Sàn giao dịch “ve chai”

31/01/2010 10:16 GMT+7

(TNTT>) Sau một thời gian làm admin cho diễn đàn saigonvechai, Trần Khắc Dũng đã phối hợp cùng nhạc sĩ Cao Minh mở sàn giao dịch “ve chai” độc đáo bậc nhất Sài Gòn.

Ve chai ở đây không đơn thuần chỉ là những đồ đồng nát bán ngoài chợ mà nó là những món đồ cũ, mang giá trị lịch sử và có nguồn gốc độc đáo. Ngày hôm nay, 31.1, sàn giao dịch “ve chai” sẽ ra mắt tại nhà nhạc sĩ Cao Minh với sự hiện diện của  các CLB sưu tập đèn dầu cổ, vespa cổ, zippo cổ, mô tô cổ, xe hơi cổ, mắt kính, kỷ vật…Bất cứ ai cũng có thể tham gia sự kiện đặc biệt này.

Từ sàn “online” đến “offline”

Một buổi sáng cuối tuần đẹp trời, tại nhà Cao Minh, hàng chục người tụ tập thành nhiều nhóm để chiêm ngưỡng và say sưa lắng nghe chủ nhân những món “ve chai” độc đáo thuyết trình. Họ nói không ngơi nghỉ về giá trị lịch sử, nguồn gốc của các chi tiết trên món đồ của mình, đồng thời giải đáp thắc mắc của người xem. Cũng có khi, người xem bổ sung thông tin ngược lại cho chủ sở hữu món đồ, nên tất cả đều có cơ hội học hỏi lẫn nhau để nâng cấp “level” cũng như hiểu biết thêm về thế giới “ve chai” cổ.


Dân nhiếp ảnh có thể săn máy ảnh cổ tại vựa ve chai - Ảnh: Trần Ka

Không khí “sàn giao dịch” sôi động không khác gì khu triển lãm “ve chai” giữa Sài Gòn. “Chủ sàn” Trần Khắc Dũng đi loanh quanh các nhóm nhỏ, anh không ngừng gật gù tán thưởng trước những món hàng độc đáo. Trong sâu tận đôi mắt ấy ánh lên niềm tự hào mãnh liệt, anh chỉ tay về phía các bức ảnh trang trí trên tường: “Mấy bức ảnh đó toàn là anh em thành viên của saigonvechai chụp ngay tại quán và tặng lại cho chúng tôi. Còn rất nhiều món đồ khác nữa cũng do mỗi người góp một ít để làm thành vựa ve chai hoành tráng như thế này”.

Nếu mỗi người cứ khư khư những món “ve chai” cổ riêng cho bản thân mà không chịu để mọi người thưởng thức thì rất lãng phí! _Trần Khắc Dũng
Anh đưa tôi tới gần chiếc Mercedes 180 đen, bóng loáng, đưa tay vuốt ve con xế và cho biết đống “đồng nát” này anh “nhặt” được ở tận miền Tây. Hiện tại, anh vẫn đang truy lùng gốc gác của nó, nhưng nghe đâu đó là chiếc duy nhất còn sót lại trong số những chiếc Mercedes đầu tiên nhập vào Việt Nam. “Cái thú của việc sưu tập đồ ve chai cổ là thế. Đã sở hữu món đồ đó rồi thì việc tiếp theo là được ngụp lặn giữa một trời thông tin để truy tìm cho bằng được gốc tích của nó. Chuyện này công phu lắm chứ không phải đơn giản, đặc biệt là quá trình tìm kiếm như thế giúp người ta thu nạp rất nhiều kiến thức hữu ích”, anh Dũng khẳng định.


Túi xách, đồng hồ cổ

Anh “chủ sàn” này đã tỏ ra rất chịu chơi khi sẵn lòng bỏ ra hơn 20.000 USD để phục chế đống “đồng nát” trên thành con xế sang trọng như hiện tại. “Còn tổng giá trị của chiếc “Mẹc” 180 là bao nhiêu vậy?” - tôi dò hỏi tới, anh Dũng lắc đầu bảo: “Không dám nói giá, vì sợ người nghe bị…dội, và cũng ngán nói ra vì có thể sẽ bị thiên hạ bàn ra tán vào, mệt lắm!”.

