Đưa vợ về thăm nhà sau 26 năm được công nhận là liệt sĩ

Phạm Đức
Phạm Đức
01/03/2019 16:36 GMT+7

Sau 26 năm được công nhận liệt sĩ , ông Ngô An Dương (61 tuổi, trú tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bất ngờ đưa vợ người Campuchia về thăm gia đình trong sự ngỡ ngàng của người thân.

Ông Ngô An Ninh (89 tuổi, bố đẻ ông Dương) cho biết, vợ chồng ông sinh được 8 người con, ông Dương là con trai đầu. Năm 1978, ông Dương nhập ngũ vào Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 thuộc Quân khu 9 khi vừa tròn 20 tuổi. Đơn vị nơi ông Dương nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
[VIDEO] Liệt sĩ trở về sau 39 năm hi sinh
Kể từ ngày ông Dương chia tay bố mẹ lên đường làm nhiệm vụ, gia đình hoàn toàn mất liên lạc với ông. Đến năm 1993, gia đình mới nhận được giấy báo tử nên lập bàn thờ cúng giỗ ông Dương hàng năm. Theo thông tin ghi trên giấy báo tử, ông Dương mất tích vào ngày 20.2.1979 tại tỉnh Kông Pông Sa Pư (Campuchia) và được xác nhận liệt sĩ vào ngày 31.8.1993.
Anh Ngô Xuân Cảnh (em trai ông Dương) kể: Cuối năm 2018, gia đình bất ngờ được một người đàn ông tên Dân (trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) báo tin cho gia đình và chính quyền địa phương biết ông Dương vẫn còn sống và hiện đang sinh sống tại một bản làng ở Campuchia.
Ông Dương kể lại quãng thời gian ở Campuchia Ảnh Phạm Đức
“Người đàn ông tên Dân còn cung cấp số điện thoại anh trai tôi để gia đình xác minh. Khi gọi điện thoại sang, anh Dương đọc tên chính xác từng người thân trong gia đình và mong được trở về gặp người thân. Lúc đó, bố mẹ tôi vô cùng vui mừng vì sau 40 anh ấy mất tích, tưởng đã mất nhưng anh vẫn đang còn sống”, ông Cảnh vui mừng.
Theo anh Cảnh, đến ngày 26.2 vừa qua, ông Dương đã đưa vợ người Campuchia về thăm gia đình trong sự ngỡ ngàng của người thân và chính quyền địa phương.
Ông Dương nhớ lại: Vào năm 1979, trong khi tham gia chiến đấu, ông bị quân Pol Pot bắt giam cùng với 2 chiến sĩ khác. Do bị tra tấn, đánh đập nên sau khi được thả ra, ông bị mất trí nhớ. Hành trình lưu lạc khắp nơi trên đất Campuchia cũng bắt đầu từ đó. May mắn, ông Dương được một người phụ nữ bản địa cưu mang, giúp đỡ. Sau này, người phụ nữ ân nhân còn gả cháu gái tên là Âm Ôn để ông lấy làm vợ.
“Hơn 2 năm trở lại đây, tôi bắt đầu phục hồi được trí nhớ nên mới tìm cách liên lạc về cho gia đình ở quê nhà. Đến cuối năm 2018, tôi vô tình gặp được anh Dân người Việt Nam sang bán máy làm gạch cho người dân địa phương nên nhờ anh này về báo tin cho gia đình biết”, ông Dương nói.
Ông Dương thắp hương lên bàn thờ tổ tiên Ảnh Phạm Đức
Ngày trở về, ông Dương còn cho mọi người thấy những vết sẹo khắp cơ thể mà ông gặp phải khi tham gia chiến tranh. Ông Dương dự định sau khi thăm gia đình xong thì sẽ quay lại Campuchia sinh sống vì vợ chồng ông đã có 3 người con.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Nghi Xuân, cho hay sau khi biết tin ông Dương còn sống và trở về, đơn vị này đã báo cáo lên Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và chờ chỉ đạo tiếp theo.
“Mục đích của ông Dương trở về là để thăm gia đình sau bao năm mất tích và sẽ trở lại Campuchia sinh sống cùng vợ con. Ông ấy vẫn chưa có nguyện vọng nào khác để đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết”, ông Nam nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.