Nhà văn hành nghề thầy cãi

18/04/2010 09:19 GMT+7

(TNTT>) Từ một giáo viên ở Thái Bình, nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa xuất hiện với những bài thơ viết cho thiếu nhi và được biết đến với tập Đội nón cho cây.

Bất ngờ một cậu bé bên sông Kinh Thầy trở thành một thần đồng thơ, nên tác giả Nguyễn Đăng Khoa đành đổi sang bút danh Nguyễn Khoa Đăng để tránh nhầm lẫn với thần đồng Trần Đăng Khoa. Rồi ông cùng với gia đình vào Kiên Giang công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh, nhiều tác phẩm văn xuôi ra đời góp phần định phận một nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Thế nhưng, giai thoại gắn bó với ông lại là… thân phận “thầy cãi”.

Từ năm 1989 đến năm 1993, tính chính xác là 47 tháng, Nguyễn Khoa Đăng mang thân phận nhà văn ra trước tòa biện hộ cho người khác với tâm trạng: “Những người nhờ tôi làm thầy cãi có hoàn cảnh rất tội nghiệp. Tôi đãng trí lắm, nhưng tôi không thể quên nước mắt của những người trót lỡ lầm mà lại bị thua thiệt về hiểu biết pháp luật. Tôi cãi tất cả 216 vụ!”.

Lúc ấy tỉnh Kiên Giang chưa có đoàn luật sư. Vị trưởng đoàn bào chữa viên thấy nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có tham gia viết báo nên mời tham gia. Đoàn gồm 20 người, nhưng chỉ có ông đứng ra cãi nhiều vụ nhất. Không phải nhà hùng biện, nhưng người cầm bút dễ đồng cảm với nỗi đau “vô phúc đáo tụng đình”. Mỗi khi nhận một vụ kiện ông thức trắng mấy đêm để tìm đọc các văn bản pháp luật. Một điều nữa giúp ông hết sức làm thầy cãi vì thấy đây là công việc gắn bó với số phận con người sâu sắc nhất. Có những cuộc đời nhiều ngã rẽ và trắc trở đến mức dù có giỏi đến đâu cũng không tưởng tượng được!

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng kể lại chuyện khiến ông khắc cốt ghi tâm: “Một buổi trưa nắng như đổ lửa, một bà nông dân thuê xe ôm đi về 80 cây số từ huyện Tân Hiệp lên thị xã Rạch Giá tìm tôi chỉ để hỏi cặn kẽ về một từ trong đơn khiếu nại của bà. Thời đó, điện thoại còn là xa xỉ phẩm. Nhìn theo người phụ nữ đen đúa và gầy gò kia chỉ đợi thầy cãi là tôi trả lời xong rồi tất tả quay lưng, tôi muốn trào nước mắt. Cho nên tôi hãnh diện những ngày tháng tôi đã làm thầy cãi giùm những con người lam lũ và nghèo khó ấy!”.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng ra tòa không phải luật sư chuyên nghiệp nên vụ nào ông cũng không quên được niềm hy vọng òa vỡ trên khuôn mặt những người nhờ biện hộ. Có một phiên tòa ở huyện Giồng Riềng, giành quyền sở hữu ngôi nhà, ông “đấu” với một luật sư được mời trên TP.HCM xuống. Nhiều lần ông làm vị luật sư kia “cứng họng” khiến tất cả cử toạ thích thú vỗ tay rần rần. Ngay hôm sau ông nhận được thư của một ông cán bộ hưu trí với phần mở đầu: “Kính gửi ông Nguyễn Khoa Đăng. V/v ca ngợi tài bào chữa hùng biện của ông tại phiên tòa”.

Những người am tường ở Kiên Giang bây giờ vẫn nhắc sự kiện một tử tù đã viết lời cảm ơn “thầy cãi” bằng máu. Người thanh niên ấy phạm tội nổ súng giết bốn người, ông không thể nào cãi bớt tội được. Thế nhưng, khi kết thúc phiên tòa, tội phạm bị tuyên án tử hình đã đề nghị được đến gần “thầy cãi” để khoanh tay thưa rằng: “Em cảm ơn luật sư. Luật sư không cãi cho em khỏi tội chết, nhưng đã giúp em nói với mọi người là bản chất em không xấu xa và tàn nhẫn. Em phạm tội chỉ vì bị kích động quá mức…”. Vụ án ấy chấn động tỉnh Kiên Giang một thời. Sau này, khi anh ta bị thi hành án, người ta thấy trên vách phòng giam có mấy câu viết bằng máu “xin cảm ơn ba má và xin cảm ơn ông Nguyễn Khoa Đăng”.

Là nhà văn duyên nợ với nghề thầy cãi, có lần Nguyễn Khoa Đăng cũng cãi bằng… văn chương, khi một cậu trai bị cám dỗ bản năng đã có hành vi cưỡng đoạt một cô gái, ông dùng thơ Hồ Xuân Hương “yếm đào trễ xuống dưới nương long” để cãi, khiến cử tọa cười ồ lên. Và có lẽ nhờ những câu thơ đầy ngẫu hứng, người phạm tội được giảm từ 4 năm tù xuống còn 2 năm.

Lê Thiếu Nhơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.