Những nhà giáo ‘kỳ lạ’ vùng biên giới

Phạm Anh
Phạm Anh
26/06/2019 10:35 GMT+7

Những giáo viên vùng biên giới Đăk Glei (Kon Tum) xa xôi thấy học sinh đói cơm, rách áo nên đứng ra vận động mọi người cùng giúp học sinh mình, với mong mỏi: làm sao cho các em bớt khổ khi đến trường.

Đi xin cho học sinh nghèo
Một buổi chiều đến Trường tiểu học - trung học cơ sở Lý Tự Trọng, TT.Đăk Glei, H.Đăk Glei (Kon Tum), chúng tôi thấy các cô giáo ở đây đang chuẩn bị đếm, xếp quần áo, sách vở… để về làng tặng cho các gia đình nghèo có con em đi học.
Thầy giáo Nguyễn Văn Quyền, Hiệu phó nhà trường giải thích, mặc dù ở thị trấn nhưng người bản địa ở đây nghèo chẳng khác ở các làng xa. Năm 2016 trường thành lập, giáo viên các nơi về dạy, gặp những học sinh áo quần lem luốc, mặt ốm mắt buồn vì thiếu ăn. Có em thì mặc áo rách đến trường, em khác thì không có vở học…
Thương các em quá, thầy Quyền bàn với giáo viên trong trường tìm mang áo cho em này, sách vở cho em kia. Sau do số học sinh nghèo quá đông, nhà trường phải làm hẳn một cuộc vận động giáo viên trong trường ủng hộ sách vở, quần áo.
Rau, thịt, trứng… do giáo viên đóng góp nấu ăn cho học sinh ẢNH: PHẠM ANH
Rau, thịt, trứng… do giáo viên đóng góp nấu ăn cho học sinh PHẠM ANH
Trước tình hình đó, thầy Đặng Quốc Vũ, hiệu trưởng nhà trường, cùng các giáo viên đi vào các làng để tìm hiểu cuộc sống học sinh. Nhiều đêm đi về, không ai nói với ai lời nào bởi họ chứng kiến học sinh của mình em thì thiếu ăn, em thì không có bàn học, phải bò ra viết bài dưới sàn nhà, điện tù mù như con đom đóm… Làm sao các em học giỏi với hoàn cảnh này?
Thầy Vũ kể: “Có nhà điện không đủ sáng, giáo viên mua cho bóng điện mới sáng hơn. Mấy ngày sau vào, thấy nhà ấy lại thắp bóng điện cũ, hỏi thì gia đình bảo: bóng điện mới tốn điện lắm.”
Còn thầy Quyền thì chia sẻ: "Nói thật, giáo viên ủng hộ cũng có hạn, nên trường lập luôn Facebook Nhóm thiện nguyện Lý Tự Trọng kêu gọi anh em giáo viên trong ngành, nhà hảo tâm giúp đỡ". Vậy là từ 3 năm nay, giáo viên trường này cứ đi xin như thế, xin hết quần áo, sách vở, đến mì tôm, bột ngọt, cá, mắm, gạo… Xin được kha khá, giáo viên nhà trường lại vào làng, nhờ các già làng bảo người làng đến nhận quà của các thầy, cô giáo. Nhờ vậy, không chỉ giúp nhiều em qua cơn ngặt nghèo mà còn vận động học sinh đi học chuyên cần hơn.

Quyết định dũng cảm

Ngày đến Trường tiểu học TT.Đăk Glei, gặp các thầy cô giáo đang nấu ăn cho học sinh, chúng tôi cảm nhận thêm về thầy hiệu trưởng, nhà giáo Trần Xuân Ninh nhân hậu, từng một thời khoác áo lính. Để cho có bữa cơm trưa ấy, đích thân thầy Ninh qua tận làng Long Nang, TT.Đăk Glei, họp dân làng lại để vận động. Những ngày đầu để có cơm cho học sinh ăn, vợ thầy Ninh đứng ra nấu nướng tại nhà rồi mang đến trường. Khoảng 1 tuần sau, khi giáo viên nhà trường lập bếp nấu ăn, vợ thầy Ninh cũng lên giúp việc.
Học sinh xếp hàng vào phòng ăn do giáo viên nhà trường nấu miễn phí ẢNH: PHẠM ANH
Học sinh xếp hàng vào phòng ăn do giáo viên nhà trường nấu miễn phí PHẠM ANH
Bữa trưa chứng kiến cảnh giáo viên, thầy hiệu trưởng đi chia từng miếng thức ăn cho học sinh nghèo, khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Điều gì khiến thầy giáo này và nhà trường làm điều đó? Chỉ có thể vì học sinh của mình, xuất phát từ trái tim của người giáo viên thương yêu học sinh. Thế nhưng, đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện về mái trường này. Chuyện khiến chúng tôi ấn tượng nhất là việc thầy Ninh quyết định cách đây 4 năm: dám nhận một học sinh bị nhiễm HIV vào lớp 1 để học.
Khai giảng năm đó, Trường tiểu học TT.Đăk Glei nhận một học sinh đặc biệt: em Đ. bị nhiễm HIV do lây từ bố và mẹ. Thầy Ninh và nhà trường có đủ lý do để từ chối nhận em vào học. Nhưng nếu như vậy thì tước đi hy vọng của gia đình và nhất là cơ hội được đi học của em học sinh nghèo khổ ngây thơ ấy.
Đôi mắt đen láy, vừa sờ sợ vừa gửi gắm niềm tin của em Đ., đã ám ảnh thầy hiệu trường. Vậy là thầy quyết định nhận em vào học. Chỉ mấy ngày sau, phụ huynh có con học cùng lớp đã đồng loạt kéo lên phản đối. Thậm chí, ngay cả những giáo viên đứng lớp cũng e ngại, huống chi phụ huynh. Họ lo cho con mình khi cùng bàn, cùng lớp với đứa trẻ tội nghiệp nói trên.
Tìm hiểu qua nhiều thông tin, thầy Ninh biết ngay tại TP.HCM, người dân vốn hiểu biết nhưng cũng phản đối rất quyết liệt khi một số trường nhận các cháu bị nhiễm HIV vào lớp học. Thầy Ninh kể: “Những ngày ấy tôi thật bối rối, chưa biết cách giải thích sao cho giáo viên và phụ huynh hiểu”.
Rồi thầy Ninh bỏ thời gian nghiên cứu về quyền trẻ em, những nguy cơ lây lan bệnh HIV… Sau đó, nhà trường mời các phụ huynh đến giải thích cặn kẽ, khơi dậy tình thương từ những phụ huynh này. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng phụ huynh khó chịu nhất cũng chấp nhận, nhà trường đỡ căng thẳng hơn và thầy Ninh lại càng thấy trách nhiệm hơn.
Bây giờ bố của em Đ. đã không còn, em chỉ còn lại mẹ với cuộc sống nghèo bám đeo bệnh tật. Đ. năm nay đã học lớp 4, bên cạnh em luôn có những ánh mắt nhân hậu theo dõi, giúp em hòa nhập chúng bạn, nhưng cũng rất thận trọng không để xảy ra điều đáng tiếc với bạn bè cùng lớp, cùng trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.