Hàng cấm trong thế giới ngầm

26/06/2010 10:09 GMT+7

(TNTS) Những người lắm tiền nhiều của sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỉ để mua sừng tê, xương hổ mà không hề biết phân biệt thật giả ra sao. Đến khi phát hiện bị lừa chỉ còn cách "ngậm bồ hòn làm ngọt"! Là mặt hàng pháp luật nghiêm cấm mua bán, thế nhưng giao dịch bí mật vẫn âm thầm diễn ra trong thị trường đen.

Ly kỳ chuyện mua bán sừng tê

Cách đây mấy năm, khi phóng sự Bí mật sừng tê giác đăng trên Thanh Niên, tôi nhận rất nhiều cuộc điện thoại xin gặp. Có cô gái nhờ tôi xem giùm mẩu sừng tê nặng chừng một lạng mà cô coi như "bảo bối" có thể giúp cho người anh ruột qua khỏi căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Một người đàn ông trung niên từ Đồng Nai mang theo khúc sừng mà ông ta cho rằng của gia truyền để lại từ mấy đời. Đặc biệt, có cơ quan chức năng ở tận miền Tây nhờ "giám định" giùm một lúc mấy chiếc sừng họ thu được trong một vụ án chống buôn lậu... Không cần quan sát gì nhiều, chỉ cầm trên tay và nhìn thoáng qua tôi có thể trả lời dứt khoát đó là hàng giả.

Từ đấy đến nay có biết bao vụ mang lậu sừng tê giác châu Phi vào VN bị hải quan bắt giữ tại các cửa khẩu sân bay. Gần đây nhất một trong vài cá thể tê giác một sừng cuối cùng ở rừng quốc gia Cát Tiên bị bọn săn trộm bắn hạ. Xác con tê giác xấu số được tổ công tác Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF) khẳng định: Có dấu vết đạn súng săn và chiếc sừng đã bị cắt mất. Khi tin này được công bố trên báo, một tay chuyên buôn hàng cấm tỏ ý tiếc rẻ. Theo anh ta sừng tê giác Java luôn được coi là hiếm và đắt nhất, không nặng quá 1,5 kg, giá được hét lên 4.000 USD/lạng. Thế nhưng, muốn tìm ra một chiếc sừng tê giác loại này là chuyện "mò kim đáy biển". Trong khi đó sừng tê giác đen châu Phi thường nặng từ 3-5 kg, hiện nay dao động quanh mức 2.500-3.000 USD/ lạng, sừng tê giác trắng từ 2.000-2.500 USD/lạng. Trên thị trường loại một sừng bao giờ cũng có giá hơn loại 2 sừng, và chỉ cần có người tin cậy giới thiệu là có thể tìm mua bao nhiêu cũng có (!?).


Sừng tê thật qua giám định

Nghe qua như thế, nhưng một chuyên gia giám định ADN (yêu cầu giấu tên) cho biết trong năm qua có tới 50 trường hợp nhờ anh giám định hộ nhưng hầu hết là giả, chỉ có 2-3 cái thật (những hình ảnh sử dụng trong bài này là do anh cung cấp). Đối với sừng thật tùy theo cách khai thác và phương thức bảo quản, chất lượng của sừng sẽ quyết định giá cả. Sừng non thường được định giá rẻ, kể cả sừng được cất giữ lâu năm cũng sẽ giảm sút chất lượng do mất đi nhiều hoạt chất. "Tốt nhất là sừng rớt đầu tê giác khoảng chừng 2 tháng, vừa đủ khô. Cách bảo quản độc đáo theo dân gian là bỏ trong lọ hũ nếp rang, định kỳ thay gạo mới, giữ cho phẩm chất không thay đổi", vị chuyên gia nọ kết luận.

Với mặt hàng giả, cách chế tác hết sức tinh xảo, cộng thêm thủ đoạn tung tin, thổi phồng, đưa người mua vào mê hồn trận. Thông thường nhất dùng sừng trâu nước hong trên gác bếp củi chừng 3 năm, biến màu xám ngà thành màu đen mun, cắt lấy chót đầu và tạo hình. Đầu tiên là tạo thớ dọc mặt ngoài, tiếp theo tạo các "vòng tuổi" ở chân sừng, tạo nút nhú để phân biệt sừng con đực (7 nhú) hay con cái (9 nhú). Bịa đặt hoang đường như vậy, nhưng không hiểu sao không ít nạn nhân trúng phải bẫy lừa. Chỉ mới đây thôi, một đại gia ở Lâm Đồng mua cặp sừng có "nguồn gốc" châu Á trị giá 1 tỉ đồng. Đến khi biết mình mua phải hàng giả quay lại nơi bán tìm, thì hỡi ôi từ chiếc xe hơi chúng sử dụng đi lại và cả ngôi nhà lầu mấy tầng đều là của thuê mướn, chúng đã trả lại cho chủ và biến đi không để lại chút dấu vết.


