Nhân thế vắng một vì sao

06/11/2009 10:29 GMT+7

(TNTT>) Nhà nhân loại học vĩ đại thế kỷ XX, Claude Lévi-Strauss không thể chờ đợi đến ngày 28-11 để mừng sinh nhật lần thứ 101 của mình, ông đã ra đi thanh thản vào ngày 30-10-2009.

Sự nghiệp trăm năm

Ngoài luận án tiến sĩ về nhân loại học bảo vệ tại trường đại học danh tiếng Sorbonne năm 1948, Claude Lévi-Strauss còn được 15 trường đại học trên khắp thế giới trao tặng bằng tiến sĩ danh dự, trong đó có những trường hàng đầu thế giới như Harvard, Yale, Columbia, Oxford. Có thể nói đây là danh dự… song phương vì bất cứ trường đại học nào cũng cảm thấy vinh hạnh khi có thể nhắc tới tên ông trong số các tiến sĩ của mình.

Là viện sĩ Hàn lâm viện Pháp từ năm 1973, Lévi-Strauss được xem là cây đại thụ của các ngành nhân loại học, dân tộc học, các tác phẩm của ông vượt ngoài phạm vi của 2 ngành này, được xem là danh mục không thể bỏ qua của hầu hết các ngành khoa học xã hội. Ông cũng là người đã khai sinh nên thuyết "cấu trúc học", chỉ ra hệ thống các mối liên hệ làm nên cấu trúc của xã hội mà con người tham gia vào đó một cách vô thức.

Hơn một thế kỷ ở tạm tại cõi nhân gian của Claude Lévi-Strauss là những trang sách sinh động về một nhà khoa học yêu đời, yêu người, luôn dấn thân và bền bỉ với nghề nghiệp. Sinh ra trong một gia đình Pháp gốc Do Thái, ông tốt nghiệp đại học Luật Paris và học chuyên sâu về triết học tại đại học Sorbonne. Sau thời gian giảng dạy triết tại Pháp, năm 1935, ông được Nhà nước đề nghị sang làm giáo sư xã hội học tại Đại học Sao Paolo, Brazil. Suốt 4 năm giảng dạy tại Brazil, Lévi-Strauss đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm rừng nhiệt đới ở lưu vực sông Amazon để tìm hiểu về người  bản địa và thổ dân Indian của các bộ lạc sơ khai. Xúc động trước số phận cùng cực của những thổ dân Nambikwara, Tupi-Kawahip, Bororo và bất bình khi nhận ra chính thế giới Tây phương hiện đại đã đẩy họ vào một tương lai bấp bênh, ông quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu về nhân loại học và dân tộc học.

Rời Brazil, trở về Pháp năm 1939, ngay trước khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, không lâu sau đó, khi Pháp thất thủ, Claude Lévi-Strauss lại lên đường sang Mỹ theo chương trình liên đới vì các nhà khoa học châu u gốc Do Thái. Thời gian ở Mỹ, công việc nghiên cứu của ông đạt nhiều tiến triển đáng kể khi được tiếp xúc và trao đổi với nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lãnh vực xã hội, nhân văn. Trở về Pháp năm 1948, Claude Lévi-Strauss tiếp tục con đường nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm đồ sộ, trong số ấy Nhiệt đới buồn, Cấu trúc cơ bản của quan hệ gia đình, Nhân loại học cấu trúc,… có thể được xem là những quyển sách kinh điển của thế kỷ XX, bất chấp mọi dấu ấn của thời gian.

Lévi-Strauss được các học giả mệnh danh là "người đội 2 nón". Cởi bỏ chiếc nón của nhà thám hiểm thoăn thoắt đường rừng, ông lại chỉn chu trong trang phục của một lý thuyết gia ngồi ở văn phòng phân tích và tổng hợp lại toàn bộ kinh nghiệm của những chuyến trèo non lội biển của mình. Tác phẩm của ông thu hút được độc giả khắp nơi không chỉ ở kiến thức quảng bác ở từng trang sách mà còn nhờ cách lập luận vấn đề chặt chẽ và lối hành văn khúc chiết, mượt mà của một triết gia "chính hiệu" Sorbonne. Lévi-Strauss được trời thương, sống đến bách niên giai lão, đủ cho ông có thời gian nghiên cứu và để lại cho nhân loại một di sản tinh thần đồ sộ.

