Dược sĩ Việt tại Anh giữa dịch Covid-19: Áp lực đến bật khóc

Trần Kim Anh
Trần Kim Anh
12/04/2020 13:50 GMT+7

Nhiều dược sĩ ở các nhà thuốc tại Anh căng thẳng vì dịch Covid-19 . Các dược sĩ Việt ở Anh cũng không ngoại lệ khi đối mặt áp lực của khách hàng giữa mùa dịch cùng hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn hỏi về bệnh tình, triệu chứng.

Tại Anh, câu chuyện chữa trị người nhiễm Covid-19 đã gây tranh cãi ngay chính trong nước này khi người bệnh nhẹ được cho ở nhà mà không được đưa vào bệnh viện. Tại Anh, theo số liệu mới nhất đã có gần 78.991 ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong đã là 9.875 ca (tính đến trưa 12.4). Trước đó, nhiều tờ báo và người dân Anh đã chỉ trích chính phủ về quan điểm miễn dịch cộng đồng cũng như phản ứng chậm với dịch bệnh. 

Tại Việt Nam, người nhiễm Covid-19 đều được Ban chỉ đạo quốc gia về chống dịch Covid-19 cùng Bộ Y tế cách ly, theo dõi và chữa trị kịp thời nhất.  

Những cuộc gọi, tin nhắn lạ đến từ nhiều quốc gia 

Chị N.T. (29 tuổi, người Việt định cư tại Anh) là dược sĩ công tác tại một nhà thuốc ở Anh thường xuyên được nhiều người theo dõi, nhắn tin, gọi điện đến để cập nhật tình hình sức khỏe cũng như tham khảo ý kiến của chị.
Lý giải về nguyên nhân, chị N.T. tâm sự: “Mình có giúp đỡ một người bạn của mình về cách tự chăm sóc bản thân tại nhà khi bạn ấy nhiễm Covid-19 mức nhẹ. Sau đó bạn ấy chia sẻ điều này lên Facebook nên có rất nhiều người quan tâm. Vì biết mình ở trong ngành y nên những người này đã liên tục liên lạc với mình".

Nhiều kệ hàng trong siêu thị ở Anh hết sạch vì nhu cầu chuẩn bị nhu yếu phẩm, đồ ăn cho gia đình tăng cao

ẢNH: NVCC

Dược sĩ người Việt tại Anh: Áp lực nhưng đồng lòng vượt qua cuộc chiến chống Covid-19

Tại bến tàu điện ngầm hay trên chuyến tàu rất vắng vẻ, thường chỉ có 1-2 hành khách

ẢNH: NVCC

"Các bạn nhắn tin cho mình thường hỏi họ cần chữa gì, uống thuốc gì, uống thế này đủ chưa… Một số người ở các châu lục khác lại nhắn tin cho mình mỗi ngày để cập nhật tình tình sức khỏe của họ cho mình biết", chị T. nói. 
"Vì mình học tập và làm việc ở Anh mà mỗi quốc gia có phương pháp dùng thuốc khác nhau, mỗi người lại có sức đề kháng khác nhau và cần phác đồ điều trị khác nhau... nên mình chỉ có thể giải thích ở mức nhất định”, chị cho hay.

Áp lực đến bật khóc

Chị H.A. (27 tuổi, là dược sĩ gốc Việt, sống tại London, nước Anh) vừa chuyển công tác đến London một thời gian thì nơi đây lại đối mặt dịch Covid-19 nên chị đã trải qua những cảm giác chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Thời điểm bùng phát dịch ở Anh, tại các cửa hiệu thuốc, đa phần những loại thuốc về bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh liên quan đến phổi… liên tục cháy hàng. Vì mọi người đều lo lắng bản thân sẽ dễ bị biến chứng nghiêm trọng nếu có tiểu sử mắc các bệnh này.
Dược sĩ người Việt tại Anh: Áp lực nhưng đồng lòng vượt qua cuộc chiến chống Covid-19

Tại bến tàu điện ngầm hay trên chuyến tàu rất vắng vẻ, thường chỉ có 1-2 hành khách

ẢNH: NVCC

Chị H.A. tâm sự với Thanh Niên: “Khi dịch tới London, công việc ở nhà thuốc mình làm tăng 3-4 lần, người đến mua thuốc vào ra không ngớt. Có hôm mình đi làm sớm nhưng đến nơi đã thấy lượng người xếp hàng trước cửa đông bất thường, nhìn cứ như rạp hát hay rạp chiếu phim vậy. Mình đã nghĩ rằng, trong tình hình này dù mình có bảo vệ mình thế nào mà cả trăm người tập trung một lúc như vậy thì cũng không còn an toàn nữa”.
Từng có giai đoạn chị H.A. cảm giác bản thân đi làm công việc hằng ngày như... ra trận bởi 2 tuần liên tục chịu nhiều áp lực quá sức khiến chị phải bật khóc.
Dược sĩ người Việt tại Anh: Áp lực nhưng đồng lòng vượt qua cuộc chiến chống Covid-19

Con đường ở gần ga tàu điện ngầm không còn náo nhiệt, đông người

ẢNH: NVCC

Dược sĩ H.A. chia sẻ: “Mình rất lo lắng vì thường xuyên phải đối mặt với những người mà mình không biết họ có nhiễm virus hay không. Và bản thân mình cũng rất sợ mình bị nhiễm nhưng không phát hiện rồi sẽ lây sang cho người khác".
"Trong tình hình bệnh dịch thế này, mình vừa phải xử lý nhiều đơn thuốc lại vừa phải đối mặt với trạng thái căng thẳng của một số khách hàng. Do đó ngoài áp lực riêng của bản thân, mình còn phải đối mặt với áp lực của những người khác nữa”, chị kể.
Nhưng với y đức của người làm nghề, chị H.A. đã đặt quyết tâm cùng các đồng nghiệp phải làm nhiệm vụ tốt nhất có thể để cùng người dân Anh vượt qua cuộc chiến dịch Covid-19 lần này.
Và đến thời điểm hiện tại, các dược sĩ trong tâm dịch Covid-19 đã có thể yên tâm hơn vì những chính sách bảo hộ của chính phủ nước sở tại và những biện pháp bảo vệ bản thân của chính họ.
“Bây giờ đi làm mình sẽ giữ khoảng cách với người mua, dù phải nói chuyện để trao đổi thông tin về thuốc nhưng vẫn phải đảm bảo khoảng cách. Bên cạnh đó mình được trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, kính che mặt để tránh các hạt nước văng vào", chị H.A. kể.
"Bây giờ đã thực hiện cách ly xã hội nên các cửa hàng thuốc ở Anh đa số đều chỉ cho một lượng người vào giao dịch nhất định và việc thanh toán bằng thẻ thay vì dùng tiền mặt cũng giúp đảm bảo an toàn hơn cho dược sĩ”, chị H.A. nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.