Đừng để xin lỗi dân chỉ là phong trào: Cần xin lỗi thật lòng

22/08/2016 08:02 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã nhận xét như trên, sau khi đọc các bài Đừng để xin lỗi dân chỉ là phong trào , Nhiều cơ quan quên xin lỗi và Đừng xin lỗi cho có đăng trên Thanh Niên ngày 21.8.

Còn nặng hình thức
Bản thân tôi cho rằng thư xin lỗi dân vẫn còn mang tính hình thức. Sau khi xin lỗi, liệu vụ việc có được giải quyết rốt ráo hay hồ sơ lại tiếp tục bị ngâm? Muốn việc xin lỗi không chỉ mang tính hình thức thì cán bộ cần phải xem xét, đưa ra nhận định rằng hồ sơ này giải quyết được hay không, nhanh chậm ra sao để có cái hẹn chính xác cho dân.
Võ Minh Quân
(Q.7, TP.HCM)
Cách chức lãnh đạo
Một trong những cơ quan có thư xin lỗi dân nhiều nhất cũng như lượng hồ sơ tồn đọng cao nhất là các văn phòng đăng ký đất đai ở các quận huyện. Thường thì hồ sơ xin cấp sổ đỏ, sổ hồng là phức tạp nhất, nhiều giấy tờ nhất nên người dân khó mà đáp ứng đủ, vì thế dễ bị hành tới hành lui, cuối cùng đành phải “chạy”, “lót tay” để được nhanh. Vì thế, tôi rất tâm đắc với ý kiến sẽ thay lãnh đạo cơ quan đơn vị nào xảy ra tồn đọng hồ sơ nhiều, gửi nhiều thư xin lỗi.
Hồ Quốc Minh 
(TX.Long Khánh, Đồng Nai)
Hiếm đủ thứ
Nếu hồ sơ bị chậm một thời gian và có thư xin lỗi từ cơ quan đó thì người dân vui vẻ bỏ qua. Thế nhưng, không phải hồ sơ nào chậm trễ cũng có thư xin lỗi hay không phải sau lá thư xin lỗi là hồ sơ được giải quyết ngay. Có đi làm hồ sơ nhà đất hay khiếu kiện khiếu nại mới thấy người dân ta thán rất nhiều về thói quan liêu, nhũng nhiễu của các cán bộ. Nụ cười rất hiếm nở trên môi của các cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả hồ sơ đúng hẹn càng hiếm hơn.
Nguyễn Hoàng Thịnh
(H.Bến Lức, Long An)
Đưa vào luật
Theo tôi, cần có luật quy định về việc gửi thư xin lỗi dân đối với cơ quan nhà nước nếu cơ quan, cán bộ cơ quan đó có lỗi. Bên cạnh đó, để việc gửi thư xin lỗi đạt hiệu quả thì phải truy trách nhiệm của cán bộ gây nên chậm trễ trong xử lý hồ sơ cũng như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đó. Nếu chỉ gửi thư xin lỗi mà không gắn liền với trách nhiệm, chế tài thì lá thư chỉ là hình thức, là một cách thoái thác lỗi của cán bộ, cơ quan.
Lê Tấn Trung 
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Trần Thị Thanh Thảo
Xin lỗi dân khi cán bộ làm sai, chậm trễ ở các sở, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM cần được nhân rộng và công khai. Nhân rộng để cán bộ, cơ quan nhà nước nào cũng phải nâng cao trách nhiệm đối với người dân. Công khai để biết năng lực lãnh đạo, năng lực làm việc của cán bộ, cơ quan ấy như thế nào. Một cơ quan gửi nhiều thư xin lỗi nghĩa là cơ quan đó chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Trần Thị Thanh Thảo
 (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Phan Hoài Phương
Xin lỗi dân và xử lý triệt để vụ việc sau thư xin lỗi là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc cán bộ, cơ quan quên xin lỗi dân và tôi nghĩ số này rất nhiều. Do đó, quy định xin lỗi dân cần phải được tuyên truyền nhiều hơn nữa để dân biết, dân yêu cầu cán bộ, cơ quan nhà nước phải thực hiện và tất nhiên, đi kèm với quyền “được xin lỗi” thì sau đó dân được quyền nhận kết quả giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng.
Phan Hoài Phương 
(Q.4, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.