Du cư giữa… Sài Gòn: 'Bốn bể' là nhà

24/03/2018 10:41 GMT+7

Vì sinh nhai, có gia đình ba thế hệ dắt díu nhau lang bạt khắp công trình xây dựng từ Campuchia tới các tỉnh miền Tây, có gia đình đi biền biệt mấy năm, về nhà không nhận ra con mình...

Thò đầu ra khỏi khung tôn cắt lởm chởm, bà Lý Thị Thanh (50 tuổi) gọi với ra đường kêu cả nhà về ăn cơm chiều. Sau tiếng gọi, con gái, con trai, hai con rể và năm đứa cháu của bà có mặt đông đủ. Cả nhà quây quần bên thau củ cải muối với rau răm và một tô thịt kho mặn. Trong lúc ăn cơm, họ nói với nhau đủ chuyện ở công trường, bàn xem ngày mai ai sẽ nghỉ làm để đưa đứa cháu 4 tuổi đi khám bệnh. Mấy ngày nay bé ăn vào là ói, mặt mũi xanh lè. Sắp tới một người trong gia đình phải nghỉ hẳn chăm bé để những thành viên còn lại yên tâm ra công trường.
Ba thế hệ sống đời… du cư
Đó là gia đình ông Trần Văn Ngọc (khóm 6, đường Huỳnh Phan Hộ, TP.Sóc Trăng). Lang bạt làm công nhân xây dựng nên cả nhà đều thất học. Mấy chục năm bươn chải, gia đình ông cũng chỉ sống tạm bợ và vẫn chưa có một nơi cố định gọi là nhà.
Gia đình ông Trần Văn Ngọc quây quần bên nhau sau một ngày làm việc vất vả tại công trường xây dựng Ảnh: Đức Anh
Từ những năm 1980, gia đình ông Ngọc đã qua Campuchia làm thợ hồ hơn 20 năm mới về lại VN, tiếp tục làm công trình ở Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ… “Hai năm nay, gia đình tôi theo công trình tại TP.HCM, 12 quận làm đủ cả 12, ở đâu có việc, người ta gọi là đi. Người lớn chỉ vài bộ quần áo là xong nhưng trẻ nhỏ thì nào là thau chậu, sữa đường… cùng nồi niêu lỉnh kỉnh, chuyển chỗ ở hoài cũng ngán”, anh Lý Sanh (con rể ông Ngọc) than.
Hiện tại gia đình ông Ngọc ở nhờ nhà bố vợ. “Mấy năm nay gia đình tiện đâu ăn tết đó, bởi về quê cũng chẳng biết ở đâu nên ở lại công trình. Người ta có cha mẹ ở quê, con sinh ra gửi ở quê cho đi học. Còn gia đình tôi đi hết cả nhà nên con cái cũng phải mang theo”, chị Trần Thị Ngọc Vân (32 tuổi, con đầu ông Ngọc) tâm sự.
Chị Vân có 3 con Tài, Hiếu, Thảo, đứa lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất 4 tuổi. Dù chưa một ngày tới trường nhưng ba anh em đều lễ phép và ngoan.
Khi ông bà ngoại và ba mẹ lên công trường thì ba anh em đi lượm ve chai ở khu vực quanh đó. “Tụi con hay tới chỗ người ta đốt rác, kiếm sắt và đi lượm chai nhựa, lon nước để bán lấy tiền phụ mẹ. Khi nào thèm nước ngọt thì tụi con mang ve chai đi đổi lấy nước uống”. Dù còn nhỏ nhưng Hiếu tỏ ra khá chững chạc và ham học: “Lúc ở quê có mấy chú bộ đội và lớp học tình thương dạy nên anh em con được học chữ, học hát. Lên thành phố ai cũng đi làm, anh em con đòi đi học thì mẹ nói nhà nghèo, thôi đi. Mà cũng không có giấy tờ gì để đi học. Đợi khi nào chuyển tới công trình mới, nếu ở gần trường tình thương thì mẹ cho đi”.
Kể xong, Hiếu đầu trần, chân không, mặt mũi đen đúa gào lên gọi đứa em ở xa: “Đầy chưa? Lại đây lượm nè, nhiều chai lắm”. Nói đoạn 2 đứa trẻ người nhỏ thó kéo lê chiếc bao dài cả mét lệ khệ đi về phía lán. Nghe đâu tuần sau cả nhà ông Ngọc sẽ chuyển qua công trình mới ở Bình Dương. Những đứa trẻ này lại sắp chuyển chỗ ở…
