È cổ trả lãi vay tín chấp

18/09/2014 09:16 GMT+7

Mức lãi suất vay tín chấp cao chót vót 3,75%/tháng, 45%/năm của một số tổ chức tài chính đang áp dụng khá phổ biến hiện nay khiến khách hàng đang phải oằn lưng trả nợ.

 È cổ trả lãi vay tín chấp
Lãi vay tín chấp còn quá cao - Ảnh: Ngọc Thắng

Phản ánh với Thanh Niên, một khách hàng tại Hà Nội cho biết, vợ chồng ông gia cảnh khó khăn, muốn vay ngân hàng 30 triệu đồng để thuê mướn mặt bằng mở quán hàng ven đường kiếm sống qua ngày. Qua giới thiệu, ông gặp nhân viên giao dịch của một ngân hàng thương mại và được đưa sẵn một bộ hồ sơ cho vay với thời hạn 36 tháng, lãi suất được cam kết ở mức hấp dẫn và phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.

Một tuần sau, ông nhận được hợp đồng vay trị  giá 31,5 triệu đồng, tuy nhiên chưa kịp vui mừng thì ngân hàng (NH) cũng thông báo một lịch trả nợ kèm lãi khá sốc. Cụ thể, theo thông báo này, vợ chồng ông chỉ nhận được số tiền thực tế 30 triệu đồng, do phải trả 5% tổng giá trị vay cho khoản gọi là bảo hiểm tiền gửi khi gặp rủi ro. Để được vay số tiền trên, mỗi tháng hai vợ chồng phải trả cả gốc lẫn lãi là 1,609 triệu đồng, trong đó, lãi suất 3,7%/tháng, tương đương 45%/năm.

“Bản thân những người lao động đã khó khăn mới đi tìm vay nguồn vốn NH, nay phải trả lãi suất 45%/năm thì đến bao giờ cuộc sống của những người như chúng tôi mới thoát nghèo nổi”, khách hàng này chua xót.

Nếu lãi suất cho vay hiện tại đối với các khoản vay thông thường chỉ dao động khoảng 8-11%/năm, thì mức lãi suất mà nhân viên của Công ty tài chính Prudential thông báo khoảng từ 1,8%/tháng (tương đương 21,6%/năm). Tuy nhiên, đó mới chỉ là thông báo, còn thực tế khi vay, khách hàng còn phải trả thêm vô vàn các loại phí, từ phí kiểm đếm, phí bảo hiểm, phí tư vấn dịch vụ…, với tổng cộng lãi, phí cũng lên tới 30 - 32%/năm. Mặc dù vậy, đây vẫn chưa phải là mức lãi vay cao nhất trên thị trường hiện nay. Đơn cử, tại VP Bank, có thời điểm khách hàng phải vay với lãi suất lên tới hơn 40%/năm, là mức cao nhất trên toàn hệ thống ngân hàng thời điểm này.

Tại một số ngân hàng khác, mức lãi suất cho vay tín chấp được thông báo rất thấp, như MB (Ngân hàng TMCP Quân đội) chỉ 13%/năm. Nhưng theo nhân viên của ngân hàng này, gói tín chấp chỉ dành cho những khách hàng “đặc trưng” của MB, như khách hàng thân thiết, lịch sử tín dụng cực kỳ tốt, trả lương qua thẻ và ngân hàng đã nắm được gần như 100% khả năng trả nợ của khách hàng. Trong khi đó, chính sách cho vay tín chấp của Techcombank có mức lãi suất dao động từ 24,5% - 31%/năm, hạn mức và lãi cụ thể dựa vào tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng. Ngân hàng Á Châu (ACB) lãi suất mềm hơn, khoảng hơn 20%/năm.

Nhận xét về mức lãi suất kèm phí vay kể trên, Giám đốc Trường đào nhân lực của ngân hàng BIDV, TS. Cấn Văn Lực, khẳng định: “Không một tổ chức tài chính, tín dụng nào làm ăn đàng hoàng mà lại cho vay lãi suất cao khủng khiếp như vậy. Cách làm như vậy chắc chắn là làm bậy”.

Trao đổi với Thanh Niên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho rằng so với các khoản cho vay tín dụng đen như cho vay cầm đồ với số tiền lãi phải trả 2.000-2.500 đồng/triệu/ngày, thậm chí có trường hợp cho vay 3.000 đồng/triệu/ngày, tương đương lãi suất  hơn 100%/năm thì mức lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân của các tổ chức tín dụng còn thấp hơn nhiều, nên việc cho vay tiêu dùng cũng góp phần hạn chế tín dụng đen trong xã hội.

Mặc dù vậy, theo bà Hồng thời gian qua theo phản ánh của dư luận xã hội về việc một số công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất cao, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc và chỉ đạo rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí, cam kết có giải pháp quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn tín dụng và giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn.

Anh Vũ

>> Lưu ý khi vay tín chấp
>> Vay tín chấp chiếm 12,5% dư nợ tín dụng
>> Vay tín chấp tưởng rẻ hóa đắt
>> Cho vay tín chấp: Chặt đẹp !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.