Gờ giảm tốc trên đường, trong hẻm ở TP.HCM: Ai được quyền lắp hay tự tiện lắp?

16/08/2019 09:33 GMT+7

Khi chạy xe trên đường, chúng ta thường gặp nhiều gờ giảm tốc ở một số tuyến đường . Thậm chí, trong hẻm nhiều người dân cũng tự ý lắp gờ giảm tốc. Vậy gờ và gồ giảm tốc khác nhau thế nào, ai được quyền lắp?

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng giao thông đường bộ, thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết các vạch giảm tốc độ dùng để báo cho người điều khiển phương tiện biết đoạn đường cần phải giảm tốc độ đồng thời bản thân vạch cũng được cấu tạo để góp phần làm giảm tốc độ xe chạy.
Vạch giảm tốc độ được bố trí ở trước và trong các đoạn đường xe cần phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn, như lối vào trạm thu phí; trên nhánh dẫn tới các nút giao thông cùng mức, trước các đoạn đường cong nằm bán kính nhỏ cần giới hạn tốc độ xe chạy và ở những nơi cần phải giảm tốc độ.
Vạch giảm tốc độ có màu vàng, có thể bố trí dạng cụm (nhiều vạch đơn) ở phía trước và trong đoạn đường cần giảm tốc độ hoặc là dạng vạch đơn bố trí trên toàn bộ chiều dài đoạn đường cần giảm tốc độ.

Gờ giảm tốc là gì?

Gờ giảm tốc là một dạng vạch sơn kẻ đường, có chiều dày không quá 6mm, có tác dụng cảnh báo (thông qua việc gây ra tác động nhẹ lên phương tiện) cho người tham gia giao thông biết trước vị trí nguy hiểm, cần phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để bảo đảm an toàn giao thông.
Gờ giảm tốc được bố trí trên mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng hoặc mặt đường láng nhựa, thấm nhập nhựa còn tốt, bề rộng mặt đường từ 2,5m trở lên và có xe ô tô lưu thông qua điểm giao cắt; trường hợp bề rộng mặt đường nhỏ hơn 2,5m, tùy theo mức độ cần thiết có thể vận dụng cho phù hợp.
Gờ giảm tốc thường được sử dụng kết hợp với các loại cảnh báo khác như biển báo, đèn tín hiệu, chuông, còi, cần chắn tự động... để thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông.

Sơ đồ bố trí cụm vạch sơn giảm tốc độ

Gờ giảm tốc bố trí theo từng cụm. Khoảng cách giữa hai mép vạch sơn giảm tốc là 400mm, bề rộng của vạch sơn giảm tốc là 200mm, chiều dày vạch sơn từ 4-6mm.
Thông thường, mỗi phía bố trí 3 cụm vạch; trường hợp đường bộ chạy song song, liền sát đường sắt mà có đoạn đường bộ chuyển tiếp ngắn, thì có thể bố trí số vạch, số cụm vạch và cự ly cụm vạch nhỏ hơn.
Gờ giảm tốc vuông góc với tim đường, được bố trí trên toàn bộ bề rộng mặt đường; riêng đối với đường có dải phân cách giữa (không là vạch sơn), bố trí hết bề rộng mặt đường của chiều xe chạy vào vị trí giao cắt.
Vạch sơn gờ giảm tốc được bố trí theo từng cụm vạch để tạo hiệu ứng cao trong cảnh báo, trừ một số trường hợp có thể bố trí rải đều trên đoạn đường cần cảnh báo.
Gờ giảm tốc được bố trí hết chiều rộng một chiều xe chạy (đối với đường đôi) hoặc trên toàn bộ chiều rộng mặt đường (đối với đường không phải là đường đôi).
Vật liệu dùng làm gờ giảm tốc sử dụng sơn dẻo nhiệt phản quang, màu vàng, tuân thủ quy định tại TCVN 8791: 2011 Sơn tín hiệu giao thông - Vật liệu đường phản quang nhiệt dẻo - Yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, thi công và nghiệm thu.

