Giảm ùn tắc giao thông: Khống chế phương tiện cho từng khu vực

30/11/2016 13:56 GMT+7

Các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội đang được bàn thảo, nhưng cũng có ý kiến lo ngại hạn chế xe cá nhân có thể vi phạm quyền cá nhân.

Tại hội thảo đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông do Sở GTVT Hà Nội tổ chức sáng nay 30.11, các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất ý kiến chung về việc phải xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, như giải pháp tiên quyết để giảm ùn tắc cho Hà Nội.
Ở Việt Nam đi 200 m cũng leo lên xe máy’
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, tâm lý 200 m cũng leo lên xe máy khiến bản thân ông khi đi xe đạp đến các cơ quan nhà nước đều bị nhìn bằng ánh mắt kỳ lạ.
Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm phát triển giao thông đô thị, Viện Chiến lược và phát triển GTVT nhìn nhận, với mức tăng 3,9%/năm về chiều dài và 0,25% về diện tích mặt đường, trong khi tốc độ tăng trưởng của xe máy gấp 2 lần, ô tô con gấp 4,3 lần đang tạo áp lực lớn cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, dẫn đến ùn tắc thường xuyên vào mọi khung giờ.
Với kịch bản thứ nhất: để phương tiện phát triển tự nhiên không kiểm soát, thì năm 2020 Hà Nội sẽ có xấp xỉ 940.000 ô tô, và 6,2 triệu xe máy. Hệ thống đường bộ đô thị khu vực nội đô sẽ quá tải, các phương tiện không thể di chuyển được.
Kịch bản thứ hai là kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên cơ sở đẩy mạnh thị phần vận tải công cộng để thay thế. Trong đó, vận tải công cộng vào năm 2020 chiếm 22%, năm 2025 là 32%, trong đó xe buýt vẫn đảm nhận vai trò chính. Ông Chung cho rằng đây là kịch bản khả thi để quản lý sự gia tăng phương tiện cá nhân trước khi quá muộn.
Để làm được điều này, chuyên gia này cũng đề nghị quy định cụ thể về mức tăng lượng phương tiện cho từng khu vực, đặc biệt là nội đô; giảm dần tiến tới dừng cấp phép sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe, thu phí ô tô cá nhân vào giờ cao điểm (lấy vành đai 2 là vành đai nghiên cứu để tổ chức thu phí khung trung tâm 4 quận nội thành)…
Trong khi đó, ông Takagi Michimasa, chuyên gia tư vấn cao cấp Nhật Bản, nguyên tư vấn trưởng dự án “Cải thiện giao thông công cộng Hà Nội” nêu vấn đề: Để hạn chế phương tiện cá nhân thì phát triển mạng lưới giao thông công cộng là điều không thể thiếu, nhưng đường sắt đô thị bao giờ phát triển xong, các chính sách ưu tiên xe buýt liệu được thực hiện đến đâu…? Chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng, việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân mang tính cưỡng chế là điều không hề dễ dàng, khi có thể vi phạm nhiều quyền cá nhân. Hoặc kể cả không vi phạm liệu chính quyền có đủ quyết đoán thực hiện chính sách dù có sự phản đối của người dân. Ông Takagi Michimasa cho rằng, các nhà quản lý trước tiên cần thảo luận và có nhận thức cụ thể hơn về các vấn đề giao thông đô thị và cân nhắc kỹ khi đưa ra chính sách hạn chế, đặc biệt liên quan đến quyền tự do hành động của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.