Hạn hán nghiêm trọng còn kéo dài, chính quyền mua nước cho dân

19/03/2016 18:31 GMT+7

Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì sơ kết vụ đông xuân và kế hoạch sản xuất hè thu của các tỉnh Nam Trung bộ.

Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì sơ kết vụ đông xuân và kế hoạch sản xuất hè thu của các tỉnh Nam Trung bộ.

 Người dân thôn 3 xã Sơn Mỹ đến bồn ấy nước sinh hoạt - Ảnh: Quế Hà Người dân thôn 3 xã Sơn Mỹ đến bồn ấy nước sinh hoạt - Ảnh: Quế Hà
Tại hội nghị hôm 17.3 ở TP. Phan Thiết, theo đánh giá từ Bộ NN-PTNT, tình hình hạn hán ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa là rất nghiêm trọng.
Chính quyền mua nước sinh hoạt cho dân
Phó chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ, H.Hàm Tân (Bình Thuận) Nguyễn Ngọc Châu, cho biết toàn xã hiện nay đều thiếu nước sinh hoạt do các nhà máy nước đã ngưng hoạt động. Hiện nay nhà nước đã lắp 5 bồn lớn (5.000 lít/bồn) và 8 bồn nhỏ trên toàn xã. Nước sinh hoạt được vận chuyển từ TX.La Gi về huyện để cung cấp cho bà con với giá 20.000 đồng/m3 (nhà nước bù giá 30.000 đồng/m3).
Cũng theo Phó chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ, hiện nay trên địa bàn xã đã đào thêm hàng chục giếng để lấy nước sinh hoạt cho dân. Đó là chưa kể giếng khoan do dân tự khoan.
Tại nhà ông Trần Hữu Mừng (thôn 3, xã Sơn Mỹ), UBND xã Sơn Mỹ đặt một bồn chứa 5.000 lít nhằm cung cấp cho thôn 3. Ông Mừng cho biết cả thôn 3 của ông thiếu nước, hàng trăm người dân phải nhờ cái bồn chứa này mới có nước sinh hoạt.
“Nước rửa rau phải tận dụng lại cho bò uống. Các con tôi ở thành phố về thăm nhà tôi cũng dặn phải hạn chế sử dụng nước vì đi mua nước rất xa”, ông Mừng nói.
Ông Nguyễn Chí Bình, thôn Suối Bang (xã Thắng Hải, H.Hàm Tân) cho biết vườn đu đủ và nhãn của ông chỉ có 3 ha, giờ phải khoan thêm 4 cái giếng sâu cả trăm mét mới có nước cầm cự vườn cây. “Riêng vườn quýt giờ tôi phải vặt bỏ trái để nuôi dưỡng cây cho vượt qua mùa khô hạn này”, ông Bình nói.
Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Hàm Tân Văn Quý Ngọc, cho biết thêm cho đến ngày 17.3, riêng Hàm Tân phải chi tiền mua nước cho gần 10.000 người tại các xã Thắng Hải, Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Phúc, Tân Đức. Huyện cũng đào thêm 19 giếng nước, mua 53 bồn nước đặt ở các nơi thiếu nước và xuống tận TX.La Gi mua nước về phục vụ bà con sinh hoạt. Hiện nay các nhà máy nước sinh hoạt Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ (H.Hàm Tân) đã ngưng hoạt động do cạn nước.
Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Mai Kiều, cho biết Bình Thuận đang gặp lại trận hạn hán gay gắt như cách đây 10 năm. Vụ đông xuân vừa qua Bình Thuận chủ động cắt giảm hơn 15.000 ha lúa, riêng H.Hàm Thuận Bắc là 8.000 ha. Khoảng 1.400 ha lúa, hoa màu vụ đông xuân này bị thiệt hại nặng nề do nắng hạn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa, cho biết trên toàn tỉnh có khoảng 90.000 người thiếu nước sinh hoạt. Người dân thiếu nước nặng nề nhất là H.Hàm Tân. Hiện nay tỉnh Bình Thuận phải xuất hàng tỉ đồng tiền ngân sách để mua nước cho dân sinh hoạt. Tỉnh đang triển khai ngay việc đào một con kênh dài 4 km lấy nước từ hồ bắc Sông Dinh 3 tự chảy về đập Cô Kiều (H.Hàm Tân) để cho các nhà máy nước có nước hoạt động trở lại.
“Tình hình hạn hán còn diễn ra gay gắt hơn trong thời gian tới. Để giải quyết tình thế, các đơn vị của Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với từng địa phương và có kế hoạch cụ thể cho từng vùng, từng loại cây trồng để chống hạn trước mắt. Các địa phương cần chủ động có kế hoạch chống hạn. Chỗ nào không còn nước phải ngưng sản xuất, tìm những cây trồng ngắn ngày, chịu hạn thay thế. Đặc biệt không được để người dân phải thiếu nước sinh hoạt trong lúc nắng hạn như thế này” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.