Đưa người Sài Gòn thăm đảo Lý Sơn: Mùa gió với những cung bậc

23/06/2019 19:33 GMT+7

Trước ngày thăm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), tôi… dọa cô bạn người Sài Gòn: Ra Lý Sơn nhớ mang nhiều kẹp tóc. Mùa này là mùa gió. Gió đất liền dù sao cũng hiền hơn gió đảo. Gió đảo dữ dội, thênh thang, dọc ngang, lồng lộng.

Cô bạn cười trong vắt, nói vậy đó hả? Thì em sẽ không mang theo cái kẹp tóc nào. Tóc em đang thèm bay cùng gió đảo đây. Vậy mà cũng dọa!
Hơn hai trăm hành khách im phăng phắc khi tàu kéo còi rời cảng Sa Kỳ. Cô gái Sài Gòn trước đó huyên thuyên bây giờ cũng lặng thinh. Có cái gì như là nỗi linh thiêng dâng lên trong lòng mỗi người khi sắp đến với hòn đảo thân thương của Quảng Ngãi: Đảo Lý Sơn.
Con tàu cao tốc rướn mình trườn qua mặt biển nhấp nhô. Những tiếng “ùng ục” bật lên mỗi khi tàu xé sóng. Anh nhân viên nhà tàu phụ trách “môi trường” tay giơ một mớ túi ni lông, đi giữa hai hàng ghế, miệng cười cười, nói lần đầu ra đảo, có lẽ bà con say sóng. Túi ni lông đây…
Ít lâu sau có hàng chục người lả đi. Tôi ái ngại nhìn cô gái Sài Gòn. Tốt. Đã không bị sóng… nhồi dạ dày, còn tỏ ra tươi tỉnh. Trong khi bên cạnh tôi, cô gái Hà Nội đang rũ rượi…
Thạch cổng Tò Vò ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
Thạch cổng Tò Vò TRẦN CAO DUYÊN
Tượng đài Hải đội Hoàng Sa TRẦN CAO DUYÊN

'Vạn lý Hoàng Sa'

Tàu cập cảng Lý Sơn sau một giờ đạp sóng và lướt gió. Những bàn chân đất liền lần đầu tiên chạm vào đất đảo. Tôi nghe bước chân mình lao xao. Dường như đất ở đây không phải được cấu tạo bằng những chất mà sách địa lý từng viết, mà là bằng mồ hôi và xương máu của tiền nhân mấy trăm năm trước từ đất liền ra nơi này mở cõi.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải là điểm tham quan đầu tiên cuốn hút chúng tôi. Đây là cụm tượng đài mạnh mẽ, khỏe khoắn và hùng tráng từ đường nét đến hình khối. Người cai đội oai phong, một tay chỉ thẳng về hướng Biển Đông, một tay chắc nịch đặt lên cột mốc chủ quyền với bốn chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên cai đội là hai binh phu. Một người dựng đứng ngọn giáo trông uy nghi và đường bệ như lời thề non nước. Người còn lại nét mặt can trường, vắt tấm lưới trên cánh tay gân guốc.
Ruộng hành trên đảo TRẦN CAO DUYÊN
Trong nhà trưng bày, từng đoàn người lặng nhìn con thuyền buồm mong manh, mấy bó chiếu, những thanh tre… tái hiện những cuộc hành trình nhiều khi một đi không trở lại của những binh phu vâng mệnh vua ra trấn thủ Hoàng Sa thuở trước. Bão tố, sóng gió, bệnh tật, đói khát… là những mối nguy thường trực mà họ phải đối mặt. Chết chóc là điều không thể tránh. Chiếu để bó xác. Thanh tre làm công việc của một tấm thẻ bài: ghi tên người xấu số. Thi thể họ tan vào muôn trùng. Hồn phách họ vật vờ trên sóng. Biển Hoàng Sa mặn đến hai lần.
Cô gái Sài Gòn nói em mê “tính cách” của những cây dừa Lý Sơn: Không chịu thấp lè tè để bảo vệ mình nơi đầu sóng ngọn gió. Ngược lại, cây nào cây nấy vươn cao, can trường, ngạo nghễ, choãi mình ra phía bể, hú lên trong gió lời tiễn biệt những binh phu thẳng tiến Hoàng Sa. Đó là những chuyến đi mà phần vĩ thanh của nó trầm buồn như hồi tù và những chiều ven đảo: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”.
Đó là một thực tế cay nghiệt. Thực tế đó hun đúc thành di nguyện thiêng liêng và đau đáu của tiền nhân: Hãy giữ lấy Hoàng Sa khi những con sóng đen đang ngày đêm chờn vờn trên thềm lục địa.