Đấu tranh cho đa dạng văn hóa

Người Tây phương vẫn có quan niệm dùng chuẩn mực xã hội của mình làm thước đo cho mọi nền văn hóa. Cho rằng người bản địa hoang dã, kém mở mang, rất nhiều cuộc tàn sát đẫm máu đã diễn ra với cư dân Indian, Polynesia ở khắp nơi trên thế giới khi người da trắng bắt đầu đặt bước chân khai phá của họ lên lãnh địa truyền đời của thổ dân.

Nhiệt đới buồn
Nhiệt đới buồn (dịch giả: Ngô Bình Lâm, hiệu đính: Nguyên Ngọc) vừa được NXB Tri Thức và Tủ sách Tinh Hoa ra mắt với bạn đọc Việt Nam vào cuối tháng 10.
Tác phẩm này ngay từ lần ấn hành đầu tiên năm 1955 đã nhận được sự khen ngợi của các học giả cùng giới công chúng và được xem là một trong những tuyệt tác của thế kỷ XX. Nội dung Nhiệt đới buồn kể về những chuyến thám hiểm của Claude Lévi-Strauss trong rừng rậm nhiệt đới lưu vực sông Amazon. Bằng giọng văn mượt mà, nhiều giai điệu, ông đã khiến nhiều thế hệ độc giả suốt 50 năm qua say mê khám phá nền văn minh sơ khai của những bộ tộc thổ dân bản xứ.

Vào thời điểm Claude Lévi-Strauss sang Brazil giảng dạy, cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội Tây phương dành cho thổ dân vẫn chưa thay đổi nhiều. Nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với những con người hoang dã đó, Lévi-Strauss chợt thấy phảng phất hình ảnh lý tưởng về con người thuận theo tự nhiên mà triết gia rất có ảnh hưởng với ông, Jean Jacques Rousseau luôn mơ về. Họ ở ngoài rìa của những phát triển khoa học kỹ thuật, chỉ săn bắt hái lượm qua ngày nhưng tâm hồn chân chất, trẻ thơ. Dần dần ông nhận ra rằng việc họ giết người da trắng hoàn toàn là vì bản năng tự vệ và một người da trắng bị giết thì trước đó đã có hàng chục thổ dân phải bỏ mạng oan uổng. Chứng kiến mười mấy người còn lại của bộ lạc Tupi-Kawahib đứng trước bờ vực của sự diệt vong, ông quyết định dành cuộc đời mình để thay đổi cái nhìn kỳ thị của người Tây phương đối với những dân tộc sơ khai.

Ông viết nhiều bài cho Unesco về vấn đề chủng tộc. Lévi-Strauss cho rằng không có sự khác biệt về trí lực giữa những dân tộc khác nhau. Màu da, phong tục, tập quán chính là do điều kiện môi trường đem lại. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi mà những bộ tộc thổ dân chậm phát triển hơn so với thế giới bên ngoài, nhưng họ hoàn toàn xứng đáng được đối xử công bằng như bất kỳ ai.

"Nhân loại đang dần tiến đến tình trạng đơn-văn-hóa, với đà công nghiệp hóa hiện nay, thế giới sắp sửa "sản xuất hàng loạt" các nền văn minh, như người ta sản xuất đồ hộp." Lévi-Strauss gióng lên hồi trống báo động về sự mai một các nền văn hóa của những dân tộc thiểu số ngay từ tác phẩm "Nhiệt đới buồn" xuất bản năm 1955. Nửa thế kỷ sau, lời cảnh báo  của ông đã và đang thành hiện thực. Nền văn hóa đa dạng và đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng.

"Những gì tôi đã và đang làm không nhằm giữ cho các bộ tộc thiểu số được trường tồn vĩnh cửu vì tôi biết đó là điều không thể thực hiện. Nhưng tôi chỉ hy vọng góp sức mình để thế giới lưu lại được một ít kỷ niệm, một vài dấu tích về những người anh em hoang sơ của chúng ta", Claude Lévi-Strauss tóm tắt sự nghiệp của mình một cách thật khiêm tốn.


Gặp gỡ Tổng thống Nicolas Sarkozy - Ảnh: AFP  

 
Claude Lévi-Strauss (trái) trong chuyến thám hiểm rừng già Amazon - Ảnh: Musèe du quai branly

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.