Gặp cô dâu Việt hết mình vì đời sống người nhập cư Việt tại Đài Loan

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
25/04/2019 11:21 GMT+7

Từ khi nhận chức Chủ tịch Ủy ban các vấn đề về người nhập cư tại Đài Loan đến nay, cô dâu Việt Trần Thị Hoàng Phượng đã tham gia nhiều hoạt động tích cực cho cộng đồng người nhập cư Việt tại Đài Loan.

Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với chị Trần Thị Hoàng Phượng.

Nhiều trẻ là con lai gốc Việt tự hào hơn về nguồn gốc

* Chị từng nói khi mới nhận chức vụ trên rằng, chị mong muốn thay đổi cái nhìn về người nhập cư. Vậy trong 2 năm qua với những nỗ lực của bản thân và của Ủy ban, theo chị, cái nhìn về người nhập cư nói chung và về người nhập cư Việt nói riêng đã thay đổi như thế nào?
- Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Đài Loan là nơi có tỷ lệ dân trí cao, những năm qua cùng với các chính sách cởi mở cũng như sự tích cực hòa nhập vào xã hội của người nhập cư, người dân Đài Loan bắt đầu tiếp nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau.
Ví dụ tại các ga xe ở các thành phố lớn có phát thanh thông báo bằng các thứ tiếng Đông Nam Á, có nơi để cho người nhập cư đạo Hồi làm lễ chay tế... người dân địa phương tích cực tham gia vào các Lễ hội Đông Nam Á do các đơn vị chính phủ tổ chức cũng nhiều hơn.
Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Luôn nỗ lực đấu tranh vì đời sống người nhập cư Việt tại Đài Loan1
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (áo đen, ở giữa) cùng các cô dâu Việt trong một hoạt động của Ủy ban về các vấn đề người nhập cư tại Đài Loan
*Việc 152 khách du lịch Việt mất tích tại Đài Loan hồi cuối năm 2018 có ảnh hưởng gì đến cái nhìn về người nhập cư Việt tại Đài Loan hay không? Theo chị, người nhập cư Việt tại Đài Loan nên làm gì để luôn giữ được cái nhìn tích cực từ xã hội và giữ vững vị thế của mình?
- Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Tôi cho rằng đây là một vụ việc rất đáng buồn, vì ít nhiều nó cũng ảnh hưởng xấu cho người nhập cư tại đây. Chúng tôi mong các anh chị em đang sinh sống tại đây hiểu rõ việc cưu mang cho những người nhập cư bất hợp pháp là một điều trái pháp luật, họ không được đảm bảo về cuộc sống cũng như sự an toàn về tính mạng nếu phải sống lưu vong và sống ngoài vòng pháp luật. Cho nên tuân thủ pháp luật không chỉ là một trách nhiệm mà cũng là một cách để bảo vệ mình và người xung quanh.
*Được biết, Đài Loan hiện nay với chính sách “hướng Nam mới” cùng chủ trương phát triển đa văn hóa, cùng nhiều chính sách phát triển dài hạn trong việc giảng dạy ngôn ngữ của người nhập cư (trong đó có tiếng Việt) vào hệ thống giảng dạy từ trường tiểu học. Việc này tác động ra sao vào thế hệ con lai gốc Việt?
- Chị Trần Thị Hoàng Phượng:  Theo tôi, việc giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho trẻ em Việt Nam thế hệ hai là một chính sách có tầm nhìn xa.
Quan hệ giữa Đài Loan và các nước Đông Nam Á ngày càng trở nên mật thiết, thêm vào đó các nhà lãnh đạo Đài Loan đã nhìn nhận và đánh giá cao vai trò và ưu thế của trẻ em thế hệ hai trong các gia đình đa văn hóa đối với sự phát triển kinh tế cũng như ngoại giao của Đài Loan. Điều này khiến cho rất nhiều trẻ em thế hệ con lai gốc Việt bắt đầu tự hào hơn về nguồn gốc của mình và lấy việc học giỏi tiếng mẹ đẻ là mục tiêu hàng đầu trước khi rời khỏi ghế nhà trường.
Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Luôn nỗ lực đấu tranh vì đời sống người nhập cư Việt tại Đài Loan2
Chị Trần Thị Hoàng Phượng (giữa) chia vui cùng các sinh viên Đài Loan học tiếng Việt trong lễ tốt nghiệp

