Gương sáng biên cương: Đời lính ở chốt biên cương

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
15/07/2021 10:35 GMT+7

Dù cắm chốt giữa rừng sâu, nhưng với bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người lính, những vườn rau xanh đã lên xanh tốt, chuồng gà và cả những khóm hoa nhỏ đã nở, tạo cảnh nên thơ cho cuộc sống nơi biên cương xa xôi.

Tuyến biên giới của tỉnh Thừa Thiên-Huế giáp với nước bạn Lào hiện có 19 chốt biên phòng và phòng chống dịch Covid-19 xâm nhập qua đường mòn lối mở.

“Cưới vừa xong là tôi đi”

Gương mặt trẻ giữ vị trí chốt trưởng tại chốt biên phòng cửa khẩu Hồng Vân là trung úy Lê Hữu Bường, 26 tuổi. Bường quê miền biển xã Hải Dương (TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), sau khi vào quân ngũ được cử lên miền núi bảo vệ biên cương tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế).
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, đến tháng 4.2020, chốt biên phòng cửa khẩu Hồng Vân được thành lập. Mặc dù căn nhà được lắp ghép từ vật liệu gỗ cũ, tôn bạt tận dụng, nhưng bên trong mọi thứ đều ngăn nắp, gọn gàng. “Những ngày mới lập chốt, anh em ở nhà bạt, giữa rừng. Tận dụng các vật liệu cũ do người dân địa phương giúp đỡ, anh em đã tự tay dựng nên gian nhà tạm làm chốt. Đến bây giờ, sau hơn 1 năm, chốt đã được đơn vị trang cấp dần thiết bị nên cũng khá tạm ổn”, trung úy Bường kể.
Tháng 11.2020, sau bao ngày hò hẹn, trung úy Bường và cô gái trẻ Nguyễn Phượng đã kết hôn trong niềm mong chờ của 2 gia đình. Ngay sau lễ cưới, trung úy Bường phải trở lại đơn vị để làm nhiệm vụ. Bây giờ hằng đêm, anh vẫn gọi điện về cho vợ để hỏi han tình hình con nhỏ vừa sinh: “Cháu ra đời, em công tác cắm chốt ở đây 2 năm nay, nên mọi công việc chăm sóc con, em đều nhờ vào ông bà nội ngoại. Anh em trong đơn vị mỗi lần gặp em hay trêu đùa “Cưới vừa xong là tôi đi...” (lời bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Phạm Duy phổ nhạc). Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ, chiến sĩ cắm chốt cũng phải chấp hành nghiêm ngặt nhiệm vụ và nguyên tắc phòng dịch. Vì vậy, cả năm trời ròng rã Bường không được về thăm nhà.
Gương sáng biên cương: Đời lính ở chốt biên cương1

Chốt biên phòng xã Hồng Thủy (H.A Lưới) đầy hoa nở giữa núi rừng biên giới, khi đoàn cán bộ Viện KSND tỉnh Thừa Thiên-Huế đến thăm

ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Là chốt trưởng trẻ trung, đơn vị có cả bộ đội biên phòng và cán bộ tăng cường của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, trung úy Bường luôn là người xông xáo, kiến tạo mọi công việc tăng gia, trồng rau, nuôi gà... để anh em cải thiện cuộc sống.
“Ở đây, chăm một con gà còn khó hơn cả việc tuần tra biên giới. Bởi khu vực rừng núi, chỉ cần sơ hở là gà, vịt bị chồn, cù lúi bắt ngay. Anh em cũng “tiết kiệm” lâu lâu mới “thịt” một con để bồi dưỡng. Bình thường thì chỉ dùng thức ăn cá suối, tôm khô, các thực phẩm dự trữ”, trung úy Bường tâm sự.