Về tới nhà không nhận ra con
Cuộc sống ở công trường đương nhiên không phù hợp với trẻ con vì ăn, ở chỉ mang tính tạm bợ, bất đắc dĩ công nhân xây dựng mới đưa con theo. Để giải quyết nhu cầu học chữ, những đứa trẻ theo cha mẹ ở công trường thường được gửi vào học trong các trường tư thục để tiện việc chuyển trường. Tuy nhiên, trường tư thục chỉ có nhiều ở bậc mầm non, bậc tiểu học ít trường và học phí cao hơn nhiều nên công nhân có con lứa tuổi này phải gửi về quê nhờ người thân trông nom giúp. Dù nhớ nhưng họ phải chấp nhận để con có cái chữ.
Như gia đình anh Trần Văn Tấn (công nhân xây dựng tại P.Tân Phong, Q.7) gần 20 năm qua đi làm công trình phải để lại 2 đứa con ở quê nhờ ông bà nội nuôi giúp. Thời gian đầu làm ăn kém, tiền bạc không có, cứ hai năm vợ chồng mới về quê một lần, tiền tàu xe về quê để gửi cho ông bà cháu ăn tết. Có đợt túng quá, hai vợ chồng ở lại công trình, 3 năm không về quê. Đến năm thứ ba, nhớ con chịu hết nổi nên cả anh Tấn và vợ cắn răng bỏ hơn 2 triệu đồng mua được hai vé “xổm” (không có ghế) về quê. Tiền còn lại chỉ đủ mua… vú sữa làm quà.
“Về tới nơi thấy cổng đóng, đang loay hoay mở cửa thì một thằng nhỏ đen nhẻm chạy đến gọi… ba. Trong khi nó quấn quýt mở cửa, tôi vẫn chưa hết bồi hồi. Lúc gửi con về quê, nó mới học lớp 1, cao tới thắt lưng mà lúc tôi về nó cao tới gần ngực. Nếu nó không gọi ba thì tôi cũng không nhận ra con mình. Nhìn con, ruột tim tôi thắt lại, may mà lúc đó nó không biết ba không nhận ra nó, nếu biết chắc nó tủi lắm”, anh Tấn bùi ngùi nhớ lại.
Vinh, con anh Tấn giờ đã hơn 18 tuổi, quyết định nghỉ học đi công trình phụ ba mẹ. “Nó nói sẽ vừa làm vừa tìm cách học thêm để trở thành thợ chính. Nếu có điều kiện sẽ học để trở thành kỹ sư xây dựng. Thấy nó biết ba mẹ khổ mà cố gắng vươn lên, tôi rất mừng”, anh Tấn kể, ánh mắt không giấu được hân hoan. (còn tiếp)
4 năm, 18 lần chuyển trường
Vì muốn gần con nên dù biết việc chuyển công trình, chuyển trường cho con nhiều thủ tục rắc rối nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn chấp nhận. Chị Triệu Thị Vân (công nhân làm công trình xây dựng tại P.Bình An, Q.2) chia sẻ: “Mới trải qua ba năm mẫu giáo và một năm lớp 1, cháu nhà tôi đã chuyển trường tới… 18 lần. Khi thì Bình Tân, lúc qua Bình Thạnh, Thủ Đức... Cứ cha mẹ làm ở đâu thì con học ở gần đó. Việc tìm trường, lớp cho con nhiều lúc như kiệt sức nhưng chưa lúc nào tôi có ý định cho con nghỉ học”.
Chuyển trường liên tục cũng làm trẻ em mất đi tuổi thơ với bạn bè. Theo mẹ lên công trình để phụ nấu cơm, trông em tại xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, Trần Quỳnh Anh (13 tuổi) ngây thơ kể: “Đúng ra năm nay con học lớp 6 nhưng vì chuyển trường nhiều, không theo kịp nên phải ở lại lớp 5. Con không thích đi học vì thường xuyên chuyển trường nên không kịp thời gian để… có bạn. Hồi ở quê (H.Cái Nước, Cà Mau) con có hai đứa bạn thân, nhưng từ khi lên TP theo cha mẹ đi làm ít khi gặp lại. Tết rồi về quê, hai bạn thân của con đều đã có bạn mới, thấy con qua nhà nó cũng không thèm cười luôn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.