Sống mãi “Màu tím hoa sim”

20/03/2010 11:43 GMT+7

(TNTT>) “Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết. Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt. Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa. Áo anh sứt chỉ đường tà. Vợ anh mất sớm. Mẹ già chưa khâu…” (Trích “Màu tím hoa sim”)

Tối 18.3, tác giả bài thơ Màu tím hoa sim bất hủ đã không còn nữa. Từ biệt cõi thế ở tuổi 95, nhà thơ Hữu Loan trong tâm trí bạn bè văn chương và độc giả cả nước vẫn sừng sững một cốt cách thi nhân, sừng sững như Đèo Cả trong thi ca kháng chiến và sống mãi như Màu tím hoa sim trong trái tim triệu người.

Lão nông tri điền…

Trên đường vào xứ Thanh viếng nhà thơ Hữu Loan ngày 19.3, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam vừa đi vừa viết điếu văn cho kịp lễ an táng vào buổi chiều cùng ngày. Ông Hữu Thỉnh xúc động kể lại chuyện cách đây hơn 20 năm, ông cùng đoàn nhà văn của báo Văn Nghệ vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để khôi phục sổ lương hưu cho nhà thơ Hữu Loan sau nhiều năm gián đoạn: Năm 1989, sau 35 năm không nhận lương nhà nước, cầm sổ truy lĩnh lương hưu trên tay, ông già 73 tuổi Hữu Loan rưng rưng lên xe đò về Hà Nội, đến gặp báo Văn Nghệ cảm ơn rồi uống rượu suốt đêm với các nhà thơ Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm… những bạn văn thời đầu cách mạng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, hồi năm 1954, trước khi Hữu Loan bỏ báo Văn Nghệ về quê sống, ông đã “khăn gói quả mướp” đến thức suốt một đêm với Văn Cao ở phố Yết Kiêu. Trong đêm ấy, hai người đi quanh hồ Thiền Quang, vừa đi vừa uống, vừa đi vừa ngẫm ngợi. Văn Cao thì cố giữ Hữu Loan ở lại, nhưng “nhà thơ Đèo Cả” vẫn quyết về quê làm “lão nông tri điền”. Không biết họ đã uống bao nhiêu rượu và tâm sự với nhau những gì trong cái đêm chia tay buồn bã ấy, chỉ biết, sáng sớm hôm sau, Hữu Loan ra bến xe Kim Liên bắt xe đò trở về quê.

 /Em ơi giây phút cuối không được nghe nhau nói/
Không được trông nhau một lần

Sừng sững một cốt cách thi nhân

Nhận xét về thơ Hữu Loan, ông Hữu Thỉnh cứ xuýt xoa khâm phục nói với tôi: “Hữu Loan là một trong những nhà thơ đặc sắc, nổi bật nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp với một cá tính thơ độc đáo hiếm thấy trong sáng tạo. Có thể nói, hai mảng thơ này của nhà thơ Hữu Loan tựa trên hai nền tảng là hồn cốt của đồng ruộng quê hương và hiện thực bi tráng của kháng chiến, tạo nên một bút pháp đặc sắc của ông. Hai mảng thơ ấy được Hữu Loan khai thác, kết hợp và đẩy tới tận cùng cảm xúc của mình”.

“Do vậy, ai đã gặp Hữu Loan rồi, dù chỉ một lần, cũng không thể nào quên ông được. Và làm được như thế thì khó lắm thay! Về mặt số lượng sáng tác thì Hữu Loan không đồ sộ, nhưng về mặt chất lượng lại đạt được nhiều bài đỉnh cao. Người ta đọc Hữu Loan và gặp vẻ đẹp tâm hồn của một nhà thơ với những cung bậc đa dạng và chiêm ngưỡng cốt cách của một thi nhân lớn”, nhà thơ Hữu Thỉnh lại xuýt xoa ngợi khen.      

Nặng lòng 3 tập trường ca chưa xuất bản 

Hữu Loan lặng lẽ sống suốt mấy chục năm ở xứ Thanh, lăn lưng đi làm thuê “chở đá, đốn củi” kiếm tiền nuôi vợ con. Người vợ đầu của Hữu Loan chết trẻ trong kháng chiến chống Pháp và bài thơ “Màu tím hoa sim” ông viết cho bà ấy khi: Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi/Em ơi giây phút cuối không được nghe nhau nói/Không được trông nhau một lần/Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/Áo nàng màu tím hoa sim.

