Giang hồ Sài Gòn một thời: Cu Đen 'nổi danh' khu Rạch Ông, giờ làm người bán hoa

Phạm Hữu
Phạm Hữu
10/07/2019 11:39 GMT+7

Vào tù với các tội danh bảo kê, gây rối trật tự, buôn bán ma tuý, người đàn ông đầy vết sẹo, lầm lì ngày nào giờ đã hoàn lương trở thành ông chủ sạp hoa nhỏ bên ngoài chợ Rạch Ông (Q.8, TP.HCM).

'5 tiền án, 1 tiền sự'

Trong những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến khu chợ Rạch Ông nằm trên đường Nguyễn Thị Tần tìm gặp ông Mai Thanh Long (biệt danh Cu Đen, 44 tuổi, ngụ P.2, Q.8) để nghe những câu chuyện thăng trầm và quyết tâm hoàn lương sau một thời lầm lỗi.

Ngồi bên xe bán hoa ngoài chợ Rạch Ông, ông Long phân trần, giờ làm ăn khó khăn hơn, từ một cửa tiệm hoa nhưng do chi phí mặt bằng quá cao ông phải bỏ hoa vào xe đẩy ngồi bán ngay góc hẻm đối diện chợ. Tuy cuộc sống khá vất vả, những đồng tiền kiếm được chủ yếu trông cậy vào xe hoa nhưng ông Long một mực khẳng định mình sẽ không bao giờ quay lại con đường cũ.
Ông kể mình đã sống 44 năm nhưng hai mươi mấy năm trước, thời gian ông ở tù còn nhiều hơn ở nhà. Những lần cướp của, trộm, bảo kê, đánh nhau và buôn bán ma tuý... ông không thể nào đếm xuể.
Ông là người gốc Bến Tre, sinh ra và lớn lên ở Q.8. Do nhà nghèo, đông anh em nên việc học hành của ông liên tục bị dang dở. Khoảng năm 12 tuổi, ông bắt đầu giao du với bạn bè xấu. Những trận đánh nhau, đâm chém như cơm bữa ở xóm hầu như không lần nào thiếu mặt ông.

Sau khi ở tù trở về, ông Long chọn công việc bán hoa ở chợ làm kế mưu sinh

Phạm Hữu

Lớn hơn chút, ông tập tành lập băng đi bảo kê các quán cà phê trên đường Dương Bá Trạc. 16 tuổi, ông đã “nhập môn” đi cải tạo vì tội đánh nhau do mâu thuẫn.
“Tôi đi chơi là không về nhà luôn mà ăn ngủ gì ngoài đường không hà. Đi khi nào về nhà thấy mặt là còn. Khi nào công an lại nhà gửi giấy là biết tôi ở tù. Hồi đó bọn tôi thường tranh giành địa bàn giáp ranh quận 7 với quận 8 để coi quán, nhiều lần tụi tôi 'làm thịt' nhau lắm. Thời đó nói đến tên Cu Đen hẻm 100 là không ai không biết tôi. Tôi ra đường hình như ai cũng sợ, nhìn tôi thôi mà không ai dám nhìn. Nhiều băng ở xóm gần gần tôi lùa tụi nó chạy không kịp”, ông kể.
Lần đi tù đầu về, được hai tháng ông lại “ngựa quen đường cũ” tiếp tục đi đâm chém và phải vào tù lần 2 với thời hạn 3,5 năm. Không dừng lại, Cu Đen lần lượt nhận các bản án liên tiếp từ 4 năm, sau đó 7 năm rồi tới 6,5 năm vì tội cướp giật, trộm và buôn bán ma túy. Những trại tù lớn nhỏ ở miền Nam như Q.8, Hàm Tân, Bến Tre, Long An… ông đều nếm trải.
Ông nói tiếp: “Tôi bây giờ là tiền án 5 lần, tiền sự 1 lần, tôi thì đi tù đâu phải như người ta. Đi liên tục hà, nhưng tôi đi nhiều tội nhẹ hơn người ta, chứ không thôi đi chắc tới chết chưa hết tội”.