Khám phá Lý Sơn

Nghe anh em trong đoàn nói tôi có võ vẽ làm thơ, cô giáo kiêm chủ cơ sở homestay chìa quyển sổ ra, bảo tôi ghi vài câu thơ làm kỷ niệm. Tôi viết: Đã vào mùa tỏi chưa em/ mà hương dậy đồi cao đồi thấp/ Tôi với đảo từng quen mà ngỡ vừa mới gặp/ Cứ bồi hồi vậy đó, Lý Sơn ơi!
Cô giáo cười khúc khích, nói anh “bồi hồi” thiệt hông đó. Mà anh có ra đảo nữa không? Ra nhé! Khi đó em sẽ phần anh ký tỏi làm quà. Giờ hết mùa rồi. Tỏi ngoài chợ người ta mời chào là tỏi… tào lao. Từ đất liền ra đấy.
Nghe mà mát ruột. Ít ra, Lý Sơn vẫn còn có người nói thật về tỏi giả. Tôi chắc rằng em sẽ làm “homestay” thành công bởi sự thẳng thắn và chân thành – điều mà du lịch bây giờ đang thiếu vắng.
Chiều, nhóm chúng tôi cùng hàng chục nhóm khác đổ về những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Lý Sơn. Đó là những thắng cảnh được kiến tạo từ hoạt động “khai sơn phá thạch” của năm ngọn núi lửa cách đây vài thế kỷ.
Chùa Hang thâm u, trầm mặc và ẩm ướt bởi những giọt nước trên trần thạch nhũ thỉnh thoảng nhỏ xuống. Chùa Đục thanh thoát, cao chót vót ngỡ chạm tới mây ngàn. Thắng cảnh Hang Câu chiều gần tàn, lòng người dịu lại trước biển trời lồng lộng.
Thạch Cổng Tò Vò ríu ran những cặp đôi dìu nhau qua vòm cổng lô xô đá nhọn. “Tương truyền” rằng cặp nào dắt nhau đi trên vòm cổng gập ghềnh mà không buông nhau ra, cặp đó sẽ bách niên giai lão. Tôi thấy vui vui khi cặp nào cũng tay nắm tay, lần từng bước để “về đích” dù có những giây chới với đến thót tim.
Trời có chút mưa. Nhớ câu hát ru của người mẹ Lý Sơn: “Mưa từ trong Quảng mưa ra/ Mưa qua Đảo Bé đôi ta lạnh lùng”. Cô gái Sài Gòn nói Lý Sơn hồn nhiên vậy mà ca dao chưa vui. Chúng tôi bật “facebook” miệng tại chỗ. Đủ loại “còm”: Lý Sơn đang thiếu nước ngọt nên lá hành chưa xanh hết độ. Nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động cầm chừng. Cả hòn đảo đang ngổn ngang gò đống xe cộ, sắt thép, cát đá thấy… mệt quá. Dự án gì thì cũng phải nhanh lên để còn dọn dẹp cho đẹp mà đón khách. Du lịch đang “đánh bóng” Lý Sơn khiến nét hoang sơ của đảo đang bị bào mòn. Xây gì thì xây nhưng hồn cốt Lý Sơn phải giữ.
Mộ gió
Chiều trên đảo đẹp mê hồn. Ráng đỏ sơn màu lửa lên đường chân trời xa tít tắp. Nhóm chúng tôi thuê xe máy lượn một vòng quanh “chiến hạm nổi” Lý Sơn. Rải rác đó đây những ngôi mộ gió, phần “trống không còn lại” của những binh phu Hoàng Sa mãi mãi không về.
Mộ thì gió nhưng nỗi nhớ không hề gió, cứ mãi sắt se trong lòng người dân đảo và lắng lại trong lòng khách phương xa. Đêm trước ngày chia tay đảo, càng về khuya gió càng thổi lộng, nghe rất rõ tiếng sóng xô bờ, cảm giác mình đang chơi vơi giữa biển, giữa gió và những ngôi mộ gió.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.