Vựa ve chai hạng sang

Nói vựa ve chai không có gì sai, vì quán của gã “vespa lang bạt” Trần Khắc Dũng trưng bày đủ thứ hàng, từ thượng vàng đến hạ cảm, hết dây giày, đồng hồ, mắt kính cổ, giỏ xách, zippo, rồi đến cả xe hơi, mô-tô, hay thậm chí là…cây đèn dầu cũ. Vựa ve chai trên là sân chơi mà anh Dũng đã ấp ủ từ rất lâu. Anh nói rằng, nếu mỗi người cứ khư khư những món “ve chai” cổ riêng cho bản thân mà không chịu để mọi người thưởng thức thì rất lãng phí. “Cái lợi của việc chia sẻ món đồ của mình còn nằm ở chỗ, biết đâu đến lúc nào đấy, món đồ ve chai của bạn sẽ bén duyên gặp gỡ những món đồ thuộc “họ hàng” bị lạc nhau lâu ngày, và khi ấy thì giá trị của những món đồ mới thật sự thăng hoa…”, anh Dũng say sưa nói bên tiếng nhạc jazz dìu dặt phát ra từ chiếc máy đĩa than Victor đời 40.


Những chiếc scooter cũ nhưng giá trị cao

Không chỉ là nơi để mọi người trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về các món hàng cổ lỗ sĩ, đồng thời trao đổi, mua bán cho nhau; vựa ve chai của Dũng còn tập hợp nhiều chuyên gia sưu tầm đồ cổ có máu mặt. Bất cứ ai cũng có thể nhờ họ giúp thẩm định giá trị của những loại đồ dùng xưa cũ mà mình đang sở hữu, đồng thời tìm kiếm giúp thông tin về món đồ cần tìm. Vựa ve chai này có một thành viên sưu tập cùng lúc cả hơn…800 chiếc Vespa cổ. Anh chuyên thu mua và phục chế loại xe trên để xuất khẩu ra nước ngoài, và được coi là một trong những tay sưu tập và chơi xe Vespa nổi tiếng nhất Sài Gòn.

Thú chơi độc đáo

Hầu như sáng Chủ nhật nào, địa điểm này cũng đông đúc khác thường, mọi người đến đây để được nghe và được nói. Nghe và nói nhiều lắm nhưng ai cũng thấy sướng tai, say say tê tê khắp người, cứ như thể đang dùng chất gì đó gây nghiện. “Muốn nhập môn bất kỳ thú chơi nào, bạn cũng thường mất học phí, nhưng ở đây thì không. Nếu đến đây vài lần, bạn sẽ dễ bị nghiện lây lắm”, anh Dũng cười nói.


"Nàng" Vespa cổ

Dũng kể thêm, có thành viên tên H. rất thích sưu tầm đồng hồ, nhưng vẫn còn thiếu 1 chiếc nữa mới được trọn bộ. H. bỏ rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm nhưng không thành. Buổi chiều nọ vừa nghe tin chiếc đồng hồ cần tìm hiện có ở tận Nam Mỹ, là ngay tối hôm đó, H. lập tức mua vé máy bay lên đường săn lùng cho bằng được. Cuối cùng anh ấy cũng thành công.

Trần Khắc Dũng còn khoe, các anh còn có hơn 100 đầu sách chuyên về xe, dân sành chơi xe hơi thường đến đây mượn nghiên cứu. Ngoài ra anh còn có nhiều chiếc Rumi thuộc dòng Scooter rất quý hiếm. Dũng còn một chiếc Vespa đời 1953 do Pháp sản xuất. Chi tiết “Pháp sản xuất” chính là cái đáng chú ý. Vì thời đó, Vespa chủ yếu là do Ý sản xuất, chiếc Vespa trên của anh Dũng được người Pháp mang sang Việt Nam, chứ từ sau năm 60, nước ta mới nhập dòng xe Vespa...  

Trần Ka

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.