Tôi sợ ở tù lắm rồi

“Lần đầu tôi vô tù chưa suy nghĩ gì đâu. Do bản án 6 tháng tù quá ít, tôi không sợ gì nữa. Về là tôi đi tiếp tới án hơn 3 năm là tôi thấy 'nhóm giò' rồi, bắt đầu sợ rồi. Về nhà cũng được khuyên nhủ, nói tới nói lui. Nhưng càng nói lỗ tai bên này thì nó ra lỗ tai bên kia. Thế là tôi đi tiếp rồi vô tù nữa. Lúc không đi tù thì đêm xuống tôi ngủ ở đường Nguyễn Văn Linh mà cứ giật mình hoài, cứ nghĩ không biết khi nào mình sẽ đi tù tiếp. Bán ma túy mà, tôi biết tương lai sẽ thế nào mà”, ông Long nói.
Ông thừa nhận, khi vô tù ông nhận được nhiều lời khuyên của người đi trước giúp ông tỉnh ngộ. Ông bắt đầu nhận thức rồi từ từ chuyên tâm cải tạo với mong muốn được giảm án để làm lại cuộc đời.

Mặc dù thu nhập từ nghề bán hoa lẻ không cao nhưng đối với ông còn hơn làm chuyện phi pháp

Phạm Hữu

Những năm tháng tù tội đó đã trói buộc con người ông trong không gian thể xác lẫn tinh thần. Ông hoang mang nhìn lại vì mình còn may mắn chưa bỏ mạng bởi những trận chém nhau sinh tử.

Lần cuối ngồi tù vì tội buôn bán ma tuý, ông Long cảm thấy vô cùng hối hận. Ông nhìn cảnh mẹ già cứ mỗi tháng trong hàng chục năm trời lê lếch hàng trăm cây số vô tù thăm nuôi ông khiến ông cảm thấy ray rứt và càng thương mẹ nhiều hơn. 
Năm ông ra tù, nhiều băng nhóm ở các vũ trường, quán bar hay tin săn đón. Các nhóm giang hồ lần lượt mời gọi chờ ngày ông trở lại “hành nghề” nhưng ông một mực khước từ. Ông không hứa với gia đình về sự quyết tâm hoàn lương bằng lời nói. 
Ông bắt đầu làm thợ hồ để tự nuôi sống bản thân. Thời gian sau này, ông mượn tiền anh em trong nhà mua hoa, mở sạp để bán ở ngoài chợ Rạch Ông cho đến tận hôm nay.
“Nói chung tôi cũng nhờ gia đình anh em làm điểm tựa. Người cho mượn tiền, mua xe để tôi đi làm. Mới bước chân vào nhà là có người cho tiền tôi liền, người này người kia lo cho tôi hết. Như vậy ai lại trở lại con đường cũ, ai mà bước lại vũng bùn khi xưa nữa. Nhiệm vụ của tôi là thay đổi tốt thôi”, đó là lời nói phát ra từ người quyết tâm hối cải.
Ở khu chợ Rạch Ông, mỗi ngày ông Long cùng vợ thay phiên nhau ra chợ bán hoa. Mỗi bó hoa có giá chỉ vài chục ngàn nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình nhỏ của ông qua ngày. Đặc biệt hơn, cuộc sống của ông luôn cảm thấy thoải mái như cách ông thường nói: “Muốn ăn gì, chơi gì thì mình làm điều mình thích, không còn phải lo lắng sợ hãi như lúc trước”.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Công an P.2 (Q.8) cho biết, sau khi ra tù, ông Long có nhiều chuyển biến tốt. Ông lo chí thú làm ăn. Ngoài ra, ông cũng tham gia tốt phong trào gìn giữ an ninh trật tự cùng với chính quyền địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.