Nàng Xô Vi vượt núi

06/07/2021 10:02 GMT+7

“Tôi mong rằng mình có thể trở thành người truyền cảm hứng để những bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số cố gắng vươn lên học tập tốt. Vì chỉ có con đường học tập tốt mới thay đổi cuộc sống, xây dựng được quê hương”.

Đó là lời tâm sự của Nàng Xô Vi, cô giáo người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội.
Những ngày hè này, miền biên viễn Ia H’Drai (Kon Tum) nắng như lò lửa. Tiếng ve đã rền rĩ khắp những tán cây ven đường, nhưng cô giáo Nàng Xô Vi (25 tuổi, giáo viên Phân hiệu trường dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum tại H.Ia H’Drai) vẫn phải nán lại trường. Lứa học sinh lớp 12 sắp trải qua kỳ thi THPT, và các em cần cô bên cạnh.

Cô giáo Xô Vi (giữa) hy vọng sẽ trở thành người truyền cảm hứng để những bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số cố gắng học tập

Tuổi thơ gian khó “đuổi” theo con chữ

Tranh thủ buổi trưa, cô Xô Vi mới rảnh tay để tiếp đoàn khách từ phố thị xa xôi đến thăm. Xô Vi là người Brâu, một trong những dân tộc ít người nhất cả nước. Cô sinh ra ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, H.Ngọc Hồi (Kon Tum). Lớn lên trong nghèo khó, 3 anh chị của cô chỉ học đến lớp 8 rồi nghỉ ngang. Chỉ có Xô Vi cố gắng đuổi theo con chữ với hy vọng thay đổi cuộc đời, phát triển quê hương.
Những ngày đầu đi học, Xô Vi như bước đến một xứ sở khác. Trong mắt cô bé, thầy giáo như nhà thông thái, luôn giải đáp tất cả thắc mắc của lũ trẻ. Với trí tò mò và niềm say mê khám phá thế giới, Xô Vi ước mơ trở thành cô giáo để “cái gì cũng biết” như thầy mình. Ước mơ đó đã thôi thúc Xô Vi cố gắng học thật giỏi.
Nhà ở vùng ngã ba biên giới (Việt Nam - Lào - Campuchia), bố mẹ thường phải đi làm rẫy cách nhà mấy ngọn núi, có khi vài tháng mới về nhà 1 lần, nên 4 anh chị em Xô Vi ở nhà rau cháo nuôi nhau. Nhà nghèo, tuổi thơ của Xô Vi cũng nhuốm màu đất cát. Ban ngày ngoài thời gian học trên lớp, Xô Vi cùng anh chị đi hái rau dại, măng rừng hay nhặt mảnh bom đem bán kiếm tiền. Đêm về cô mới có thời gian ngồi học bài để ngày mai lên lớp. Lúc bấy giờ ở biên giới, đèn dầu còn không có chứ nói gì đến đèn điện. Bếp lửa luôn là góc học tập của Xô Vi mỗi ngày. Nhà cách trường hơn 5 km, sáng nào cô bé cũng phải đi bộ. Thế nhưng không vì vậy mà Xô Vi nghỉ học.
“Trước đây nhà mình nghèo lắm, mấy anh chị em ở nhà thường chỉ ăn cơm và rau rừng. Ở làng mình khi đó, cá khô được xem là một món xa xỉ. Để cải thiện bữa ăn, mình và anh chị thường đi mò cua, bắt ốc, hái măng. Mình nhớ những ngày mưa, mình phải cắt bao phân làm áo mưa đi học. Đến nơi quần áo, giày dép đều lấm lem bùn đất. May mắn sách vở được bọc kín trong túi ni lông nên không ướt. Tuy khó khăn, vất vả nhưng mình rất vui và hạnh phúc vì được đến trường học con chữ”, Xô Vi nhớ lại.
Nàng Xô Vi vượt núi

Nàng Xô Vi kể với PV Thanh Niên về hành trình theo đuổi con chữ

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Người Brâu đầu tiên đậu đại học

