Gỡ khó hộ khẩu cho dân: Quy định cần phù hợp đời sống người dân

25/11/2016 19:08 GMT+7

Bài viết Gỡ khó hộ khẩu cho dân trên Thanh Niên ngày 24.11 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Tháo gỡ càng sớm càng tốt
Hiện TP.HCM có hơn 12 triệu người thường xuyên sinh sống, học tập, làm việc nhưng chỉ có hơn 6 triệu người đăng ký hộ khẩu thường trú, số còn lại đăng ký tạm trú hoặc chưa đăng ký với cơ quan chức năng. Đây là tỷ lệ không nhỏ. Những người chưa có hộ khẩu được xem như công dân hạng hai dù họ vẫn làm việc, cống hiến mỗi ngày cho thành phố. Thiết nghĩ, thành phố phải nghĩ đến tỷ lệ công dân chưa có hộ khẩu này và tìm cách tháo gỡ càng sớm càng tốt.
Nguyễn Ngọc Thạch (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Chưa phù hợp thực tế
Quan niệm dùng chính sách hộ khẩu để hạn chế người dân dồn về khu vực nội thành, khu vực trung tâm là chưa sát với thực tế. Tại TP.HCM, tình trạng người dân có hộ khẩu quận này nhưng sinh sống ở quận khác chiếm tỷ lệ rất cao. Nhiều người có hộ khẩu ở Q.12, H.Hóc Môn nhưng vẫn sinh sống, làm việc tại quận 1, 3, 5. Như vậy, chính sách hộ khẩu không ngăn được người dân đổ về trung tâm, quận nội thành để buôn bán, làm ăn. Theo tôi, khi đã có luật Cư trú thì thi hành theo tinh thần của luật, sinh sống ở đâu thì đăng ký ở đó.
Bùi Thị Phương (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Nên khảo sát kỹ
Tôi ủng hộ phương án thành phố sẽ thành lập tổ nghiên cứu với sự tham gia của nhiều ban ngành nhằm khảo sát nhu cầu thực tế về nhập khẩu của người dân, đời sống của từng khu vực, diện tích nhà ở của từng nơi... Từ đó, thống nhất phương án khả thi nhất cho việc quy định diện tích sàn tối thiểu để được nhập khẩu. Đây là chuyện theo tôi sẽ khá khó khăn, bởi thành phố có nhiều khu vực với đời sống người dân rất khác nhau, có nơi nhiều người sống chen chúc trong căn nhà nhỏ xíu, có nơi nhiều nhà to rộng nhưng số người ở lại rất ít... Vì thế, phải có sự sâu sát, nắm bắt thực tiễn từ dân thì mới đưa ra được phương án tối ưu.
Ngô Văn Tường (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Cần linh hoạt
Về quy định diện tích tối thiểu để được nhập hộ khẩu, theo ý kiến của riêng tôi thì TP.HCM vốn rộng lớn và có nhiều khu vực đặc thù. Nhiều khu vực tuy nhà nhỏ (do lịch sử hay do giải tỏa) nhưng số nhân khẩu lại đông thì cần phải có quy định riêng, nếu theo quy định chung thì có người mãi mãi không được nhập khẩu. Như vậy, tốt nhất là nên linh hoạt trong quy định về diện tích sàn tối thiểu cho từng khu vực trong quận. Quy định phải sát với thực tế, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của tất cả người dân sinh sống lâu dài tại thành phố.
Hồ Mẫn (P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM)
Hộ khẩu chỉ để quản lý
Do chính sách về hộ khẩu quá rườm rà, nhiêu khê nên hiện vẫn tồn tại một bộ phận người dân sống mà không có hộ khẩu. Đây là điều bất lợi cho cơ quan chức năng trong quản lý nhân khẩu. Hơn thế, chính sách hộ khẩu liên quan đến chuyện học hành, khám chữa bệnh cùng các quyền lợi khác nên nhiều người làm đủ mọi cách để có được hộ khẩu ở TP.HCM. Điều này dễ phát sinh tiêu cực trong cán bộ. Một khi hộ khẩu không gắn nhiều với quyền lợi, hộ khẩu đơn giản chỉ để quản lý nhân khẩu thôi, thì khi đó ai cũng sẽ có hộ khẩu, thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Huỳnh Minh Thông (P.6, Q.3, TP.HCM)
       
Tại TP.HCM có nhiều người thu nhập thấp, người lao động nhập cư... Họ phải ở trong những căn nhà tạm, diện tích nhỏ. Bên cạnh đó cũng có nhiều người sở hữu diện tích nhà ở lớn. Do vậy, việc đánh đồng tất cả và quy định diện tích sàn tối thiểu để được nhập khẩu là máy móc và chưa thực sự gỡ khó cho dân. Hộ khẩu chỉ để quản lý con người. Vì vậy, theo tôi, ai ở đâu lâu dài và cần đăng ký hộ khẩu thì cho đăng ký. Không nên đặt ra quá nhiều điều kiện.
Nguyễn Thanh Phước (H.Hóc Môn, TP.HCM)
Ngoài gỡ khó cho dân trong vấn đề quy định diện tích sàn tối thiểu thì các điều kiện khác để được nhập khẩu như phải có sổ tạm trú 2 năm trở lên... cũng cần vận dụng linh hoạt. Có nhiều người tạm trú được 2 năm, có đăng ký sổ tạm trú nhưng hết hạn chưa hoặc quên đi đăng ký tiếp thì buộc phải đăng ký lại từ đầu là thiếu thực tế, gây khó khăn cho người dân.
Võ Thị Phương Mai (Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.