Bộ xương hổ giả

Dân trong nghề còn nói đến một loại sừng giả siêu hạng gọi là sừng "công nghệ", có xuất xứ từ Thái Lan. Cách chế tác là sử dụng sợi polyme ép tạo hình sừng tê giác giống y như thật, trong quá trình làm giả pha trộn một ít bột sừng tê giác tỉ lệ chừng 5%. Khi soi đèn thấy có tia, lỗ và mắt lưới, đúng tiêu chuẩn hàng thật. Nếu khách hàng còn nghi ngờ mài lấy bột đưa đi phân tích, kết luận có ADN sừng tê hiện lên, đến mức này ngay cả những bậc thầy cũng phải chào thua!

Chúa sơn lâm đã mất "ngôi"

Những số liệu không chính thức ước tính loài hổ còn không quá 100 cá thể ở VN. Loài vật mệnh danh là chúa sơn lâm này đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Buôn bán hổ lấy xương dùng nấu cao hổ cốt trở thành nghề hái ra tiền và mặt hàng này ngày càng hiếm. Để đáp ứng nhu cầu có thật, các đường dây buôn hàng cấm vươn dài qua tận Lào, Campuchia, tới tận Myanmar để nhập hổ lậu vào VN. Đây là lý do lâu lâu mọi người lại nghe tin nơi này nơi nọ bắt được hổ vận chuyển bằng xe đông lạnh.


Một loại sừng tê giả

Một ông trùm chuyên cung cấp cao hổ và luôn đảm bảo là thật nói: "Hổ sau khi bị giết liền móc bỏ nội tạng, cân móc hàm và qui ra cân hơi. Giá mỗi cân hơi hiện nay ở mức 4 triệu đồng". Con hổ nặng chừng 150 kg đem róc lấy khoảng 10-12 kg xương, trộn một phần xương sơn dương (phi sơn dương bất thành hổ cốt) khi nấu cho ra chừng 4 kg cao thành phẩm. Cộng thêm các khoản chi phí, giá thành một lạng cao hổ cốt không bao giờ nằm dưới mức 18 triệu đồng, giá bán buôn phải từ 20 triệu đồng trở lên.

Những kẻ rao bán cao hổ với giá 5-7 triệu đồng/lạng dứt khoát là cao hổ dởm. Mánh lừa phổ biến nhất vẫn là dùng xương trâu, bò nấu cao, sau đó cho một ít thuốc phiện vào. Khi trong người đang mệt mỏi, chỉ cần uống chừng một muỗng nhỏ thì lập tức cảm thấy sảng khoái, hưng phấn, đến độ có người gọi là "thần dược". Uống phải loại cao hổ cốt này là tác hại khôn lường. Thầy thuốc đông y Bảo Sanh từng sử dụng cao hổ trị một số bệnh khẳng định: "Cao hổ thật khi uống luôn có cảm giác nóng trong người, vì vậy những người âm hư không được dùng. Vị thuốc này phải thấm lâu và từ từ phát huy tác dụng".


Xương hổ có mắt phượng (giả)

Trở lại chuyện hổ đông lạnh, đừng tưởng cứ nhìn thấy hổ ướp đông "nguyên đai, nguyên kiện" là hoàn toàn thật. Bọn buôn lậu xảo quyệt luôn có trong tay những thợ tay nghề cao, dễ dàng "phẫu thuật" lấy đi xương chân trước (thường có lỗ nhỏ cong cong gọi là mắt phượng) và xương bả. Chúng thay vào bằng xương báo do báo vẫn còn nhiều và xương cũng có mắt phượng (không giá trị dược liệu). Người mua gặp phải chiêu này thì không còn cách chi phân biệt được. Có trường hợp làm ra 12 kg xương nhưng chỉ có 4 kg xương hổ thật, 8 kg còn lại là xương báo hoặc xương gấu.

Móng và nanh hổ được coi là vật trừ tà theo tín ngưỡng dân gian, một cái nanh đẹp giá từ 10-40 triệu đồng, và một cái móng phải từ 3-10 triệu đồng. Vậy là những móng và nanh của hổ đông lạnh cũng bị vặt sạch, thay vào đó là móng giả, nanh giả. Kỹ thuật chế tác các "phụ tùng" giả này cũng khá dễ dàng. Đến như pín hổ (dương vật) bán ra ngoài thị trường cũng không bao giờ có hàng thật. Pín hổ thật  kích cỡ không lớn lắm, khi phơi khô độ to chỉ bằng ngón tay cái, dài khoảng 8-12 cm. Trong khi đó hiện đang lưu hành nhiều loại pín hổ dài 30-40 cm, đầu có gai tua tủa với bao lời thêu dệt về công năng phi thường dành cho quý ông! Đã có biết bao người là nạn nhân của những trò lừa đảo ngày càng tinh vi, và các quý ông xin chớ tin vào những lời đồn thổi mà tiếp tục dấn thân vào cảnh "tiền mất tật mang".

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.