“Trang trại dúi” giữa biên cương

Đại úy Lê Thể Lực là chốt trưởng của 2 chốt biên phòng vùng giáp ranh, đóng tại xã Hồng Thủy (H.A Lưới) và xã A Bung (H.Đakrông, Quảng Trị). Mặc dù địa giới hành chính tại đây đã bàn giao, nhưng nhiệm vụ biên phòng vẫn chưa, nên Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân hiện vẫn tạm thời đảm trách bảo vệ biên giới tại khu vực xã A Bung.
Chốt tạm trên đất chưa bàn giao nên cũng không được trang cấp kiên cố. Các cán bộ chiến sĩ ở chốt trên địa bàn xã A Bung vẫn sống tạm trong gian nhà bạt. Để chống nóng, các anh phải làm một giàn tre bên trên, mới nhìn giống như một giàn bầu của người dân. “Mình phụ trách hai chốt, trong đó chốt bên xã Hồng Thủy ổn định hơn nên bên ấy anh em có trồng rau, nuôi dúi để chi viện cho chốt này”, đại úy Lực cho biết.
Chốt số 2 ở xã Hồng Thủy, cách chốt trên đất xã A Bung không xa, nằm trên mỏm đồi cao. Dù mới thành lập được 2 năm, nhưng các anh cũng đã tạo dựng được phía trước chốt những khóm hoa xinh xắn. Bên gian nhà tôn đơn sơ là giàn bí đao trĩu quả, rau xanh đầy vườn. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn sáng tạo, nuôi thành công “trang trại dúi” để cải thiện dinh dưỡng cho bữa ăn.
Nói “trang trại” là cách nói vui, vì thực chất ở đây chỉ có 5 - 7 chuồng, nuôi chừng 10 cặp dúi. Con dúi giỏi đào hang, chui lủi, nhưng không biết leo trèo, nên chỉ cần lấy thùng sắt hoặc tôn cuộn tròn thành hình trụ nhỏ là có thể thả nuôi được.
Gương sáng biên cương: Đời lính ở chốt biên cương2

Giàn bí đao trĩu quả tại chốt biên phòng xã Hồng Thủy, nơi các cán bộ, chiến sĩ tự hào về việc nuôi thành công “trang trại dúi” để cải thiện bữa ăn

“Trước đó, người dân cho một cặp dúi, chúng tôi đã lấy tôn cuộn lại làm chuồng để nuôi. Không ngờ dúi cũng dễ nuôi, cho ăn rau cỏ bình thường vẫn sống và phát triển mạnh khỏe, sinh sản tốt, và bây giờ “trang trại dúi” đã có hơn 20 con. Người dân thấy bộ đội nuôi dúi thành công, họ ngạc nhiên lắm. Vì dúi lâu nay chỉ sống trong tự nhiên, đào hang, ăn rễ cây nên không ai nghĩ sẽ nuôi được”, đại úy Lực kể.

Thoát chết trong gang tấc

Chốt số 2 bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 của Đồn biên phòng Nhâm (H.A Lưới) hiện nay đã được Bộ Quốc phòng trang cấp cho gian nhà lắp ghép khá vững chắc. Nhưng trước đó, các cán bộ, chiến sĩ đã may mắn thoát chết khi chốt bị sạt lở núi vùi lấp toàn bộ.
Trung tá Nguyễn Thành Lập, chốt trưởng, kể: “Sau khi xảy ra sự cố sạt lở ở Rào Trăng và ở Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị, mùa mưa lũ năm 2020, Bộ Quốc phòng đã có cảnh báo trong toàn quân về tình hình thiên tai sạt lở nguy hiểm, cần có phương án bảo vệ cán bộ, chiến sĩ. Nhận thấy chốt nằm ở vị trí chân núi có nguy cơ sạt lở cao, nên chúng tôi đã chủ động rút ra khu vực an toàn để tránh trú. Sau một đêm mưa lớn kéo dài, khi anh em trở vào lại chốt kiểm tra thì toàn bộ chốt đã bị vùi lấp. Anh em chúng tôi còn sống đây quả là một may mắn”.
“Sau khi chốt bị vùi lấp, đơn vị đã đề xuất lên Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, và được chấp thuận di chuyển địa điểm, được trang cấp cho căn nhà sắt lắp ghép vững chắc này. Bây giờ đời sống của anh em khá yên tâm để làm nhiệm vụ”, trung tá Lập cho biết.
Cũng theo trung tá Lập, chốt có cả bộ đội biên phòng và cán bộ sĩ quan của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng cường. Do địa bàn hiểm trở, dễ bị cô lập, chia cắt khi mưa lũ, nên ở chốt luôn luôn có lương thực dự trữ đủ dùng 2 tháng. Dù vậy, để cải thiện thêm bữa ăn, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây cũng đã tạo lập vườn rau, chuồng gà, vịt để chăn nuôi. “Bộ đội là vậy, đi bất cứ đâu cũng đều tăng gia, sản xuất để cải thiện cuộc sống. Nền nếp ấy đã trở thành nét đặc trưng của phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, từ trước đến nay”, trung tá Lập tự hào.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nơi các chốt biên giới xa xôi, giữa rừng sâu nước độc, nhiệm vụ canh giữ biên cương, ngăn chặn nguồn dịch bệnh xâm nhập, thời điểm này càng thêm nặng nề, gian khó. Vậy nhưng, trước bất cứ khó khăn, gian khổ nào, người chiến sĩ bộ đội vẫn giữ phẩm chất siêng năng, cần cù, sáng tạo, để mỗi chốt biên cương đều có rau xanh, gà, vịt, và hoa vẫn nở giữa núi rừng hoang sơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.