Mai Văn Phấn trong cơn say thơ-cách-tân

15/03/2010 10:01 GMT+7

(TNTT>) Hôm mới đây, xuống Hải Phòng chơi, tôi được một số bạn văn cho biết, dạo này nhà thơ Mai Văn Phấn (SN 1955, hội viên Hội Nhà văn VN, từng đạt nhiều giải thưởng văn học) đang bị “tẩu hỏa nhập ma” vì thơ? Tôi đến gặp Mai Văn Phấn, anh cười ý nhị cho rằng, nhận xét trên chỉ là trò đùa hài hước của một số bạn văn yêu mến mình.

Ngồi nói chuyện với Mai Văn Phấn suốt buổi chiều, tôi mới thấy, dường như anh đang ở trong vòng xoáy “mịt mùng” của cơn say thơ-cách-tân. Mai Văn Phấn hào hứng không biết mệt mỏi khi nói về những chủ thuyết mới của thi ca thế giới, từ hậu hiện đại đến tân hình thức, từ siêu thực hiện đại đến mông lung tân hiện đại... Phấn làm tôi ù tai, chóng mặt bởi các dẫn chứng về nhiều trường phái thơ đương đại ở u-Mỹ.

Đúng ra, Mai Văn Phấn cũng thật đáng nể khi thơ của anh từng được giới thiệu trên một số tạp chí thơ tại Anh quốc (Poetry Kit Magazine), Hoa Kỳ (Fulcrum, Wordbridge, The Writers Post...), Canada (Grey Borders), Hàn Quốc (Thi Luận), Singapore (Softblow). Anh là tác giả của 8 tập thơ in riêng (Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai, Nghi lễ nhận tên, Vách nước, trường ca Người cùng thời, Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi).             

Trước đây tôi cho rằng, thơ hay (giống như một tấm gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người hiện lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó; còn thơ dở thì có soi mãi cũng không thấy gì. Thời gian gần đây tôi lại nhận thấy, thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ. Trong bài thơ Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ dưới đây, anh đã dựng một tứ thơ khá mới lạ theo cách kể chuyện pha chút “liêu trai” khá dí dỏm: “Pha xong ấm trà/quay ra/ông khách không còn ở đó/Gọi điện thoại/Người nhà bảo ông mất đã bảy năm/Nhầm lẫn(!)/Nhà mình/mọi sự đảo lộn.../Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?/Bộ ấm chén giả cổ ai cho?/Ghé sang hàng xóm/thử hỏi mấy loại thực phẩm/loại tăng giá/loại còn giữ giá/Trong nhà/Trà vẫn nóng/Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi./Luồng tử khí cao chừng một mét sáu mươi dựng đứng trước mặt/chốc lại cúi gập”.

Không ít người cho rằng giá trị “thật” của thi ca là phải có thơ “hay” chứ không cần thơ phải “mới” (thà “cũ” mà hay còn hơn “mới” mà dở!?). Nhưng một số người lại cho rằng, nếu các nhà thơ hậu bối cứ học hỏi, “bắt chước” kiểu viết của các đại thi hào ở những thế kỷ trước thì làm sao nền văn học Việt Nam có được những “giá trị mới” của thơ tiền chiến 1930-1945 còn ảnh hưởng đến tận hôm nay. Như vậy, mỗi thời đại đều có diện mạo thơ ca riêng của mình, mang hơi thở và sức sống của thời đại đó.

Trong bài thơ Chọn cảnh dưới đây, chúng ta sẽ thấy Mai Văn Phấn, với một “góc nhìn” mới về thơ cách tân đã nắm bắt và triển khai thi pháp hiện đại một cách sáng tạo như thế nào: “Trong mơ ngả mình trên biển/gối đầu lên tay em/Em nghĩ nơi đây biển sâu 8 mét/tôi đọc được ý nghĩ/có đám mây và chim hải âu/Tôi mang giấc mơ ra phố/lúc ăn sáng thấy mình giống miếng mộc nhĩ/sôi lên trong nồi nước dùng/nồi nước sâu 8 mét/Vào thăm bạn trong ngõ hẹp/biển số nhà giống miếng mộc nhĩ trong nồi nước dùng/tiếng bạn vọng từ độ sâu 8 mét/Khép bớt cửa vì lạnh/Hơi ẩm mơ hồ ngấm xuống rất sâu/Thấy khoảng cách từ chân ghế tới bức tượng/tiếng mọt kêu tới vụt nhanh tia chớp/giữa những khuôn mặt trong quán phở xa lạ.../bằng/khoảng cách giữa đám mây và chim hải âu/đẹp tuyệt vời trên độ sâu 8 mét”. Một bài thơ luôn mang lại những bất ngờ đến từ mỗi câu thơ và ta không thể đoán định nổi câu thơ sau Mai Văn Phấn sẽ viết gì về “cái độ sâu 8 mét” đã ám ảnh nhà thơ và ám thị luôn cả người đọc.

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.