Gã nghệ sĩ "kỳ dị"

15/08/2009 10:28 GMT+7

(TNTT>) Nếu chỉ mới chạm mặt Quang Đạt qua cái vẻ bề ngoài bụi đời, mái tóc dài lưa thưa sợi đen, sợi đỏ, sợi hung sẫm, đôi gò má xương xương, bộ râu ba chòm mọc dài mất trật tự, rất có thể người giàu tư duy sẽ nhận định đó là một gã đàn ông lãng tử, du thủ du thực...

Thực tế, Quang Đạt không phải là con người như vậy mà anh đích thực là một nghệ sĩ đa dạng, đa tài dù chỉ tự học, tự "cải tiến" kỹ năng để hoàn thiện bản thân.

Khởi nghiệp của gã nghệ sĩ kỳ dị này rất  gian nan. Từ miền đất Quảng Nam cơ cực, Quang  Đạt  phiêu bạt vô Sài Gòn lúc mới 13 tuổi. "Tôi phải, uốn 3 tấc lưỡi để có được một chân phụ vẽ quảng cáo bằng năng khiếu bẩm sinh, với mong muốn ngày hai bữa cơm, để sống qua ngày", anh hồi tưởng quá khứ. 

Ngày ngày làm thợ vẽ, đêm đêm anh mò mẫm tới các võ đường Taekwondo, Thiếu Lâm Bắc Phái để âm thầm trau dồi võ nghệ, một thú đam mê mà anh từng thọ giáo với các võ sư lúc ở quê nhà. Và thời gian bao giờ cũng là thước đo nghị lực kiên trì của con người. Khi Quang Đạt đã cảm thấy vững tay nghề, đã có vốn võ công, thêm món tiền tích cóp lận lưng phòng thân, anh ấp ủ ý nguyện “làm một con người sống trên đời phải có danh phận gì để đời!”. Rời Sài Gòn, Quang Đạt tha phương đến tận Long Hải, Long Điền, Bà Rịa. Ở đó, Quang Đạt đã có cơ ngơi do các bằng hữu hỗ trợ: Một võ đường với cả trăm võ sinh môn đồ. Cũng tại đây, sau năm 1975, đạo diễn Lê Hoàng Hoa là người đầu tiên “khai thông máu nghệ sĩ” và biến Quang Đạt từ võ sư thành diễn viên khi mời Quang Đạt nhập vai đầu lĩnh ninja trong phim “Tây Sơn hiệp khách”.

 Những nghệ sĩ tại lễ khởi công Nhà trưng bày lưu niệm kỷ vật điện ảnh và nghệ sĩ
Những nghệ sĩ tại lễ khởi công Nhà trưng bày lưu niệm kỷ vật điện ảnh và nghệ sĩ
Cho đến nay số phim Quang Đạt đóng đã lên gần 80. Trong đó, vai diễn để đời và ấn tượng với khán giả nhất là Nghị trọc, gã du côn đập mộ chị Võ Thị Sáu trong phim "Võ Thị Sáu". Quang Đạt tự hào kể lại nhiều phim anh lưu dấu tích đời diễn như: Phong lan đỏ, Người đàn bà không hóa đá (ĐD Đào Bá Sơn), Nàng Hương (ĐD Lê Văn Duy), Đồi cát đỏ, Làng cát (ĐD Trần Vịnh). Anh cũng đôi lần thử sức làm phó đạo diễn, làm họa sĩ thiết kế, cố vấn võ thuật rất chắc tay, được nhiều hãng phim tin dùng. Mặc dù vậy Quang Đạt có một thú đam mê lạ lùng là sưu tầm những "của lạ" trong thế giới điện ảnh. Những thứ anh sưu tầm được thuộc hàng "độc nhất vô nhị"  đối với dân sưu tầm Việt.

Quang Đạt thú nhận anh yêu nghệ thuật 5% thì máu đam mê sưu tầm các kỷ vật lưu niệm của giới nghệ sĩ liên quan đến điện ảnh, văn học thấm đẫm đến 95% còn lại trong cơ thể anh. Những ai gần gũi, tìm hiểu và ghi nhận lại gia tài kỷ vật lưu niệm của Quang Đạt đang tích lũy ở Tân Nghĩa (Hàm Tân, Bình Thuận) đều chung xác tín: Anh đang là chủ nhân cả một kho báu kỷ vật nghệ thuật đa dạng, giá trị không thể tính bằng tiền. Anh  cũng vừa khoe với chúng tôi  chiếc xe Vespa thu thập chữ ký của 400 nghệ sĩ đã được Tổng giám đốc của một công ty xây dựng ngã giá 80.000 USD để  mang ra đấu giá gây quỹ xây dựng phần II Nhà trưng bày kỷ vật lưu niệm điện ảnh & nghệ sĩ.  Những người bạn chí cốt của Quang Đạt còn đùa vui: Bộ sưu tập của anh  là “kho tàng Alibaba”.

