Giật mình vì hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi, gấp 3

Chí Hiếu
Chí Hiếu
20/06/2020 20:12 GMT+7

Nhận hoá đơn tiền điện tháng vừa qua, nhiều gia đình không khỏi giật mình vì số tiền tăng gần gấp 3 lần so với tháng trước, hoặc cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 200.000 hộ có mức dùng điện tăng 300%

Anh Nguyễn Công (H.Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, anh không khỏi giật mình khi nhận tin nhắn báo hoá đơn tiền điện vào ngày 16.6 vừa qua từ Điện lực Gia Lâm.
“Từ 15.5 - 14.6, số kWh nhà tôi dùng lên tới 490, trong khi tháng trước chỉ hơn 230 kWh và tháng này năm ngoái cũng chỉ trên 250 kWh”, anh Công so sánh, và nói thêm: “Nếu tính ra tiền thì tháng này tôi phải trả 1,22 triệu (đã được giảm hơn 68.000 tiền hỗ trợ Covid-19), gấp 3 lần hoá đơn tháng trước cũng như các tháng mùa nóng năm 2019”.
Nhiều người bạn của anh Công khi nhìn thấy thông báo hoá đơn đã khuyên anh kiến nghị để Điện lực Gia Lâm xuống kiểm tra, vì con số tăng này có phần bất thường.
Tương tự, anh Lê Đình Tới (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho hay, trong kỳ ghi hoá đơn từ 14.5 - 13.6, hộ gia đình 4 người nhà anh cũng dùng tăng tới hơn 280 số điện so với tháng trước, với mức tiêu thụ gần 770 kWh.
“Dù chỉ tăng 280 số nhưng số tiền điện phải trả của nhà tôi tăng tới hơn 900.000 đồng so với tháng trước, đây là số tiền cao nhất từ trước đến nay mà nhà tôi phải trả từ khi chuyển về quận Thanh Xuân 5 năm trước”, anh Tới cho hay. Tuy nhiên, anh cũng cho biết thêm, trong khu chung cư này, nhiều hộ gia đình còn có mức tăng cao hơn cả nhà anh, nên người dân rất thắc mắc và hoài nghi.

Một hộ nghèo tá hỏa vì nhận hóa đơn 90 triệu tiền điện một tháng: Ai chịu trách nhiệm?

Những phản ánh kể trên về số điện sử dụng bỗng tăng cao bất thường không phải chuyện cá biệt, mà là tình trạng chung của nhiều khách hàng khi được hỏi tới về hoá đơn tiền điện tháng qua.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt (trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4.2020 (tương đương khoảng 11,92%).
Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Do nắng nóng lịch sử?

Theo EVN, nguyên do chính là bởi tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nhất là đợt nóng ở miền Bắc và miền Trung vừa qua được ghi nhận là đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua.
“Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát, đặc biệt là điều hòa là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng”, đại diện EVN lý giải.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), trong tháng vừa qua, số khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng thêm từ 300% trở lên lên tới 95.793 hộ. Số khách hàng có mức tăng thêm từ 200% đến dưới 300% là xấp xỉ 56.000 hộ.
Tương tự, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho hay, có 24.663 hộ có mức tăng từ 300% trở lên. Còn số hộ có sản lượng tăng từ 100% dưới 200% là 44.133 hộ.
Để giải thích rõ hơn việc vì sao số tiền phải trả của người dân tăng cao, đại diện EVN nêu ví dụ: một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Nếu sang tháng 5, gia đình này tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.
Theo EVN, nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là hơn 1,16 triệu đồng, tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là hơn 1,64 triệu đồng, tức tăng 138,87% so với tháng 4.
Đại diện EVNNPC cho biết thêm, nguyên nhân khác nữa khiến hóa đơn tiền điện cao là cách tính biểu giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay, khiến khách hàng dùng điện càng nhiều, tiền điện phải trả càng cao. Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng/1 kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT. Do đó, lượng điện sử dụng càng nhiều càng rơi vào bậc thang giá cao.
Giải thích thêm về nguy cơ sai sót do công tơ, EVN cho hay, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Còn với công tơ cơ được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong ghi chỉ số và lập hóa đơn.
“Khách hàng có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của điện lực”, đại diện EVN nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.