Tại thời điểm những năm 1950-1951, bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan đã mở đầu cho một giai đoạn thơ trữ tình kháng chiến viết về các mối tình “bi tráng” hậu phương-tiền tuyến. Năm 2004, bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan được một công ty tư nhân bỏ ra 100 triệu đồng mua bản quyền với lòng trân trọng và quý mến tài thơ của ông. Đóng thuế thu nhập mất 10 triệu đồng,  ông cho con cháu 60 triệu đồng, còn 30 triệu đồng, ông để in tập thơ Hữu Loan và để “phòng thân” lúc cuối đời.

Sinh năm 1916 ở Nga Sơn, Thanh Hóa, thời trẻ Hữu Loan tốt nghiệp tú tài nhưng chỉ ở nhà dạy học rồi tham gia cách mạng. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, kiêm Trưởng ty của 4 ty: Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính.

Sau đó ông được cử làm Chủ bút báo Chiến sỹ của Sư đoàn 304 ở Liên khu IV. Sau 1954, Hữu Loan về công tác ở tạp chí Văn nghệ một thời gian ngắn rồi nghỉ về Nga Sơn làm nghề thợ đá, nuôi một đàn con tới 10 người.

Năm 1988, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhà thơ Hữu Loan bắt đầu “tái xuất giang hồ” và trong chuyến “hành phương Nam” năm ấy, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được đón tác giả “Màu tím hoa sim” ở cố đô Huế và tổ chức cuộc nói chuyện của nhà thơ Hữu Loan với các nhà văn miền Trung. Nguyễn Trọng Tạo dí dỏm nhận xét: “Sau cả nửa thế kỷ, Hữu Loan vẫn giữ nguyên tác phong của một cán bộ cách mạng kháng chiến. Nhưng điều quan trọng hơn, ông ấy là một nhà cách-mạng-thơ thật sự”. Ông được anh em vẫn chương quý trọng cả về nhân cách thơ và nhân cách sống vì ông là người khí khái, cương trực.

Theo đánh giá của nhiều nhà phê bình văn học, thi ca kháng chiến với “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh và “Đèo Cả” của Hữu Loan là hai cột mốc đáng ghi nhớ. Bài thơ “Đèo Cả” của nhà thơ Hữu Loan vào năm 1946, có thể nói đã mở ra một thời kỳ mới của thơ ca cách mạng với tính tráng ca lẫm liệt, âm hưởng hùng vĩ giàu sức chiến đấu: “Núi cao vút/Mây trời Ai Lao/sầu đại dương/ Dặm về heo hút/Đá bia mù sương/Bên quán Hồng Quân/ người/ ngựa/ mỏi/Nhìn dốc ngồi than/ thương ai lên đường/Chầy ngày lạc/ giữa suối/ Sau lưng suối vàng xanh tuôn/Dưới khe bên suối độc/ cheo leo chòi canh/ven rừng hoang/Những người đi”.

Sau này, Nguyễn Trọng Tạo cho biết, có đánh máy hộ cho nhà thơ Hữu Loan 3 trường ca (mỗi bài 600 - 700 câu) cho đến nay vẫn chưa được xuất bản. Ba trường ca này viết về đời sống xã hội, viết về những cảm nhận của nhà văn trong cuộc sống phải mưu sinh vất vả nhưng lành sạch của mình. Ông Tạo bảo, giọng điệu của Hữu Loan trong 3 trường ca này vẫn “oai hùng” như giọng điệu trong bài thơ “Đèo Cả” hồi đầu cách mạng. “Tôi không biết hiện nay 3 trường ca của Hữu Loan nằm ở đâu, vì sau khi đánh máy xong tôi đã đưa lại cả bản thảo và bản đánh máy cho ông, không hiểu gia đình nhà thơ có còn lưu giữ được không vì lâu nay chẳng thấy ai nhắc tới".

Ấn tượng về Hữu Loan trong lòng bạn hữu văn chương rất đẹp.  Cái dáng vóc khỏe khoắn, cương nghị, khí khái của lão nông “kiêu hùng” như ông có những nét vời vợi như tượng đồng, như đá tạc. Hôm nay, người thơ ấy đã ra đi, nhưng thơ ông vẫn sừng sững bên nẻo trời thi ca như “Đèo Cả”, như tượng đá, như màu hoa sim vẫn cháy lặng trong tâm hồn bao người”, ông Tạo ngậm ngùi nói.

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.