Văn hóa xếp hàng: Không là chuyện nhỏ

03/02/2010 09:45 GMT+7

(TNTT>) Xếp hàng - chuyện tưởng như nhỏ lại không nhỏ chút nào, nhất là khi nó ảnh hưởng đến trật tự, ý thức và văn hóa của con người trong xã hội.

Tôi lớn lên ở miền Bắc những năm sau kháng chiến chống Pháp và những năm kháng chiến chống Mỹ, chuyện xếp hàng với tôi đã thành “chuyện hàng ngày ở Thủ đô". Không chỉ người Hà Nội những năm tháng ấy biết xếp hàng, người miền Bắc đều quen với chuyện này. Thôi thì tất tần tật những nhu yếu phẩm, từ gạo, thịt, đường, sữa… mua ở mậu dịch quốc doanh tới những món như vé tàu, xe cũng phải xếp hàng rồng rắn, nhiều khi mất vài ba tiếng đồng hồ là thường (mà xếp hàng từ 1 hay 2 giờ sáng cơ). Đến một món không thuộc danh mục “nhu yếu phẩm” là… bia hơi, cũng phải xếp hàng một cách kiên nhẫn mới tới lượt mình mua được vài vại bia (hồi đó giá đồng hạng là 3 hào/vại 0,5 lít).

Thư từ, bài vở xin gửi về: vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

 Ngày đó, đã hình thành, không ai gọi là “văn hóa xếp hàng” mà một cái gì kiểu như “kỹ năng xếp hàng”. Nhiều người chuyên đi xếp hàng đã học được những “kỹ năng” rất lạ như xếp hàng… cục gạch, rồi xếp hàng… bị cói hay một loại túi rẻ tiền nào đó dùng đựng hàng. Ấy gọi là “của xếp hàng thay người”, dĩ nhiên đây là những “của” rất ít giá trị, vì người xếp hàng có thể đặt “đại diện” cho mình ở hàng này rồi chạy sang đặt tiếp “đại diện” hàng khác. Mỗi ngày phải xếp hàng mua được mấy thứ mới bõ công. Hồi ấy chưa có “văn hóa túi ny-lông” như bây giờ, nên rổ rá bị cói, thậm chí cục gạch hay hòn đá… đều có thể là “đại diện” hay “người phát ngôn thầm lặng” cho chủ nhân xếp hàng.

Tôi vẫn còn nhớ ngày ấy, thầy má tôi mỗi khi đi xếp hàng mua nhu yếu phẩm đều đi từ lúc gà mới gáy sang canh, và mãi tới trưa tròn bóng mới trở về nhà, trên tay lủng củng đủ thứ vừa mua được. Vâng, những thứ bây giờ chỉ “ới” một tiếng là có người mang đến tận nhà. Chính những ngày khổ sở ấy đã hình thành tại ít nhất là nửa nước ta thói quen xếp hàng, nên sau này khi không còn cảnh phải xếp hàng mua nhu yếu phẩm hay những thứ khác nữa, người ta đâm… quên, và coi chuyện xếp hàng là một “đặc sản” thời bao cấp, sẽ không  còn trở lại trong thời kinh tế thị trường.

 Nhưng, bây giờ vẫn có chỗ có nơi cần xếp hàng chứ! Khi “cung” không kịp với “cầu” thì tất phải xếp hàng chờ tới lượt. Nhiều người do “không quen” với thói quen văn minh này đã “chen ngang” hay làm nhiều hành động không đẹp giữa đám đông. Tôi đã có dịp đi một số nước, cả Liên Xô (cũ) và châu u, ở những nơi tôi đến, dù là Moscow hay Paris, Brussels, Rotterdam hay Barcelona… ở đâu cũng có hiện tượng xếp hàng. Và ở đâu, tôi cũng thấy những dòng người bình thản xếp hàng chờ tới lượt mình. Không có chuyện chen lấn, xô đẩy hay “cử đại diện” là bao bì túi xách “thay mặt” mình xếp hàng. Có thể có người nói: Liên Xô thời bao cấp cũng như Việt Nam mình thôi, có gì khác đâu. Có thể như thế, nhưng Paris hay Barcelona đâu có sống “thời bao cấp”, sao họ vẫn xếp hàng nghiêm chỉnh thế?

