“Chết xanh”

25/01/2010 10:40 GMT+7

(TNTT>) Lo ngại rằng cái chết của mình có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng nóng lên toàn cầu trong lúc bạn là người tuân thủ chặt chẽ các quy định để tránh làm hại đến môi trường khi còn sống? Đừng để cái chết thay đổi con người bạn.

Khái niệm “chết xanh” đã thổi một luồng hơi mới vào ngành chăm sóc cho những người về bên kia thế giới, khi người ra đi quyết định không để cái chết của mình làm hại thêm môi trường cho những người đang sống. Từ các quan tài làm bằng giấy cạc-tông tái chế đến việc từ chối được tẩm liệm bằng những hóa chất có thể bị lưu trữ dài hạn dưới lòng đất, ngày càng có nhiều người tìm kiếm đủ cách an nghỉ cuối cùng theo kiểu càng có ích cho môi trường càng tốt.

Khi người chết lo cho người sống

Việc hỏa táng thường ngốn quá nhiều năng lượng, dưới hình thức khí đốt tự nhiên và điện, cũng như tốn tiền xăng dầu vận chuyển. Phương thức này hiện rất được thịnh hành ở Việt Nam do đất đai xây mộ ngày càng hiếm đi, và theo đó, khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng theo đó mà tăng dần.

 
Quan tài “xanh” - Ảnh: Nativewoodland.eu

Một số công ty tại Mỹ và Canada đã đưa ra phương pháp thủy phân kiềm, một tiến trình phân hủy xác bằng hóa chất, được cho là sử dụng chỉ bằng 1/10 khí đốt so với hỏa táng truyền thống và giảm lượng điện tiêu thụ còn 1/3. Chưa hết, lượng khí thải CO2 được cắt giảm đến gần 90% trong khi thủy ngân không bị thoát khỏi các lỗ răng sâu, còn các kim loại khác như là các khớp hông hoặc đầu gối sẽ được thu về nguyên vẹn để tái chế. Phương pháp này không mới, nhưng chỉ được sử dụng để phân hủy động vật trong phòng thí nghiệm và tử thi phục vụ cho nghiên cứu y khoa tại một vài viện khoa học. Với phương pháp thủy phân kiềm, xác sẽ được để chìm trong bồn làm bằng thép không gỉ. Nhiệt độ, áp suất và potassium hydroxide, hóa chất công nghiệp dùng để sản xuất xà phòng và chất tẩy, được bỏ vào bồn để phân hủy mô cơ thể. Hai giờ sau, tất cả chỉ còn lại một vài mảnh xương và chất lỏng màu nâu. Xương có thể được nghiền nát và trả về cho gia đình như trong trường hợp hỏa táng. Tất nhiên, đây là phương án chỉ dành cho những ai “bạo gan” và không ngần ngại thử cái mới.

Lãng mạn và thân thiện với môi trường

Có những cách mai táng khác lãng mạn hơn nhiều mà không thua kém phần xanh và sạch. Công ty Eternal Reefs tại Georgia cung cấp dịch vụ xây những mảng đá ngầm dưới biển bằng tro người chết kết hợp với loại xi măng thân thiện với môi trường. Những dãy đá ngầm này sẽ cung cấp nơi ở mới cho các loài sinh vật biển, một lựa chọn hoàn hảo cho những người yêu đại dương. Đá ngầm thường kéo dài được đến 500 năm, và hiện có hơn 300 người tại Mỹ hòa mình vào lòng đại dương theo phương pháp trên.

Những người thích an nghỉ theo kiểu truyền thống có thể chọn những cỗ quan tài 100% làm từ chất liệu thân thiện với môi trường mà kiểu dáng thì hoàn toàn khỏi chê. Với quan tài làm từ giấy cạc-tông kiểu tổ ong tái chế, các công ty cung cấp cam đoan chúng sẽ thải ít khí thải trong quá trình hỏa táng đến 72% so với quan tài thông thường.

Từ quan niệm “chết xanh”, đối với một số người, cái chết trở nên nhẹ nhàng và đỡ u ám hơn.

Thông tin thêm:

Để xây mộ dạng kim tĩnh như ở Việt Nam, mỗi năm Mỹ đã chôn 1,6 triệu tấn bê tông chịu lực, 827.060 tấn hóa chất ướp xác độc hại, 90.000 tấn thép và 30 tấn gỗ cứng, theo Hội đồng Chết xanh, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Santa Fe, bang New Mexico. Tổ chức này ước tính, số kim loại trên đủ để xây cây cầu nổi tiếng Golden Gate, và số bê tông đủ để xây xa lộ 2 làn xe từ New York đến Detroit.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.