây xanh,…

Nhức nhối xâm hại cây xanh

Ông Thành cho biết, để đốn một cây xanh có dấu hiệu nguy hiểm phải “đúng quy trình”. Đầu tiên xí nghiệp gửi đề xuất lên Công ty Cây xanh. Đơn vị này thẩm tra lại các thông tin rồi chuyển sang Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng). Trung tâm duyệt đề xuất chuyển ngược xuống lại công ty thì nhân viên mới được phân công đi đốn hạ cây.

Khi khảo sát cây, nhân viên xí nghiệp phải ghi lại đủ 32 tiêu chí theo yêu cầu

Ảnh: Vũ Phượng

Thời gian chờ đợi quy trình này là khoảng 7-10 ngày, các trường hợp cây khô thì được ưu tiên xử lý gấp. Tuy nhiên, có một số trường hợp cây xanh phải đợi tới vài tháng mới nhận được quyết định duyệt cho đốn hạ (như cây trước Dinh Độc Lập mới đây).
Chúng tôi tiếp tục rảo dọc các tuyến đường Q.3 và dừng chân tại cây sao đen lâu năm đánh số 15 đường Trần Quốc Thảo. Đây là cây từng bị gãy một nhánh, nhánh cây còn lại nghiêng vào phía nhà dân.
Ông Đạt cho hay: “Nhánh còn lại nghiêng thế này vừa mất mỹ quan vừa nguy hiểm khi trời dông gió ở đoạn phân cành, vì vậy chúng tôi đang khảo sát để đề xuất đốn hạ. Cây sao đen này có chu vi ngang ngực 250cm và cao khoảng 24m”.

Ông Thành và ông Đạt đang đo chu vi ngang ngực của cây xanh trên đường Trần Quốc Thảo

Ảnh: Vũ Phượng

Nhiều năm trong nghề, điều khiến ông Thành tâm tư nhất là chuyện xâm hại cây xanh. Ông chia sẻ: “Một cây có nhiều rễ chính có chức năng neo cây lại trên mặt đất. Khi một rễ cây bị xâm hại thì chắc chắn cây có nguy cơ ngã đổ. Nhưng xâm hại ở phần rễ cây, không ai nhìn thấy được, tới khi cây đổ ra đó mới biết. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là ý thức bảo vệ cây xanh đô thị”.

Cây sao đen bị lệch tán ở đường Trần Quốc Thảo đang được đề xuất đốn hạ

Ảnh: Vũ Phượng

Theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, trên địa bàn TP có nhiều khu vực còn những cây xanh đô thị trồng từ thời Pháp thuộc (khoảng từ 1884 - 1945) như các quận: 1, 3, 5, 10, 11; Thảo Cầm Viên, Công viên Tao Đàn, Dinh Thống Nhất...
Các cây này đa dạng về chủng loại. Đường Nguyễn Đình Chiểu có cây sao đen, lát hoa, căm xe, sọ khỉ, dầu rái (đặc biệt đường này có 2 cây dầu rái ước chừng 500 năm tuổi, được giữ nguyên từ khu rừng trước khi làm đường); đường Nguyễn Thị Minh Khai có cây dầu, lim sét; đường Võ Văn Tần là cây sao đen; đường Ba Tháng Hai và đường Ngô Gia Tự là cây dầu..
Để minh chứng thêm lời mình, ông Thành nói, xí nghiệp từng nhiều lần ghi nhận những người thi công các công trình ngầm hóa, làm vỉa hè gây ảnh hưởng đến rễ cây. Chỉ cần một vết thương nhỏ ở phần rễ hoặc thân cây, cây đều có thể bị nấm mốc, vi khuẩn tấn công dần dần chết nhánh rễ và mất chức năng bám vào mặt đất.
“Trăn trở nhất của tôi là cây bị xâm hại thì không biểu hiện liền ngày một, ngày hai mà phải vài tháng, có khi vài năm sau mới có biểu hiện ra. Thậm chí có khi chưa biểu hiện thì cây đã bật gốc, nhìn phần rễ khi cây bật gốc mới vỡ lẽ”, ông Thành cho biết.
Ông Đạt thì cho hay, khu vực Q.3 có nhiều cây lâu năm so với các quận khác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tòa nhà cao tầng mà nhiều luồng gió xuất hiện khi mưa dông có thể gây hiện tượng cây bị gãnh nhánh.
Để hạn chế tối đa việc này, xí nghiệp thường xuyên cắt tỉa gọn những tán cành lỉa chỉa, cành khô, đặc biệt theo dõi cây xanh lâu năm gần các tòa nhà cao tầng để đảm bảo an toàn mùa mưa gió.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.