Gà trống nuôi con

18/11/2012 11:50 GMT+7

Ai cũng muốn có một gia đình trọn vẹn, đầy đủ nhưng nhiều người phải làm cha đơn thân.

Thấy cảnh 2 cha con anh Vũ, phóng viên một tờ báo tại TPHCM, cùng nhau đi học, đi chơi rồi đi chợ, nấu ăn, nhiều người không khỏi ái ngại. “Từ trước đến nay, chuyện gì cũng mẹ cháu lo. Mẹ cháu ra đi đột ngột, tôi cũng suy sụp nhưng phải cố gắng vì con gái”- anh Vũ tâm sự.

Vừa làm cha vừa làm mẹ

Sau cái chết của vợ, mọi thứ trong gia đình anh Vũ đảo lộn. Ngày đầu tiên gọi con gái dậy đi học, bé nằm uốn éo trên giường và nói: “Con chờ mẹ gọi”. Mỗi lần nghe nhắc đến vợ, anh lại muốn khóc nhưng phải kìm lại, dịu dàng với con: “Mẹ ở trên trời biết con không ngoan thì không vui đâu”. Nghe thế, con bé mới chịu đánh răng, rửa mặt rồi thay đồ đi học.

Từ ngày trở thành gà trống nuôi con, anh phải tất tả xuôi ngược vừa lo kinh tế vừa chăm sóc con gái. Những việc như đi chợ, nấu ăn, đưa đón con đi học..., trước đây vợ làm nay mình anh phải cáng đáng. Có hôm đang phỏng vấn, nhìn đồng hồ thấy đến giờ đón con, sợ cô bé tủi thân, anh phải xin dời cuộc hẹn lại. Anh kể: “May mà nghe hoàn cảnh của tôi, người ta cũng cảm thông, chứ không thì tôi cũng không biết xoay xở thế nào”.

Trong khi đó, anh Huấn, giảng viên trường đại học L. ở TPHCM, lại “đơn thân nuôi con” do một nguyên nhân khác. Chị Linh, vợ anh, nhận học bổng đi học nước ngoài khi con trai họ mới hơn 1 tuổi. Những ngày đầu, Linh còn siêng năng điện thoại, email về hỏi thăm 2 cha con nhưng sau đó thì thưa dần vì “bận học”. Rồi một người bạn ở bên đó báo tin vợ anh thân thiết với một người đàn ông ngoại quốc. Khi anh hỏi, Linh cũng thừa nhận mình phải lòng người đàn ông ấy và sẽ không trở về nữa.

“Chăm con nhỏ vất vả trăm bề nhưng trước đây tôi còn hy vọng là cố gắng một thời gian thì vợ về, giờ thì chẳng còn gì hy vọng nữa” - anh Huấn buồn bã nói. Anh kể những đêm con bệnh, anh thức suốt đêm địu con trên vai đi khắp nhà. Rồi những ngày con mọc răng, đi tước, anh phải vệ sinh, giặt giũ mệt phờ cả người nhưng không biết chia sẻ cùng ai...

Hy sinh cho con

Trong lần gặp tôi mới đây, anh Lâm, kế toán công ty A.P (quận 8 - TPHCM), tâm sự: “Suốt một thời gian dài, tôi không biết cà phê, nhậu nhẹt là gì vì làm việc ở cơ quan xong là tranh thủ về nhà tắm rửa cho 2 đứa nhỏ rồi cho đứa  lớn học, đứa nhỏ ăn. Nhiều lúc tôi tưởng mình không đủ sức để làm nhiều việc đến như vậy”. Vợ ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông, cô con gái lớn của anh Lâm  mới 6 tuổi còn cậu con trai nhỏ vừa tròn 2 tuổi. Thấy hoàn cảnh của Lâm, nhiều đồng nghiệp giới thiệu cho người này, người nọ nhưng anh đều từ chối: “Người ta còn son lấy mình đã 2 con thì thiệt thòi quá. Chưa kể, không biết người ta có thương con mình không?”.

Đến hẻm 962 Quốc lộ 13, quận Thủ Đức - TPHCM, hỏi ông Mến thì ai cũng biết. Ông được mọi người đặt cho danh hiệu “người cha tuyệt vời” vì một mình nuôi bầy con 5 người hơn 30 năm qua. Vợ mất, để có tiền nuôi đàn con, ông đã làm đủ nghề, từ chạy xe ôm đến bốc vác rồi bỏ báo dạo. Ai kêu việc gì ông cũng làm không nề hà vất vả, khó khăn. Thấy hoàn cảnh ông, một người bà con làm nghề bỏ mối quần áo cho các chợ lẻ rủ làm cùng. Nhờ nghề này mà 5 người con ông được học hành đàng hoàng, kinh tế gia đình cũng khấm khá. Ông hồ hởi: “Tôi đã gả chồng cho 3 đứa con gái và cưới vợ cho một thằng con trai. Giờ chỉ còn cưới vợ cho thằng út nữa là khỏe rồi”.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, giám đốc trung tâm Hồn Việt:

Chú ý tâm lý con

Làm mẹ đơn thân đã khó, làm cha đơn thân khó hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, chính tình yêu thương con sẽ giúp các người cha đơn thân vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Thương con thiệt thòi, những người cha đơn thân hay có tâm lý bù đắp, chiều chuộng làm cho trẻ có xu hướng bướng bỉnh, ngổ ngáo. Vì thế, các người cha đơn thân phải chú ý uốn nắn tâm lý của trẻ ngay từ bé.

Theo Hồng Đào \ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.