Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 5: ‘Chiến đấu’ giữa đời thường

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
01/08/2014 10:00 GMT+7

(TNO) Những người lính đã từng sống, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1979 - 1989 đều biết đến cái tên “Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên” và phiên hiệu của 1 đơn vị gắn bó với mảnh đất ấy: Sư đoàn 356, Quân khu 2.

 

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 5: ‘Chiến đấu’ giữa đời thường 1
Cựu chiến binh Sư đoàn 356 thắp hương đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên - Ảnh: Văn Thắng)

Mấy chục năm sau cuộc chiến, những cựu chiến binh 356 vẫn tụ họp nhau trong các ban liên lạc sư đoàn tại một số địa phương và đều đặn gặp gỡ, tưởng nhớ, giúp đỡ đồng đội. Tôi đã gặp họ, ngay tại Hà Nội và chứng kiến cuộc chiến đấu với đời thường không kém phần gian nan.

Ký ức cựu binh

Đại tá Nguyễn Đức Cam, nguyên Phó sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn 356 đã nghỉ hưu (Cống Vị, Ba Đình) luôn được các cựu binh trong sư đoàn gọi là “Bố”. Nhà bố Cam trong ngõ, không mọc xanh rêu như nhiều lãnh đạo nghỉ hưu mà luôn ăm ắp tiếng cười và rôm rả chuyện của những người lính.

Ngồi nói chuyện với tôi, bố Cam trầm ngâm: “Đưa thi hài anh em nằm trên Vị Xuyên về, tôi mới yên tâm!” và nghèn nghẹn: “Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con!”, khiến các cựu binh Sư đoàn 356 chi hội Hà Nội im lặng, mắt ai cũng hoe hoe đỏ.

Có lẽ chỉ đến lúc chết, những người lính Sư đoàn 356 mới thôi day dứt về ký ức tháng 7.1984 trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang với những trận đánh khốc liệt, máu xương viết thành các địa danh “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Lò vôi thế kỷ”… 

Cựu chiến binh Bùi Kim Vượng, nguyên trinh sát C20, Trung đoàn 149, hồi tưởng: “Ngày 12.7.1984 mở màn chiến dịch với trận đánh chiếm lại các điểm cao quân Trung Quốc đóng trái phép ở Vị Xuyên. Ngày 14.7, Sư đoàn 356 được lệnh rút khỏi trận địa. Sau trận đánh, ta không lấy lại được các cao điểm đã mất nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang” và kể: Mấy ngày sau đó, mưa liên tục. Do địa hình hiểm trở, bộ đội phải tháo dây võng đưa những tử sĩ dưới chân cao điểm về, riêng những người nằm gần trận địa quân Trung Quốc thì vĩnh viễn nằm lại.

"Phía Trung Quốc bắn truyền đơn cho quân ta, cho đi lấy xác tử sĩ với yêu cầu đi vào ban ngày, không quá 50 người, chỉ mang cờ chữ thập. Dù thương anh em nằm lại, nhưng không ai dám đi vì sợ rơi vào ổ phục kích của chúng!", ông Vượng kể lại như vậy.

Gần 600 người lính Sư đoàn 356 hy sinh trong ngày 12.7.1984, chỉ một phần trong số họ còn thi hài, được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên hoặc đưa về quê nhà, số đông còn lại vẫn nằm trên các điểm cao mù sương.

Tập tễnh trên... “tum”, nỗi buồn Giếng Mứt

 

Bây giờ, trên điểm cao thuộc xã Thanh Thủy, Hà Giang, những cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã tự đóng góp xây dựng 1 miếu thờ nhỏ tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống trong không chỉ tháng 7.1984 mà còn cả dằng dặc những năm chốt giữ, bảo vệ biên cương. Cứ dịp 12.7 hàng năm, các cựu binh lại tụ họp về Vị Xuyên, gọi đó là ngày “giỗ trận” - Ngày 27.7 của riêng sư đoàn, trên địa đầu đánh trả quân xâm lược, đỏ bầm 2 chữ máu: Vị Xuyên...

