Dự án dùng bồ câu dẫn đường cho bom Mỹ

05/09/2017 21:38 GMT+7

Một dự án quái đản của hải quân Mỹ vào thời Thế chiến thứ hai đã góp phần mở đường cho kỷ nguyên màn hình cảm ứng hiện nay.

Trong Thế chiến thứ hai, hải quân Mỹ và Viện Quốc gia về các tiêu chuẩn và công nghệ (NIST) đã huấn luyện bồ câu mổ vào các màn hình trên tàu lượn để quân đội có thể thả bom mà không cần phải đưa phi công vào lãnh thổ thù địch. Công nghệ màn hình chạm dẫn được dùng trong dự án này. Đây chính là một trong các nền tảng ban đầu cho màn hình cảm ứng đang được tích hợp trên các dòng smartphone, máy tính bảng… ngày nay.
“Phi công” bồ câu
Nhiều thập niên trước, vào thời điểm không có hệ thống vệ tinh và công nghệ dẫn đường GPS, các loại bom trong giai đoạn này còn được gọi là “bom đần”, có nghĩa là một khi được thả khỏi máy bay, chúng có thể bị gió cuốn và làm chệch khỏi mục tiêu. Để tăng độ chính xác khi thả bom, các phi công buộc phải hạ cao độ, làm tăng nguy cơ bị bắn hạ. Một sự lựa chọn khác là cứ bay cao và thả vài quả bom hú họa, ôm hy vọng ít nhất sẽ có một quả trúng mục tiêu, nhưng thực tế cho thấy phương pháp này không hiệu quả, tăng phí tổn trên chiến trường và dẫn đến nhiều thiệt hại khác.
Khi NSIT, tiền thân là Cục Quốc gia về các tiêu chuẩn (NB), phát triển một loại tàu lượn có thể mang theo bom gần nửa tấn, cơ quan này cần một hệ thống dẫn đường mới nhằm đảm bảo an toàn và độ chính xác. Vào thời điểm đó, nhà tâm lý học B.F Skinner, người cùng với Ivan Pavlov là cha đẻ của thuyết hành vi, đề xuất sử dụng bồ câu, biến các sinh vật tượng trưng cho hòa bình thành “thiết bị” dẫn đường cho tên lửa. Thiết lập các điều kiện hành vi ở động vật là sở trường của ông Skinner, và chuyên gia này bắt tay vào huấn luyện bồ câu.
Đầu tiên, ông thiết kế một bộ dây cương giữ chặt cơ thể và cánh bồ câu, trong khi cho phép đầu và cổ chúng hoạt động tự do. Kế đến, bồ câu được huấn luyện ăn hạt trên các màn hình hiển thị cảnh tượng trên chiến trường. Ông Skinner đặt những hạt ngon lên các điểm khó mổ nhất, như tàu chiến trên vùng biển địch. Chuyên gia cũng luyện cho bồ câu thích ứng với tình huống rung và tiếng ồn, đồng thời nâng cao tần suất mổ của chúng.
Theo thời gian, nhóm bồ câu có thể gõ liên tục 10.000 lần trong vòng 45 phút, tức lâu hơn thời gian cần thiết để một quả bom rơi trúng mục tiêu. Một ống kính được đặt trước tàu lượn, hiển thị hình ảnh mặt đất bên dưới lên trên một màn hình có bề mặt dẫn điện. Mỏ bồ câu được gắn điện cực bằng vàng và mổ lên màn hình, gửi các tín hiệu điện tử đến bộ phận điều khiển cánh tàu lượn. Theo dự tính của ông Skinner, bồ câu sẽ mổ vào trung tâm màn hình để duy trì hành trình hiện có của bom, hoặc mổ bên trái/phải để lái quả bom. Trong khi hệ thống được chứng minh hoạt động tốt trong các cuộc thí nghiệm, hải quân Mỹ ngần ngại khi giao quyền điều khiển những quả bom đắt tiền cho các “phi công” bồ câu, nên cuối cùng chẳng có chiến dịch nào được triển khai dựa trên chim chóc.
Tuy nhiên, nghiên cứu của chuyên gia Skinner vẫn tiếp tục truyền đến ngày nay và đang được sử dụng cho các thiết bị hằng ngày trên toàn thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.