Sinh viên Đài Loan học tiếng Việt ngày càng tăng

*Số lượng người Đài Loan học tiếng Việt trong 2 năm qua có gia tăng không?
- Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Sinh viên theo học tiếng Việt tại các trường đại học trong mấy năm qua cũng dần dần tăng cao. Cụ thể, năm học 2017, sinh viên theo học tiếng Việt tại Viện ngôn ngữ trường Đại học quốc gia Chengchi đã có hơn 150; năm 2018 có hơn 200 sinh viên. Đa phần các sinh viên đều mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ được vào làm việc trong các cơ quan chính phủ hoặc được phái đến làm việc trong các công ty Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam.
*Theo chị , người nhập cư Việt cần trang bị thêm những kiến thức gì nữa để có thể tự tin hòa nhập và có địa vị xã hội vững chắc tại Đài Loan?
- Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Tôi nghĩ khả năng ngôn ngữ yếu kém vẫn là rào cản lớn nhất đối với người nhập cư tại đây. Vì rào cản ngôn ngữ nên họ sẽ bị hạn chế trong việc xin vào làm trong những nơi có phúc lợi xã hội cao. Vì vậy dù bất cứ thời điểm nào, tôi nghĩ người nhập cư vẫn phải bổ sung kiến thức về ngôn ngữ của nước sở tại để tạo cho mình nhiều cơ hội cạnh tranh hơn.
Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Luôn nỗ lực đấu tranh vì đời sống người nhập cư Việt tại Đài Loan3
Người nhập cư Việt trong cuộc thi Ngôi sao Việt tại Đài Loan
Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Luôn nỗ lực đấu tranh vì đời sống người nhập cư Việt tại Đài Loan4
Giáo trình dạy tiếng Việt tại Đài Loan
Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Luôn nỗ lực đấu tranh vì đời sống người nhập cư Việt tại Đài Loan5
Chị Trần Thị Hoàng Phượng đang ghi hình chương trình dạy tiếng Việt để phát sóng trên đài truyền hình Đài Loan NHÂN VẬT CUNG CẤP
*Từ sau khi nhận công việc Chủ tịch Ủy ban các vấn đề về người nhập cư Đài Loan, chị có còn thời gian tiếp tục giảng dạy tiếng Việt, tiếng Trung và làm người dẫn chương trình truyền hình?
- Chị Trần Thị Hoàng Phượng: Tôi cho rằng việc mình đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban người nhập cư Đài Loan cũng như là trách nhiệm của một công dân mà thôi. Công việc chủ yếu của tôi vẫn là đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đến với thế hệ trẻ Đài Loan để họ có cơ hội hiểu thêm về con người và văn hóa Việt Nam trên đất Đài.
Chương trình truyền hình mà tôi làm gần đây nhất là chương trình hỗ trợ bộ sách giáo khoa giảng dạy tiếng Việt dành cho trẻ em do Bộ Giáo dục xuất bản.
*Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Ủy ban các vấn đề về người nhập cư tại Đài Loan thành lập từ tháng 2.2017. Cứ mỗi 3 tháng, Ủy ban họp và thảo luận những vấn đề về chính sách chăm sóc người nhập cư do các ủy viên kiến nghị và đồng thời cũng phối hợp với 42 vị Ủy viên Viện lập pháp thuộc Đảng Dân Tiến để đưa ra các giải pháp cải đổi chính sách sao cho phù hợp với nhu cầu và cuộc sống hiện tại của người nhập cư.
Theo Chủ tịch Ủy ban này, chị Trần Thị Hoàng Phượng, ủy ban vẫn đang tiếp tục để thu thập ý kiến và kiến nghị với Đảng để đưa ra những chính sách chăm sóc người nhập cư tốt hơn.
Ủy ban các vấn đề về người nhập cư tại Đài Loan đã thúc đẩy tăng mức phí thông dịch và đảm bảo quyền lợi cơ bản dành cho người nhập cư làm công tác hỗ trợ phiên dịch cho các cơ quan chính phủ.; Kiến nghị với chính phủ những chính sách quan tâm sâu về vấn đề giảng dạy ngôn ngữ Đông Nam Á ở các trường tiểu học cũng như những biện pháp cụ thể về đào tạo chuyên môn, mức lương cho giáo viên tiếng Việt; đã đề nghị và được thông qua chính sách trợ cấp chăm sóc y tế dành cho người nhập cư chưa lấy quốc tịch ở vùng sâu đảo xa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.