Gồ giảm tốc là gì?

Gồ giảm tốc là một cấu tạo dạng hình cong, nổi trên mặt đường, có tác dụng cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ trước khi đi qua vị trí nguy hiểm.
Gồ giảm tốc được bố trí trên mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng hoặc mặt đường láng nhựa, thấm nhập nhựa còn tốt, chiều rộng mặt đường từ 2,5m trở lên và có lưu lượng ô tô là chủ yếu (lượng xe máy, thô sơ không đáng kể).
Gồ giảm tốc nên bố trí ở vị trí giao cắt có điện chiếu sáng, bảo đảm dễ dàng nhìn thấy gồ (kể cả ban đêm). Khi có gồ giảm tốc, phải bố trí biển W221b (đường có gồ giảm tốc).
Gồ giảm tốc dạng sống trâu được làm bằng bê tông nhựa, bê tông xi măng và sơn phủ bằng sơn dẻo nhiệt phản quang màu vàng; chiều cao lớn nhất dao động từ 6-9cm, chiều dài theo phương dọc đường tùy loại gồ mà dài 100, 200 hoặc 400cm.
Theo phương dọc đường: Gồ giảm tốc có mặt cắt dạng cong lồi và được xác định theo sơ đồ sau:
Theo phương ngang đường: Gồ giảm tốc vuông góc với tim đường, được bố trí trên bề rộng mặt đường làn xe cơ giới; đối với đường có dải phân cách giữa (không là vạch sơn), bố trí trên bề rộng mặt đường làn xe cơ giới của chiều xe chạy vào vị trí giao cắt. Đối với đường không có riêng làn xe thô, không bố trí gồ giảm tốc trên toàn bộ bề rộng mặt đường, mà để trống 50cm giáp lề đường. Mép của gồ theo phương ngang đường được vát với tỷ lệ 1:2.
Gồ giảm tốc dạng băng được làm bằng nhựa, cao su và được bố trí trên mặt đường bê tông xi măng, bê tông nhựa; chiều cao lớn nhất 4-8cm, chiều rộng 20-50cm.
Chiều cao gồ giảm tốc trên đoạn đường chiều lên dốc nhỏ hơn chiều xuống dốc.
Khi bố trí gồ giảm tốc để cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ, phải bố trí gờ giảm tốc, báo hiệu đồng bộ.
Kích thước gồ giảm tốc (chiều cao, chiều rộng) được xác định tùy theo thành phần dòng xe, loại xe tải lớn nhất và tiến hành xây dựng thí điểm; đồng thời theo dõi, đánh giá để kịp thời điều chỉnh đảm bảo an toàn. Vị trí gồ giảm tốc cách mép ray ngoài cùng một khoảng cách tối thiểu bằng chiều dài phương tiện lớn nhất được phép lưu thông (thông thường là 25m).

Ai được quyền lắp gờ, gồ giảm tốc?

Hiện nay, khi nhận được lắp đề xuất ở tuyến đường do quận - huyện hoặc Sở GTVT quản lý thì đơn vị quản lý chủ động mời các bên liên quan, Ban An toàn giao thông TP, Công an TP xem điểm đó có phải là điểm đen tai nạn không, có nhiều người chạy nhanh gây nguy hiểm không… Các bên thống nhất thấy thật cần thiết thì khu vực đó mới bắt đầu lắp gờ theo tiêu chuẩn.
Việc lắp đặt được sự hỗ trợ của Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ về mặt kỹ thuật để đảm bảo an toàn.
Nếu tự ý lắp đặt gồ giảm tốc, gờ giảm tốc, thậm chí xây gờ bằng xi măng sẽ bị xem là trái phép, sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật và phải bị cưỡng chế tháo dỡ. Việc xử lý sẽ do đơn vị quản lý hạ tầng theo phân cấp thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.