Sự hiền hòa của Sói - Kỳ 13

06/07/2009 11:31 GMT+7

“Mẹ kiếp, tình hình đang trở nên tệ hại như ở Mỹ. Chiến tranh và cách mạng xảy ra cứ mỗi năm phút”. “Hẳn có thể là kẻ đào ngũ ấy, phải không?”.

“Mấy nhà buôn sinh lôi thôi, đối phó với mọi chuyện... Hẳn là người nước ngoài, ta không bao giờ biết được...”.

“Chúng ta sẽ ra sao đây...”.

Vân vân. Vân vân.

Đến lúc này, Sturrock càng chú ý thêm. Sau khi nghĩ ngợi lan man thêm ít phút, ông không nhịn được nữa.

“Xin lỗi, hai ông...”.

Có những ánh mắt mà ông muốn làm ngơ khi ông quay qua hai người đàn ông: xét theo loại quần áo rẻ tiền nhưng phô trương và thái độ hạ cấp thì họ hẳn là mấy con buôn hay đi đây đó.

“Tôi thật tình xin lỗi. Tôi biết chen vào câu chuyện của người khác là sự quấy rầy tệ hại, nhưng tôi có mối quan tâm cá nhân đến chuyện hai ông vừa bàn. Hai ông biết chứ, tôi có quan hệ làm ăn với một nhà buôn sống gần Caulfield, và tôi chẳng đặng đừng chú ý đến chuyện các ông mô tả - rất sống động - một vụ việc đặc biệt gây sốc và thê thảm. Hiển nhiên là tôi chẳng đặng đừng có mối quan ngại đối với câu chuyện, và tôi chỉ mong rằng nó không liên quan đến người tôi quen...”.

Cả hai người đi buôn đều không giỏi đối ứng nên cảm thấy bất ngờ với lời lẽ hùng biện như thế, vốn ít khi thốt ra giữa bốn bức tường của quán Rising Sun. Người kể chuyện định thần trước, nhìn xuống khuy măng sét của Sturrock đang lủng lẳng phía sau ghế ngồi. Sturrock lập tức hiểu ra ý nghĩa của tia nhìn, cộng với cái đầu nghiêng xuống, một thoáng suy nghĩ, rồi nhìn lên khuôn mặt của mình.

Người kia vừa tính toán lợi lộc về tài chính từ việc bán thông tin – không lớn lắm, xét qua loại khuy măng sét, cho dù ngữ âm Mỹ miền Đông cho thấy có triển vọng nào đó. Anh ta thở dài, nhưng vẫn không giấu vẻ vui mừng tự nhiên khi loan tin xấu: “Gần Caulfield hả?”.

“Vâng. Tôi nghĩ anh ấy sống trong một trang trại nhỏ hay đại loại như vậy, địa danh được gọi là Sông... tên con chim hoặc con thú, dường như là thế”.

“Sông Dove”.

“Vâng, đúng rồi. Sông Dove”.

Người đàn ông liếc qua bạn đồng hành của mình: “Nhà buôn đó, có phải là người Pháp không?”.

Sturrock cảm thấy lạnh xương sống. Hai người nhận ra điều này trên khuôn mặt ông. Không cần thiết phải nói gì thêm.

“Một nhà buôn người Pháp ở Sông Dove bị sát hại. Tôi không rõ có nhà buôn người Pháp nào khác hay không”

“Tôi nghĩ không có. Ông có... tình cờ nghe qua cái tên nào không?”.

“Nhất thời tôi không nhớ ra - chỉ nhớ đó là tên Pháp”.

“Người tôi quen có tên Laurent Jammet”.

Đôi mắt người đàn ông lộ vẻ vui mừng: “Tôi lấy làm buồn, thật sự là vậy, vì tôi nghĩ đó là cái tên người ta nhắc tới”.

Sturrock rơi vào cơn im lặng bất thường. Trong cuộc đời dài, ông đã đối phó với nhiều cơn sốc, và đầu óc ông đã nghĩ đến tác động của tin tức này. Hiển nhiên là thê thảm đối với Jammet. Ít nhất là đáng lo đối với anh ta. Bởi vì có một vụ làm ăn còn dang dở ở đó mà ông muốn tiến hành, chỉ chờ khi có đủ điều kiện tài chính. Bây giờ Jammet đã chết, phải tiến hành càng sớm càng tốt, nếu không cơ hội sẽ vĩnh viễn qua đi.

Hẳn ông đã lộ vẻ thật sự bị sốc nặng, bởi vì một lúc sau, khi nhìn xuống ông thấy một cốc cà-phê và một ly rượu bourbon đã được đặt trên mặt bàn. Hai người đi buôn đang nhìn ông với vẻ quan tâm thật sự – một tin tức về chuyện bạo lực đã là đáng phấn khích, nhưng đằng này lại chạm trán một người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm kịch - còn gì hay hơn nữa? Tin tức này có giá trị vài bữa ăn tối.

Sturrock run rẩy đưa tay cầm ly rượu.

Một trong hai người nhận xét: “Ông có vẻ như người đưa ma”.

Nhận ra mình cần phải làm gì, Sturrock ngập ngừng kể lại câu chuyện buồn về một món quà đã hứa cho người vợ đang bệnh, và một món nợ chưa trả xong. Thật ra ông không lập gia đình, nhưng có vẻ như hai người lữ hành không màng đến. Đến một lúc, ông dựa vào thành bàn, đôi mắt dõi theo một đĩa thịt hầm đang được đưa ngang qua, và hai phút sau một bữa tối với thịt nướng được dọn lên trước mặt. Ông thật sự nghĩ (không phải là lần thứ nhất) mình đánh mất năng khiếu cố hữu – đáng lẽ ông phải là nhà văn viết tiểu thuyết lãng mạn, vì đã dễ dàng dựng nên câu chuyện về một người vợ đang bị ho hen. Khi cuối cùng ông nghĩ mình đã trọng thưởng cho họ (không ai có thể kết án ông không hào phóng với trí tưởng tượng), ông bắt tay với họ và rời khỏi quán cà-phê.

Trời đã về chiều và ngày đang trốn chạy ở chân trời phía tây. Ông chầm chậm bước về phòng trọ, đầu óc bận rộn về việc làm thế nào tìm ra số tiền để đi Caulfield, vì đấy là việc cần làm để nuôi dưỡng giấc mơ của ông.

Có lẽ còn có một người ở Toronto vẫn còn kiên nhẫn đối với ông, và nếu ông tiếp xúc với bà đúng cách, bà có thể cho ông vay khoảng hai mươi đô. Vì vậy, đến cuối đường ông rẽ về hướng khu vực trong lành dọc bờ hồ.

(Còn tiếp)

Tiểu thuyết trinh thám của Steff Penney
(Người dịch: Diệp Minh Tâm)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.