Đủ chiêu lừa mua bán: Cảnh giác và tích cực truy tìm để xử lý

07/12/2016 08:20 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Đủ chiêu lừa mua bán đăng trên Thanh Niên ngày 6.12.

Đừng cả tin
Người dân phải hết sức cảnh giác. Chính tôi, một hôm cũng nhận được cuộc điện thoại từ số lạ, xưng là người quen, đã từng gặp nhau trong một quán nhậu, đưa ra một vài dẫn chứng về nhân thân và địa bàn tôi sống, để “gà” tôi mua mật ong rừng chính hiệu lấy từ Lâm Đồng. Nhưng tôi đã rất cảnh giác, không sợ mất lòng và không cả tin, nên đã cự tuyệt. Nếu không cảnh giác thì tôi đã bị lừa như mấy trường hợp nêu trong bài báo.
Hà Dũng (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Xử phạt thật nặng !
Gần đây, các chiêu thức lừa đảo kiểu này đang ngày càng rộ lên. Ví dụ: giả mặc đồ công nhân của một công ty chuyên làm về công trình công cộng rồi len lỏi vào các ngõ hẻm để bán kìm cộng lực, công tơ điện hoặc một vài đồ dùng gia dụng khác, với chiêu bài là làm ở công ty X, công ty Y rồi kiếm được hàng, đem bán rẻ với giá bằng 1/3 hoặc 1/2 đã khiến nhiều người sập bẫy, vì đúng lúc có nhu cầu mua mấy loại hàng đó. Nhưng rồi bán đồ dởm, bắt chẹt giá cao, trấn áp người mua, đòi hành xử theo kiểu xã hội đen… Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng này phải tích cực truy tìm, xử phạt thật nặng để làm gương. Không nên nương nhẹ với những kẻ này!
Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Lừa đảo tràn về vùng quê
Tôi xin kể vụ lừa đảo ở vùng quê mà tôi biết: Một nhóm 3 thanh niên ăn mặc lịch sự, trông như nhân viên văn phòng đã vào nhà của chị họ tôi ở một vùng quê hẻo lánh và cho biết nhà chị tôi được chọn để lắp đặt bảng quảng cáo của công ty, mỗi tháng công ty sẽ trả phí cho chị 2 triệu đồng. Người ở quê mà nghe được trả 2 triệu đồng/tháng là mừng lắm. Vài hôm sau họ quay lại và soạn hợp đồng tại nhà chị tôi và yêu cầu chị đóng 3 triệu tiền cam kết sẽ cho thuê đất để làm bảng quảng cáo lâu dài. Sau khi đóng cho họ 3 triệu, đợi mãi cũng không thấy ai đến dựng bảng quảng cáo thì chị tôi mới biết mình đã bị lừa. Đây là những chiêu trò đang dần phổ biến ở vùng quê.
Ngô Lan Thanh (H.Củ Chi, TP.HCM) 
Nên trình báo công an
Bọn lừa đảo thường thành công khi đánh đúng tâm lý của nạn nhân. Muốn vậy, chúng nghiên cứu nạn nhân và gia đình nạn nhân rất kỹ, rành rẽ họ, tên, đặc điểm nhận dạng như thế nào. Chính vì thế mà nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân đều dễ dàng “sập bẫy”. Tiếc một điều là rất ít nạn nhân trình báo sự việc với cơ quan chức năng để tổng hợp hồ sơ và phá án. Ai cũng âm thầm chịu hoặc kể cho người thân, bạn bè nghe mà rút kinh nghiệm. Tôi cho rằng nạn nhân nên mạnh dạn trình báo sự việc với cơ quan công an để nhận được sự trợ giúp kịp thời.
Nguyễn Văn Điệp (Q.Thủ Đức, TP.HCM) 
Nhìn thấy xã hội ngày càng rộ nhiều chiêu lừa mà hoang mang quá. Bọn lừa đảo không chừa một ai và có thể lừa số tiền dù rất nhỏ. Để tránh trở thành nạn nhân thì có lẽ mỗi người cần trang bị cho mình sự cảnh giác cao độ.
Nguyễn Hoài Khanh (Q.4, TP.HCM)
Đánh vào lòng tham, sự tin tưởng hoặc sợ sệt của nạn nhân là “ngón đòn” mà kẻ lừa đảo hay tung ra, và thường bọn lừa đảo sẽ thành công. Bởi vậy, đi ra đường, ở nhà tôi luôn tâm niệm: Tránh tiếp xúc lâu với người lạ, không ai cho không cái gì bao giờ và nếu có ai gọi điện hay chạy đến nhà thông báo rằng người thân mình nhờ vả hay bị gì đó thì cứ gọi điện, nhắn tin cho họ để làm rõ, gọi không được thì gọi đồng nghiệp, người quen của người thân mình xác minh. Bây giờ có quá nhiều kênh để liên hệ với người thân mà.
Huỳnh Duy Hiệu (Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.