Tôi chợt nhớ một câu thơ của nhà thơ vĩ đại người Paris, Louis Aragon: “Tôi chỉ xuống tàu khi tới lượt tôi”. Dĩ nhiên câu thơ không nói về chuyện “xếp hàng” bình thường, mà nói về danh dự, lòng tự trọng của một con người trong thời phát xít Đức tấn công và chiếm đóng nước Pháp. Thời ấy, những người Pháp không muốn sống dưới ách phát xít đều di tản, xuống tàu thủy tìm đường sang Anh hay đi Algeria gia nhập các tổ chức kháng chiến. Câu thơ Aragon muốn nói: tôi chỉ di tản, chỉ “xuống tàu” khi tới lượt mình, tôi không chen lấn xô đẩy để tìm đường sống, dù chuyện sống chết là chuyện lớn. Tới chuyện sống chết mà người Pháp còn biết tôn trọng sự “xếp hàng”, nói chi những chuyện nhỏ như xếp hàng mua vé hay mua những mặt hàng hiếm mà mình có nhu cầu. Vì thế, tôi thấy người châu u coi chuyện xếp hàng khi cần là chuyện hiển nhiên. Chen lấn hay hỗn loạn mới là chuyện lạ.

 Cái ta gọi là “văn hóa xếp hàng” hình thành một cách tự nhiên từ những con người, những cộng đồng có ý thức về sự trật tự là như vậy. Có thể, đã có thời kỳ ta bị buộc phải xếp hàng, vì không thể chen lấn để mua hàng nhu yếu phẩm, nhưng để tự giác hình thành một “thói quen xếp hàng” mà bây giờ ta nâng lên thành “văn hóa xếp hàng” thì không phải tự nhiên mà có được. Cái gì cũng phải bắt đầu từ ý thức, thành thói quen, và tiến tới là thành một nếp sống văn hóa. Xếp hàng cũng vậy.    

Cần nâng cao ý thức xếp hàng

* Người Việt Nam nên hình thành và duy trì thói quen xếp hàng nơi công

cộng vì đây là một nét cư xử thể hiện sự bình đẳng, công bằng trong hành vi ứng xử xã hội. Để cải thiện tình trạng chen lấn, bát nháo nơi công cộng, tôi nghĩ việc các cơ quan, ngân hàng, sở điện lực, phòng khám bệnh áp dụng hình thức bấm số tự động rất hay. Ai đến trước sẽ được phục vụ trước. Giáo dục nếp văn hóa xếp hàng ngay trong nhà trường cũng là một cách thức lâu dài để rèn luyện thói quen xếp hàng cho thế hệ trẻ. _ Hồng Hải (Quản lý cà phê Solo Hoàng Văn Thụ)

* Có lần tôi vào siêu thị chỉ mua một món đồ nên xin tính tiền trước, có hai người xếp hàng đứng trước tôi, một người đồng ý nhường tôi nhưng thực ra họ không vui, cô thu ngân siêu thị từ chối tính tiền và yêu cầu tôi phải hỏi thêm 1 người còn lại đứng trước. Tôi thấy cô ấy xử sự rất đúng và đây cũng là một bài học hay cho tôi về văn hóa xếp hàng và hơn nữa là một giải pháp hữu ích để nâng cao ý thức xếp hàng của mọi người chốn công cộng._ Phiiu (Thành viên diễn đàn caravanviet.com)

* Việc xếp hàng ở Việt Nam, tôi thấy không phổ biến. Dường như từ siêu thị, trường học, bệnh viện, công sở ở đâu tôi cũng thấy cảnh chen lấn, bát nháo, mất trật tự. Mọi người đa phần không tự giác xếp hàng, chỉ cần một người chen lấn là tất cả mọi người cùng chen lấn, không ai chịu nhường ai. Thực ra, văn hóa xếp hàng là điều nên thực hiện vì xếp hàng thể hiện sự trật tự và khoa học. Khi có trật tự và khoa học trước sau, mọi việc mới suôn sẻ và trôi chảy. Trong hành vi xếp hàng cũng có một số đối tượng cần ưu tiên, chẳng hạn như các cụ già, trẻ em, phụ nữ mang thai nhưng đáng buồn là có những người chưa già cũng tự nhận mình là già để nhận được sự ưu tiên._ Thu Nhi ( Bàn Cờ, Q.3)

* Ra nước ngoài, tôi thấy họ có ý thức rất cao về việc xếp hàng, dường như điều đó đã trở thành thói quen, nét văn hóa đương nhiên của họ. Tại Việt Nam, chỉ khi nào có bảng yêu cầu mọi người mới xếp hàng, tuy nhiên hầu như chẳng ai muốn xếp hàng cả, ai cũng muốn mau hơn, nhanh hơn người khác. Chuyện kẹt xe ở Sài Gòn cũng là do thói quen chen lấn, không nhường nhịn nhau mà ra. Việc chen lấn, mất trật tự cũng không phải hiếm gặp ở cả những người quần áo bảnh bao, ra dáng trí thức tại các sân bay hiện đại một cách rất vô thức. Tại các thang cuốn tôi cũng hay thấy người ta hay chen lấn dẫu chỉ hơn nhau một bước chân. _Bảo Lộc (Ban giám đốc Công ty du lịch Caravan, TP.HCM)._

An (ghi)

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.