Nếu không được dẫn đường, chắc tôi sẽ không tìm được nơi ở của cựu chiến binh Đào Mạnh Cường, trong khu tập thể ngõ 190 - Lò Đúc (phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng). Cái được gọi là căn nhà được anh mua góp lại với sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh phường thực chất là chòi gác ngày xưa dành cho tự vệ trực phòng không, trên sân thượng ngôi nhà tập thể xây từ những năm 1960 với tổng diện tích 11 m2.

Sinh năm 1964, vừa tròn 19 tuổi là chàng trai phố Lò Đúc vào bộ đội chốt giữ chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang. Là lính cối 60 của C11, anh Cường trực tiếp tham gia chiến dịch MB84 đầu tháng 7.1984 và gắn bó với mảnh đất Vị Xuyên đến khi xuất ngũ (5.1986).

Những cựu chiến binh C11 đến bây giờ vẫn thắc mắc: Người mỏng mảnh như lá, lấy sức đâu mà liên tục quăng quật trên trận địa cối, có khi nạp cả trăm quả đạn mỗi ngày, đến điếc đặc tai? Đã vậy, 1 lần về phía sau gùi ắc quy lên trận địa, bị pháo Trung Quốc nã vào đội hình, anh Cường ngã gục, nước axit trong ắc quy chảy tràn ra lưng đau buốt và vết thương không giống ai này, chỉ được xếp hạng... bệnh binh.

Thế nhưng, vết thương bệnh binh vẫn còn lành chán so với nỗi chật vật kiếm sống sau xuất ngũ: ngày tập tễnh làm đủ nghề, tối về rúc trong căn nhà nhỏ hẹp của bố mẹ. Mãi đến 1995, anh Cường mới dám lấy vợ là chị Mai Bích Ngọc (sinh năm 1969), thời điểm ấy cũng vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn Thông tin 26, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Mấy năm ở nhờ bố mẹ, vợ chồng anh Cường tạm được xem là “ổn định” khi chồng yên tâm với nghề xe ôm, vợ học may thuê và bồng bế 2 đứa trẻ sang tập thể ngõ 190 - Lò Đúc, tìm thuê căn chòi trên sân thượng ở riêng và giờ là nhà.

Đồng đội anh Cường, cứ mỗi khi gặp nhau là lại thở dài: “Chồng lính pháo bị thoát vị đĩa đệm, vợ ngành thông tin lại dính bệnh tim. Đến bao giờ hết khổ?” và lẩn mẩn tính: “Thu nhập xe ôm của anh Cường mỗi tháng khoảng 3 triệu, trừ tiền xăng còn 2 triệu. Vợ vừa ôm ngực vừa cậm cạch may thuê, chỉ đủ 1 triệu đồng!”.

Anh Cường nghe vậy cười gượng: “Vẫn còn ông bà, anh chị hai bên giúp đỡ. Mình vẫn còn may mắn hơn bao đồng đội không về!”...

Trong khi đó, tại căn phòng 9 m2 của cựu chiến binh Trần Duy Dương (số nhà 18/2, ngõ Giếng Mứt, Bạch Mai, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) có đến 4 gia đình anh em của 4 thế hệ cùng chia nhau sống. Hỏi kỹ mới biết: xăn nhà 4 phòng của bố mẹ, giờ chia cho 3 anh chị em trong nhà, mỗi phòng 3 - 5 người lúc nhúc.

Cựu chiến binh Trần Duy Dương sinh năm 1964, nhập ngũ tháng 3.1983 và chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, trong đội hình C6, D2, E876 của Sư đoàn 356.

