Lạc lối ở Tây Á

30/06/2018 15:00 GMT+7

Tôi từng mơ ước một lần được đặt chân trên dải đất Tây Á để khám phá sự huyền bí của thế giới Hồi giáo.

Và rồi, những hành trình đến vùng đất này đã giúp tôi cảm được tình người sâu đậm từ những bộ áo chùng dài Disdasha trắng toát của nam giới đến những chiếc khăn Hijab với bộ áo Abaya đen tuyền kín mít của phụ nữ.
Mùi trầm quyến rũ
Chuyến đi đến Oman giúp tôi “mở mắt” bởi tôi từng nghĩ đó là những quốc gia “lạc loài” với cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin kém cỏi. Tôi đã lầm và đành phải thốt lên: nơi đây chứa đựng những gì thuộc về văn minh, tiên tiến dù chưa mở cửa với thế giới bên ngoài.
Luôn in hằn trong ký ức tôi về Oman là nét đẹp của nghệ thuật Ba Tư - Ả -rập thể hiện trên từng công trình kiến trúc. Tôi bị “lừa bịp” một cách ngoạn mục ở thủ đô Muscat bởi cây xanh và hoa tươi khoe sắc phủ khắp nơi và chỉ cái nóng bức mới giúp tôi hiểu rằng mình đang làm một cuộc hành trình trong lòng sa mạc. Đối lập với hình ảnh những ngôi làng nuôi ngọc trai - một ngành nghề truyền thống hay những khu chợ cá nhộn nhịp là những chiếc ôtô đời mới sang trọng nối đuôi nhau trên phố.
Lạc lối ở Tây Á1
Ảnh: Shutterstock
Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, du khách như dịu lòng trong tiếng ê a ngân dài của một câu kinh trầm bổng vào những buổi sáng mai hay lúc hoàng hôn từ những ngôi thánh đường Hồi giáo nằm sâu trong lòng sa mạc được rủ bóng bởi những cây chà là liu xiu trong gió. Rồi ai nấy lại bừng tỉnh tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên khi bước vào phiên chợ Ba Tư cổ truyền rộn ràng vào những ngày cuối.
Tôi không quên sự giúp đỡ của anh tài xế trẻ tuổi trong đêm đầu đến thủ đô Muscat khi lăng xăng tìm khách sạn giá rẻ nhất, dặn dò nơi chốn để mua thức ăn hay mách tôi tận dụng những chuyến xe dành cho công nhân đi hợp tác lao động để tiết kiệm chi phí. Ở Oman không có hệ thống xe buýt công cộng nên anh Allied đã giúp tôi đến các điểm tham quan mà “chi phí” cho anh chỉ là chầu cà-phê chiều. Mùi trầm thơm quyến rũ chết người của những hạt Frankinses hay sắc màu gia vị luôn trở về quấn quýt trong ký ức tôi mỗi khi nghĩ đến Oman.
Lạc lối trong ngôi chợ làng
Những ngày ở Oman, tôi cũng chưa hình dung ra hết bộ luật Sharia hà khắc đến mức nào để rồi trong hành trình đến Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), tôi chợt hiểu ra rằng bộ luật Sharia có từ thế kỷ 7 đã không còn nhiều ý nghĩa trên vùng đất Tây Á. Nhận ra sự khắc nghiệt của Sharia, người Hồi giáo đã điều chỉnh 5 năm một lần nên luật Hồi giáo ngày nay đã rất nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện mới. Những giai thoại về phụ nữ phải bịt mặt ra đường, không được lái xe hơi, không được đến các điểm vui chơi cộng cộng, nam giới không được uống bia… đã thuộc về quá khứ.
Tôi thả mình trong bước chân lạc đà thong dong qua những đụn cát vàng để rồi hình ảnh ấy mất hút dần trong màn sương ảo khi những cơn gió đi qua. Cũng như ở Oman, tôi muốn ngắm nhìn các kiến trúc pháo đài sừng sững nằm ven theo vịnh Ả-rập, những ngôi thánh đường cổ kính nằm trong lòng sa mạc để rồi hiểu hơn kiến trúc ấy theo vó ngựa của các vương triều Hồi giáo hùng mạnh phủ khắp dãy đất Trung Đông, qua đến Đông Phi.
Lạc lối ở Tây Á2
Tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc trái ngược nhau, hết đứng tim trong trò chơi xe vượt đồi cát đến thả hồn mơ màng trong tiếng trống dồn dập cho vũ điệu lắc bụng sôi động, rồi lạc lối trong các ngôi chợ vàng đồ sộ… Nhưng trên hết vẫn lưu luyến “tình người” đậm đà sâu lắng khi tôi rời khỏi Dubai. Tôi nhớ như in khuôn mặt, giọng nói hình dáng của anh bạn Mohammad khi mời đến nhà chơi để tôi hiểu được những sinh hoạt truyền thống của người Emirites trong một ngôi nhà của người Hồi giáo.
Một Qatar thịnh vượng
Những thông tin từng đọc qua trước đây trên các phương tiện truyền thông như sự giàu có của Qatar đến mức có thể phun mây hay làm mưa nhân tạo cho không khí sa mạc không còn oi bức để những trận túc cầu giải World Cup luôn sôi động, hoặc có thể ngắm tuyết rơi giữa mùa hè trong những khu giải trí mua sắm, hoặc đứng chờ xe buýt trong các trạm có gắn máy lạnh miễn phí… đã trở thành hiện thực. Ngắm nhìn các tòa nhà cao tầng đang mọc lên từng ngày trên vùng đất “mở sau nhưng nhanh tiến”, tôi lại ngẩn ngơ về tính nghệ thuật luôn hòa quyện một cách tỉ mỉ đến khéo léo trong các công trình hiện đại hóa nhưng luôn thể hiện ý tưởng bảo vệ môi trường sạch và xanh, những kiệt tác của các kiến trúc sư mà chỉ nhìn thấy ở Phần Lan trước đây hay Canada sau này. Nhìn lại chiếc ví đã sử dụng hơn 10 năm, trong tôi vẫn nhớ mãi hình dáng ông chủ đậm người ì à ì ạch chạy theo để trả lại khi tôi để quên trong quầy hàng lưu niệm ở thủ đô Doha.
2 năm trước, Kuwait cũng đã chào đón lần thứ 4 tôi quay lại vùng đất Tây Á khi cho phép công dân VN được mua visa ở cổng đến. Tìm hiểu về chính sách y tế, giáo dục, đầu tư khoa học… ở Kuwait, tôi chợt hiểu ra rằng chính sách phúc lợi đáng sống đến mức cả các quốc Tây Á đã “mở cửa” đều phải thắt chặt đối với lao động: có thể làm việc cho đến tuổi về hưu, đi cùng những chính sách ưu đãi thỏa đáng nhưng không được phép nhập tịch, ngoại trừ kết hôn với người địa phương.
“Bằng cách nào trả ơn?”, tôi hỏi vợ chồng anh trung niên tốt bụng ở Kuwait đã không ngần ngại với một kẻ “đường xa lạ mặt” khi đưa tôi đi dọc cung đường biển dài 6 km tham quan các vết tích còn sót lại. Tôi chỉ nhớ nụ cười hiền hậu và thật tươi mà tôi lưu luyến và luôn gọi là “tình người” trên vùng đất Tây Á: “Hãy giữ liên lạc cho đến khi nào vợ chồng tôi sẽ ghé thăm VN!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.