Giám sát tình hình thực hiện BHXH tại Quảng Nam và Đà Nẵng

27/11/2019 16:06 GMT+7

Trong tháng 12.2019, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH và BHXH Việt Nam sẽ triển khai giám sát tình hình thực hiện pháp luật về BHXH của các doanh nghiệp trên địa bàn TP và tỉnh Quảng Nam.

Mục đích của đợt giám sát lần này là nhằm nắm bắt việc thực hiện các quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Qua đó, kịp thời phát hiện những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành pháp luật về BHXH; kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ, giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tham gia BHXH.
Đoàn giám sát sẽ làm việc về các nội dung như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện chính sách BHXH tại địa phương; công tác quản lý nhà nước và phối hợp, chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra giám sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH; việc triển khai thực hiện pháp luật về BHXH tại địa phương, doanh nghiệp; công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trên địa bản trong việc thực hiện pháp luật BHXH. Thời kỳ giám sát thực hiện trong 2 năm, từ ngày 1.1.2018 đến thời điểm giám sát.
Từ năm 2014, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH và BHXH Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm, đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại 15 - 20 DN thuộc 4 - 6 tỉnh, thành phố.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết hiện còn khá nhiều DN chưa tuân thủ quy định của pháp luật về BHXH. Tình trạng các DN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là nợ đọng, chậm đóng BHXH.
Đơn cử, năm 2017 tại 5 địa phương được đoàn liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên tới trên 332 tỉ đồng; có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỉ đồng.
Tại 14 doanh nghiệp được giám sát, có trên 1.200 người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật...
Đáng chú ý, thực hiện điều 14, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong 3 năm công đoàn đã chuyển hơn 3.000 hồ sơ nợ BHXH của doanh nghiệp sang tòa án để thụ lý theo quy định của Luật BHXH 2014. Tuy nhiên, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể. Phần còn lại chưa thực hiện bởi những vướng mắc về mặt pháp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.