Hà Tĩnh nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

19/12/2018 17:03 GMT+7

Là một trong những tỉnh có mức chênh lệch giới tính khi sinh cao, vì vậy, các ngành chức năng của Hà Tĩnh bằng sự nỗ lực của mình đã từng bước khống chế được tình trạng này.

Muốn có người “chống gậy”

Hà Tĩnh, với quy mô dân số khoảng 1,3 triệu người; số trẻ em được sinh ra hằng năm dao động từ khoảng 17.000 đến 23.000 cháu; tỷ số giới tính khi sinh nhiều năm cao, vượt ngưỡng mức cân bằng sinh học tự nhiên (từ 103 đến 106 bé trai/100 bé gái), đến năm 2017 vẫn ở mức khá cao với 112,28 bé trai/100 bé gái.
Từ năm 2009, vấn đề can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã được chỉ đạo triển khai tại Hà Tĩnh thông qua hoạt động của mô hình thí điểm. Tuy nhiên, tình trạng trên tại địa phương này vẫn ở mức cao và cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm soát vì tư tưởng của người dân vẫn còn lạc hậu, cộng với sự “tiếp sức” của những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh ngày càng phổ biến.
Ông Phạm Xuân Đức, Cán bộ Phòng dân số Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Hà Tĩnh), cho biết do người dân vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng về văn hóa của cha ông ngày xưa với định kiến trọng nam, khinh nữ và muốn có người “chống gậy”. Mặc dù Nhà nước, Bộ Y tế đã ban hành các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, ban hành “Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với chính quyền địa phương đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tư vấn, nhưng tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn vẫn khó kiểm soát.
“Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến hậu quả thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Nguy hiểm hơn là có nhiều bà vợ sinh con một bề chấp nhận ly hôn để người chồng đi thêm bước nữa nhằm kiếm được con trai nối dõi. Đó là chưa kể áp lực gia tăng buộc nam giới kết hôn sớm”, ông Đức nói và cho biết, theo thống kê từ TAND tỉnh Hà Tĩnh, trong hơn 9.000 vụ ly hôn trong 10 năm trở lại đây do tòa này thụ lý thì có hàng chục vụ ly hôn liên quan đến việc do vợ chồng chưa có con trai. Điều đó cho thấy, tư tưởng phải có con trai vẫn còn hằn sâu trong nếp nghĩ và hành động của nhiều người dân.

Từng bước khống chế

Để từng bước khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cuối năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 - 2025. Đây là căn cứ, là điểm tựa quan trọng để ngành y tế, đội ngũ cán bộ dân số và chính quyền các cấp có điều kiện triển khai bài bản, đồng bộ các hoạt động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thực hiện đề án trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo ngành y tế, hệ thống làm công tác dân số và chính quyền các cấp phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như: bố trí kinh phí cho công tác dân số, tích cực phối hợp thực hiện các nhóm giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; biểu dương và tôn vinh các điển hình tốt trong công tác dân số… Mục tiêu của đề án là sẽ giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh bình quân là 0,3 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 112,35 bé trai/100 bé gái vào năm 2021. Cùng với đó, sẽ đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên vào năm 2025.
Ông Bùi Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Tĩnh, cho hay sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị này phối hợp với các địa phương và trường học trên địa bàn đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền về giới tính và bình đẳng giới cho người dân và các em học sinh THPT, sinh viên. Đặc biệt, tăng cường thanh kiểm tra và yêu cầu các cơ sở Y tế công lập trên địa bàn tỉnh ký cam kết không lựa chọn giới tính khi sinh. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 xây dựng kinh tế gia đình và có chính sách tuyên dương các vợ chồng sinh 2 con một bề là gái.
“Kế hoạch mà T.Ư giao cho Hà Tĩnh năm nay là phải giảm được tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh bình quân là 0,3 điểm phần trăm/năm, nhưng sau 10 tháng thực hiện đề án trên thì đã giảm được 5,05 điểm phần trăm/năm, tương đương 107,23 bé trai/100 bé gái, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, ông Hùng nói.
Mặc dù bước đầu đã đạt được các thành quả rất tích cực, nhưng theo ông Hùng, việc thay đổi quan niệm “phải có con trai” trong cộng đồng bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống thì cần sự đồng bộ, hiệu quả trong thực thi pháp luật về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, phân biệt giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.