Kết thúc bậc THCS, khi những đứa trẻ trong làng lần lượt bỏ học theo bố mẹ leo nương rẫy hoặc lập gia đình, thì Xô Vi lại muốn tiếp tục học lên nữa. Nhà nghèo, trường nội trú tỉnh lại cách làng cả trăm cây số, nghe thấy con gái muốn học tiếp, bố Xô Vi chẳng ưng cái bụng. “Con gái thì học nhiều làm gì. Học đến lớp 9 là được, mai này lấy chồng, địu con, leo rẫy thì cần gì nhiều chữ”, Xô Vi nhớ như in lời bố nói thuở ấy.
Kiên trì tìm kiếm sự ủng hộ của gia đình, Xô Vi còn tìm đến bác trưởng thôn Thao Lợi nhờ giúp đỡ, bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục đi học. Lúc bấy giờ bác Thao Lợi là người tiến bộ nhất thôn. Thấy Xô Vi ham học, bác ưng cái bụng lắm. Bác trưởng thôn chẳng nói gì mà bỏ tiền túi ra cho Xô Vi mượn 100.000 đồng. Sau đó, 2 bác cháu bắt xe khách xuống TP.Kon Tum và nộp hồ sơ vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.
Khi 2 bác cháu đến trường thì nhận được thông báo đã ngừng tuyển sinh. Không chịu bó tay, 2 bác cháu liều đến Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum để cầu cứu. “Cháu có hứa mình sẽ không bỏ học giữa chừng chứ?”, vị cán bộ của Sở GD-ĐT hỏi Xô Vi. Cô bé 15 tuổi khi ấy dù nói tiếng Kinh chưa sõi, nhưng vẫn gật đầu. Cuối cùng, bằng sự giúp đỡ của vị cán bộ sở, hồ sơ của Xô Vi cũng được nhận.
Hai tháng đầu học ở trường nội trú, Xô Vi gặp nhiều khó khăn vì chưa sõi tiếng Kinh, nói thiếu dấu và viết sai chính tả. Cô bé trường làng tỏ ra bối rối và ngại giao tiếp với bạn bè, học lực sa sút. Biết được điểm yếu của học trò, những giáo viên trong trường đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho Xô Vi giao lưu, học hỏi với học sinh trong trường. Hết học kỳ 1, cô gái trường làng dần mạnh dạn, năng động, học hành tiến bộ.
Mùa hè năm 2014, Xô Vi là người Brâu đầu tiên đậu đại học. Lúc bấy giờ bố mẹ đang leo rẫy cách nhà 4 quả núi, không có điện thoại liên lạc. Một lần nữa Xô Vi lại phải “cầu cứu” bác trưởng thôn Thao Lợi. Trước hôm ra Huế nhập học ngành sư phạm địa lý, một cuộc họp thôn diễn ra tại nhà rông, bà con trong làng góp tiền, gạo, nước mắm, dầu gội đầu... để làm hành trang cho Xô Vi lên đường nhập học.
“Mình nhớ nhất hình ảnh một bà cụ trong làng, cố vuốt thẳng những đồng tiền lẻ đã rất cũ và nhét vào tay mình để làm lộ phí. Sợ quên những món quà quý giá dân làng tặng, nên mình ghi chi tiết trong quyển sổ tay. Đó là hành trang mình mang theo suốt cuộc đời. Những lúc tuyệt vọng mình sẽ nhìn vào đó để cố gắng”, Xô Vi nói.

Đại biểu quốc hội tuổi 25

Trong 4 năm đại học là chuỗi ngày gian truân, Xô Vi tự bươn chải, phục vụ quán cơm, rửa chén bát... để lo tiền ăn học, bởi gia cảnh quá khó khăn. Năm 2018, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá, cô gái Tây nguyên vào TP.HCM tìm kiếm việc làm. Trong thời gian chờ đợi, Xô Vi xin vào làm công cho một lò bánh mì.
Một năm sau, Xô Vi được Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhận làm giáo viên thỉnh giảng. Trong thời gian này, cô Xô Vi lập gia đình với một đồng nghiệp. Dạy được vài tháng, nghe tin tỉnh Kon Tum tổ chức thi tuyển công chức, cả hai vợ chồng trở về quê dự thi. Xô Vi đã thi đỗ vào chính ngôi trường nội trú tỉnh mà trước đây mình đã học, rồi cô được phân về Phân hiệu H.Ia H'Drai công tác.
Đi dạy cách nhà 150 km, cô giáo trẻ cũng phải thuê nhà tạm bợ, chỉ cần một trận mưa cũng đủ dột khắp nhà. Dẫu vậy, điều khiến Xô Vi cảm thấy hạnh phúc là học trò và phụ huynh rất yêu thương cô giáo.
Vì có ưu thế là người dân tộc thiểu số ít người nhất, vừa có trình độ, lại là phái nữ, nhà trường đã đề cử Xô Vi ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15. Khi biết tin mình trúng cử đại biểu Quốc hội, Xô Vi chẳng giấu nổi xúc động. Cô cho biết mình rất biết ơn khi được người dân địa phương tín nhiệm, nhưng đây cũng là trách nhiệm nặng nề với bản thân khi Xô Vi mới tròn 25 tuổi.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kon Tum có hơn 34 dân tộc anh em chung sống, Xô Vi đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục dân tộc; vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục ở trẻ em... Nữ đại biểu trẻ mong muốn mang tiếng nói riêng của người đồng bào thiểu số ra nghị trường quốc hội, kêu gọi các chính sách hỗ trợ về giáo dục dân tộc, hỗ trợ về việc làm, với mục tiêu là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống và thu nhập bình quân so với cả nước.
Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum, việc cô giáo Nàng Xô Vi trúng cử đại biểu Quốc hội là niềm vinh dự rất lớn đối với ngành giáo dục tỉnh nhà. Bà Trung kỳ vọng Xô Vi sẽ là người đại diện cho tiếng nói của ngành giáo dục, đồng bào dân tộc thiểu số để có những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển và xây dựng quê hương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.