Anh Dương kể lại: Giữa tháng 7.1984, đơn vị được tăng cường lên chốt giữ điểm cao E2 thay cho đơn vị bạn bị quân Trung Quốc gây thương vong nặng. Tổ 3 người chui vào nhận hầm vẫn thấy 1 chiến sĩ của đơn vị cũ ngồi tựa vào vách đất. Cứ tưởng đồng đội đang ngủ, Dương vỗ nhẹ vai: “Bạn ơi, co chân cho tớ nhờ tí!”, thân hình người lính bỗng đổ gục xuống, bấy giờ mới biết là đã hy sinh, chưa kịp đưa thi hài về tuyến sau.

Ròng rã bám chốt, đánh trả các đợt tấn công của quân Trung Quốc xâm lược, mãi đến cuối thời gian chốt giữ, tổ chiến đấu của Trần Duy Dương mới được đưa về phía sau do... bị thương vong.

“Lính Trung Quốc bò lên đông quá, bắn gần hết đạn nhưng chúng vẫn tiếp cận công sự và ném lựu đạn vào giữa hầm. Quả lựu đạn nổ tung giữa 3 anh em và mình ngất lịm!” - Người cựu chiến binh gầy gò hồi tưởng và lắc đầu: “Khi tỉnh dậy đã thấy nằm ở bệnh xá. Anh em ở chốt gần đó kịp sang chi viện và tổ 3 người, chỉ còn 2 đứa mình bị thương!”.

Sau thời gian điều trị tại Viện 6, anh Dương được xác định thương binh hạng 4/4 và chuyển ngành về công tác tại Xí nghiệp May Thương binh 875. Công tác vài năm thì xí nghiệp giải thể, anh Dương nhận chế độ 176 với số tiền cầm trong tay vài trăm nghìn, ngỡ ngàng bước vào đời kiếm sống.

“Hồi đầu tiên mình làm đủ thứ, từ đi may thuê, ngồi bảo vệ cho đến xe ôm!”, anh Dương thành thực rồi bấm ngón tay tính: “Biết mình là thương binh chống Trung Quốc, một doanh nghiệp chuyên buôn bán linh kiện điện tử nhận về giao cho công việc giao hàng trong phố. Tìm mọi ngõ ngách tìm khách giao linh kiện, máy móc rút cục công việc chả khác gì xe ôm!”.

Thương tật, vất vả vậy nhưng anh Dương là lao động chính, duy nhất trong nhà. Vợ anh, chị Nga mấy năm bị bệnh động kinh, cứ thi thoảng lại lên cơn co giật nên dù rất muốn đỡ đần chồng, chị cũng đành ngồi nhà cơm nước... (Còn nữa)
 

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 5: ‘Chiến đấu’ giữa đời thường 2
Bên miếu thờ tưởng nhớ các liệt sĩ Vị Xuyên - Ảnh: Văn Thắng

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 5: ‘Chiến đấu’ giữa đời thường 3
Cựu chiến binh Đào Mạnh Cường, ngoài công việc xe ôm kiếm sống còn làm việc gia đình thay vợ bị bệnh

Biên cương nơi anh ngã xuống - Kỳ 5: ‘Chiến đấu’ giữa đời thường 4
Cựu binh Đào Mạnh Cường (bên phải), Trần Duy Dương (giữa) thăm hỏi vết thương của đồng đội Bùi Kim Vượng (bên trái).

Từ 28.4 đến 16.5.1984, quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509 thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 356 từ Lào Cai hành quân sang Hà Giang, cùng các Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB 84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất. Mặt trận Vị Xuyên từ sau ngày 12.7.1984 liên tục có tiếng súng.

Mai Thanh Hải

>> Có thể ‘thắp nến’ 365 đêm cho liệt sĩ?
>> Miễn phí tư vấn pháp lý điều chỉnh thông tin liệt sĩ
>> Trợ cấp cho mẹ liệt sĩ
>> Kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Thắp nến ở 3.000 nghĩa trang liệt sĩ
>> Thanh niên thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ
>> Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
>> Thi thiết kế Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
>> T.Ư Đoàn tặng quà tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ
>> Các liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc đã có 'nhà mới
>> Ngôi nhà mới' của các liệt sĩ mỏ thiếc Tĩnh Túc
>> Khánh thành công trình nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.