'Em bé Napalm' bị cho ảnh khỏa thân: Facebook giải thích, báo giới giận dữ

09/09/2016 15:26 GMT+7

** Ông Nick Út phản hồi Báo Thanh Niên Đại diện Facebook đã trả lời trên một tờ báo của Anh lý do liệt bức ảnh “Em bé Napalm” vào danh sách ảnh khỏa thân.

Tờ The Guardian của Anh ngày 9.9 đăng tải về câu chuyện bức ảnh “Em bé Napalm” bị Facebook liệt vào ảnh khỏa thân khiến báo giới Na Uy phẫn nộ.
Theo tờ The Guardian, khi tờ này hỏi về việc gỡ bỏ bức ảnh “em bé Napalm” khỏi Facebook, một phát ngôn viên của Facebook trả lời rằng: “Trong khi chúng ta nhận thấy bức ảnh này là mang tính biểu tượng, nhưng muốn tạo được sự phân biệt cho phép bức ảnh này hay gỡ bỏ bức ảnh trẻ em khỏa thân trong các trường hợp khác là rất khó”.
Phát ngôn viên của Facebook nói thêm rằng: “Chúng tôi cố gắng vừa có thể cho phép mọi người bày tỏ mọi thứ lại vừa đảm bảo cho cộng đồng xã hội được an toàn và tôn trọng. Cách giải quyết của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng cải thiện quy định của mình và cách thức chúng tôi áp dụng các quy định”.
Ông Nick Út, tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm”, trả lời qua email với Báo Thanh Niên rằng ông vừa nhận được thông tin bức ảnh “Em bé Napalm” bị Facebook gỡ bỏ vì vi phạm quy định về ảnh khỏa thân vào hôm nay.
Ông Nick Út nói thêm rằng, do đang bận công tác ở Thượng Hải, Trung Quốc, nên liên quan đến vụ việc này, ông sẽ thông tin cho Báo Thanh Niên ngay khi ông quay về lại Mỹ.
Báo Na Uy buộc tội Mark Zuckerberg lạm quyền
Ngày hôm qua, ngày 8.9, tờ báo lớn nhất ở Na Uy là Aftenposten đã cho đăng tải lá thư của Trưởng ban Biên tập, Giám đốc điều hành, ông Espen Egil Hansen, gởi đến cho Mark Zuckerberg ngay ở trang nhất tờ báo, để nói về việc kiểm duyệt của Facebook đối với bức ảnh “Em bé NaPalm” và kêu gọi Mark Zuckerberg sớm nhận ra sự việc.
Trong bức thư của mình, ông Hansen buộc tội ông chủ Facebook về việc lạm quyền một cách thiếu suy nghĩ đối với mạng truyền thông xã hội Facebook.
Vụ việc tranh cãi liên quan đến bức ảnh “Em bé Napalm” bắt đầu cách đây vài tuần khi nhà báo người Na Uy Tom Egeland đăng các bức ảnh về chiến tranh gây ảnh hưởng với thế giới. Và một trong các bức ảnh đó là tấm “Em bé Napalm”, một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nick Út đã từng đạt giải Pulitzer.
Egeland sau đó đã bị đình chỉ sử dụng Facebook. Sau đó, tờ Aftenposten dùng bức ảnh đó và viết về việc này trong một bài báo. Bài báo này lại được chia sẻ trên trang Facebook chính thức của tờ báo này. Nhưng sau đó Facebook gởi thư yêu cầu xóa hoặc chỉnh sửa lại bức ảnh.
Thông tin từ Facebook mà tờ báo này nhận được có nội dung: “Bất kỳ bức ảnh nào phô bày hết bộ phận sinh dục, hay mông, hay ngực của phụ nữ, sẽ bị gỡ bỏ”.
Nhưng trước khi tờ báo này có phản ứng gì thì ông Hansen cho biết Facebook đã xóa bài báo lẫn bức ảnh được chia sẻ trên trang Facebook chính thức của tờ báo này.
Trong bức thư của mình, ông Hansen chỉ ra rằng quyết định gỡ bỏ bức ảnh này của Facebook cho thấy năng lực của bộ phận thẩm định ảnh có vấn đề khi “không phân biệt được giữa ảnh khiêu dâm trẻ em và những bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh”.
Phát biểu tại Roma vào tháng trước, Mark Zuckerburg trả lời một câu hỏi về vai trò là ông chủ của Facebook đối với truyền thông tin tức và để tránh né trách nhiệm biên tập của mình.
Mark nói: “Chúng tôi là công ty về công nghệ chứ không phải công ty truyền thông. Thế giới cần các công ty tin tức nhưng cũng cần có công nghệ hỗ trợ, giống như cách chúng tôi đang làm, và chúng tôi thật sự nghiêm túc khi đảm nhận vai trò của mình”.
Bức ảnh “Em bé Napalm” của phóng viên ảnh Nick Út
Ngày 8.6.1972, phóng viên Nick Út đã kịp ghi lại bức ảnh Em bé napalm làm nhức nhối lịch sử chiến tranh. Bức ảnh nhanh chóng lan ra toàn thế giới ngay sau khi vừa được đăng tải, sau đó tạo nên làn sóng phản đối trên toàn thế giới về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Bức ảnh đưa ông đến giải thưởng Pulitzer năm 1973 và nhiều giải thưởng danh giá khác. Nạn nhân của bom napalm trong ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc ngày ấy giờ trở thành một nhân chứng sống, đanh thép nhất về cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam do Mỹ gây ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.