Nghệ sĩ Quang Đạt và chiếc Vespa gắn ảnh những người ủng hộ tiền xây nhà trưng bày 

Nghệ sĩ Quang Đạt và chiếc Vespa gắn ảnh những người ủng hộ tiền xây nhà trưng bày

Đến tham quan “kho tàng Alibaba” của Quang Đạt ở Nhà trưng bày, lưu niệm kỷ vật điện ảnh & nghệ sĩ, chúng ta không thể không thán phục công phu và tài thuyết phục của Quang Đạt để “xin" các kỷ vật. Bảng liệt kê hiện anh có như sau:

- 1.000 ảnh màu, đen trắng đủ kích cỡ về điện ảnh Khu 8 do cố đạo diễn Khương Mễ, cố quay phim Nguyễn Thế Đoàn lúc còn sinh thời trao gửi.

- 1 chiếc áo đính 60 huân, huy chương “Vì sự nghiệp điện ảnh - văn học nghệ thuật” của nhiều nhà làm phim, diễn viên, biên kịch, biên tập.

- 30 máy chụp ảnh, 20 máy quay và chiếu phim do các nhà làm phim tiên phong của VN khắp Bắc chí Nam sử dụng trải 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

- 5 cây đàn guitar của 5 nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng: Trịnh Công Sơn, Châu Kỳ, Nguyễn Cường, Ngọc Sơn (cao tuổi) và Chế Linh.

- 120 chiếc giày của nam, nữ nghệ sĩ điện ảnh, văn nghệ sĩ với chủ đề: “Những bước chân thời gian của nghệ thuật”.

- 101 con dao đủ kích cỡ do thợ rèn chế tạo dành cho các diễn viên biểu diễn khi tham gia đóng phim.

Quang Đạt

• Sinh năm 1959
• Quê quán: Hải Châu, Đà Nẵng
• Vào Sài Gòn từ năm 1972
• Gia đình: 1 vợ 2 con
• Ngành nghề: Diễn viên, họa sĩ, võ sư
• Yêu thích sưu tầm kỷ vật
• Yêu hoa hướng dương
• Ăn các món Quảng
• Tâm niệm: Cứ khiêm tốn, chân thật, người không phụ, trời không phụ.

Cạnh đó Quang Đạt cũng khoe thêm những kỷ vật liên quan đến nghệ thuật, võ thuật mà anh may mắn "được làm chủ" trên đường rong ruổi hành nghề hoặc các chuyến đi làm từ thiện và đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, đó là:

- 99 tranh đủ thể loại, trường phái của các họa sĩ trong và ngoài nước.

- 1 cây bút khổng lồ cao 160 cm, đường kính to nhất 40 cm, nặng 15 kg, đã thu thập được 99 chữ ký của văn nghệ sĩ, doanh nhân và các nhà làm từ thiện xã hội.

- 9 nón bảo hiểm có gần 500 chữ ký của cán bộ, chiến sĩ CSGT khắp nước thu thập được trong chuyến đi xuyên Việt ủng hộ chương trình “Vì tuổi thơ VN”.

-1 xe máy Vespa thu thập trên 400 chữ ký của nghệ sĩ, doanh nhân, trong đó có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi đến dự tang lễ NSND Phạm Khắc năm 2008. Chiếc xe máy này chúng tôi đã nói ở trên.

Cuối cùng, Quang Đạt cũng đang thực hiện một bộ sưu tập “Chân dung các nhà hảo tâm góp tấm lòng vàng” để xây dựng Nhà trưng bày kỷ vật lưu niệm điện ảnh & nghệ sĩ, bằng cách in ảnh các nhà hảo tâm trên một xe máy Vespa, sau đó đem bán đấu giá gây quỹ hỗ trợ các nghệ sĩ già, nghèo, neo đơn.

Như con ong miệt mài tìm hoa, ủ mật, anh rong ruổi khắp nơi, nhiều lần phải xa rời mái ấm gia đình, quên vợ, bỏ hai con trẻ chỉ vì duy nhất một thú đam mê: Sưu tầm kỷ vật lưu niệm của nghệ sĩ để làm giàu thêm nhà trưng bày. Thậm chí có những ngày tháng anh không đặt chân về gia đình dù cô vợ khóc ròng qua điện thoại. Có khi hai ba ngày mà cạn túi thì bạn bè hiểu ra dúi cho ít tiền, vậy là anh lại đi tiếp hành trình sưu tầm.

Với anh, cái "tính nết" của  tuổi thơ  là mê phim ảnh, yêu nghệ sĩ hơn cả bản thân mình vẫn luôn sống dậy trào sôi trong máu. Quang Đạt không sợ dư luận đồn đoán, dị nghị anh mà chỉ sợ mình nhụt chí, ốm đau giữa đường làm đổ vỡ tâm nguyện.

Khi chia tay người nghệ sĩ "kỳ dị" này đã ứng khẩu ngâm nga 4 câu thơ của cụ Khánh Cao (thân phụ NSND Trà Giang) ghi vào sổ lưu niệm dịp trao tặng kỷ vật cá nhân cho nhà trưng bày:

Sống không treo. Sống không đeo.
Chết không mang theo,
Chết trao tặng Quang Đạt.

Nguyên Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.