Ga Metro Nhà hát TP: Hối hả những ngày dịch Covid-19, chờ niềm vui xong công trình

27/04/2020 12:22 GMT+7

Ở một góc nhỏ gần Nhà hát Thành phố, những công nhân vẫn miệt mài làm việc để hoàn thành công trình: Tuyến metro số 1 ga Nhà hát Thành phố thi công hối hả để kịp cho người dân TP.HCM tới tham quan.

Sài Gòn ban ngày nóng đổ lửa, chiều đến lại chuyển mưa, những công nhân làm việc tại nhà ga Metro ở Nhà hát Thành phố cũng vì thế mà lo lắng theo. Làm việc hối hả ngày đêm, xuyên mùa dịch bệnh Covid-19, xa gia đình… mỗi công nhân đều có một cảm xúc khi được hết mình với công trường đặc biệt.

Cận cảnh bên trong ga metro số 1 dưới lòng đất gần Nhà hát thành phố

Làm việc xuyên mùa dịch

Trong khoảng thời gian cả thành phố cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19, các kỹ sư và công nhân làm việc tại công trường metro số 1 ga Nhà hát Thành phố vẫn miệt mài dưới các hầm để kịp hoàn thành tiến độ công trình.
Khi chúng tôi đến, các công nhân vẫn chăm chú lau dọn, sơn quét công trình. Một số tranh thủ nghỉ mệt, ngắm nhìn thành phố đông đúc, vui vẻ hơn so với những ngày Sài Gòn vắng lặng vì cách ly xã hội để phòng dịch bệnh trước đây.

Những công nhân gấp rút làm khi trời sắp mưa.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Với nhiều công việc và khung giờ khác nhau, công việc của đội ngũ xây dựng bắt đầu từ 7 - 17 giờ. Bữa trưa đơn giản được các công nhân nấu mang theo vì mùa dịch chạy xe lòng vòng trung tâm kiếm chỗ bán cơm cũng khó.
Nhiều công nhân chia sẻ, việc đi theo các công trình từ Bắc tới Nam là điều quen thuộc, nhưng làm một công trình dấu ấn ngay trung tâm thành phố là điều đầu tiên và có thể là duy nhất trong cuộc đời. Vì thế, dù dịch Covid-19 kéo dài họ vẫn miệt mài chăm chỉ, mang nhiều nỗi sợ nhưng vẫn ra công trường với tâm thế bảo đảm an toàn, cùng nhau giãn cách.
Anh Văn Sáng (42 tuổi, ngụ Bình Dương) là công nhân tại ga Nhà hát Thành phố tâm sự: “Tôi làm ở đây 4 tháng nay vẫn vậy, khi nắng nôi, khi mưa ẩm hay cả dịch thì vẫn làm. Dù lo lắng, nhưng vì công việc công việc chung và kinh tế gia đình nên tôi phải đi làm. Làm ở đây, tôi bảo vệ bằng 2 lớp che, 1 lớp khẩu trang và 1 lớp mặt nạ che. Đôi khi nóng quá, ngộp quá vì khẩu trang bị ướt mồ hôi thì tôi mở ra thở rồi lại đeo vào làm”.

Dù cần tốc độ nhanh để hoàn thành công trình kịp tiến độ nhưng công nhân vẫn luôn tỉ mỉ sơn từng ngóc ngách trong công trình

Ảnh: Trần Kim Anh

Đời công nhân đã khó khăn lại đủ thứ tiền cần chi, từ tiền trọ, tiền ăn, tiền sữa cho con nhỏ… Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến lao động ngày dịch với công nhân ở đây không còn là nỗi sợ lớn nhất.
Chị M.B rưng rưng nghĩ về đứa con nhỏ ở nhà, chị thuê căn trọ tại quận 7 (TP.HCM) ở cùng gia đình, hằng ngày qua quận 1 để làm công trình. “Gia đình khó khăn lại có con rất nhỏ, rất lo lắng nhưng vẫn đi để kiếm tiền chứ biết sao giờ. Xuyên mùa dịch, tôi đi làm phải đeo khẩu trang, không thì không ai cho vào, ở đây có cả nước rửa tay nữa nên cảm thấy an tâm phần nào”, chị B. tâm sự.

Các công nhân đang lau những vết bẩn bám trên tường phía trong nhà ga

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Không chỉ đội nắng, đội mưa những công nhân ở đây còn phải làm việc ở dưới những tầng hầm thiếu không khí và ánh sáng mặt trời. Anh P.D. (30 tuổi, ngụ Hà Nội) phải dành nhiều tiếng đồng hồ trong ngày để làm việc dưới hầm.

Những vết bẩn được lau chùi rất kỹ lưỡng.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Môi trường dưới tầng hầm thì không thể như trên mặt đất được, bụi bặm không tản ra như ở trên đây mà vì không có nhiều khoảng hở nên dù đã bố trí quạt thông gió, nhưng tầng hầm nơi chúng tôi làm việc vẫn còn bí, tối hay đùa với anh em, làm khi nào thấy ngộp thở quá thì chạy lên mặt đất hít thở rồi xuống lại”, anh kể lại.

Một số hình ảnh phía dưới hầm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Mừng quá, sắp hoàn thành rồi”

Dự án tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) là công trình rất được người dân thành phố mong đợi nên việc đúng tiến độ với các công nhân ở đây vừa là áp lực nhưng cũng là niềm vui và tự hào.
Nhà ở Bình Dương, công việc lại bắt đầu từ 7 giờ nên anh Sáng dậy sớm hơn để đi xe máy thật sớm lên công trình để đảm bảo tiến độ chung của công việc.

Anh Sáng dậy sớm hơn để đến công trình đúng giờ tránh ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Ảnh: Trần Kim Anh

Anh D. chia sẻ công trình nào cũng có vất vả riêng nhưng đây là công trình lớn, tiến độ yêu cầu nghiêm ngặt nên anh luôn cố gắng đôn đốc công nhân thực thi để kịp thời gian.
“Công nhân ở đây chia nhau làm theo ca, có khi thì làm 24/24. Thời gian gần đây, buổi sáng sẽ tập trung công nhân họp và ghi mốc còn 30 ngày nữa nên mỗi ngày cần làm gì thì hôm ấy phải làm cho xong mới được về. Cấp trên đã vạch ra và phải đạt thì mới về, khi nào đã cố hết sức mà chưa hoàn thành được thì hôm sau cố gắng để lấy lại tiến độ. Mỗi ngày mình đều phải nhìn xem có gì cần tháo gỡ để công việc được trơn tru”, anh nói.

Sau 17 giờ, công nhân bắt đầu kết thúc một ngày làm việc và trở về nhà.

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

 

Một số người ở lại và về muộn hơn.

Ảnh: Trần Kim Anh

“Thấy báo chí viết nhiều, người dân quan tâm công trình metro số 1 này và tôi cũng có một phần đóng góp trong đó cảm thấy vui lắm. Đây là công trình nối bật của thành phố, nếu sau này đưa gia đình đi vào đây tham quan chắc phải rất xúc động khi khoe với con cái là mình đã từng làm việc ở đây”, anh P.D. bộc bạch.

Ngày 24.4, toàn bộ rào chắn của dự án tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) ga Nhà hát Thành phố (Q.1, TP.HCM) đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ đã được tháo dỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.