Đông xác chờ sống lại - Kỳ 3: Nghĩa địa âm 196 độ C

01/05/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Hàng trăm người đã đông xác, hàng ngàn người đã đóng bộn tiền chờ tới ngày vô thùng lạnh dẫu chưa từng có ai thực sự hồi sinh, giới khoa học gia thì đầy nghi hoặc.

(TNO) Hàng trăm người đã đông xác, hàng ngàn người đã đóng bộn tiền chờ tới ngày vô thùng lạnh dẫu chưa từng có ai thực sự hồi sinh, giới khoa học gia thì đầy nghi hoặc.

Giấc mơ ngàn năm
Các nhà khoa học đã bước đầu thành công trong việc làm lạnh một người sống đến mức độ gần như là chết, khi hầu như mọi sự trao đổi chất đều ngưng lại, sau đó làm hồi tỉnh họ thành công. Nhưng đông lạnh và hồi sinh một người hàng chục, hàng trăm năm - lại đã chết queo - là chuyện hoàn toàn khác, không tí khả thi theo các hiểu biết y khoa hiện đại nhất. Mặc kệ, dù có khả thi về mặt khoa học hay không, dân tình vẫn cứ náo nức chui vô các thùng ni tơ lỏng đông lạnh xác của mình đến âm 196 độ C, kiên nhẫn chờ tới ngày bước ra thám hiểm thế giới của tương lai.
Một nhà khoa học xử lý chất ni tơ lỏng, dung dịch chủ yếu để đông xác chờ phục sinh - Ảnh: Shutterstock
Cũng không có gì là quá phi logic khi mà hàng ngàn năm qua, con người vẫn không mệt mỏi đi tìm viên thuốc trường thọ. Trong bối cảnh chưa thấy bóng dáng viên thuốc trường thọ đâu, đã "lỡ chết", họ chỉ còn vịn vào một giải pháp duy nhất: tìm cách sống lại. Nhưng liệu niềm tin mong manh của họ có một chút cơ sở nào không?
Mờ mịt
Hãng truyền thông BBC dẫn lời giáo sư Ken Storey, một nhà sinh hóa tại Đại học Carleton (Canada), cho rằng viễn cảnh thành công là rất mờ mịt: "Chúng ta đã rõ từ các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực bảo quản nội tạng cấy ghép rằng mỗi cơ quan cần làm lạnh ở một tốc độ khác nhau, bằng các hỗn hợp chất đông, độ đậm đặc của chất đông khác nhau. Cho dù bạn chỉ muốn đông lạnh mỗi bộ não đi chăng nữa, nó cũng đã có hàng chục khu vực khác nhau, cần các cách thức đông lạnh khác nhau".
Cận cảnh thùng ni tơ lỏng - Ảnh: Shutterstock
Bỏ qua các rủi ro làm hư tổn cơ thể trong quá trình đông lạnh, việc "rã đông" chúng ra sao trước khi hồi sinh cũng nằm ngoài khả năng của khoa học thời hiện đại. Một khi bị đông lạnh đến mức độ âm 196 độ C như ở Alcor Life Extension Foundation (Cơ sở kéo dài sự sống Alcor - một địa chỉ đông xác chờ phục sinh nổi tiếng đặt tại Mỹ), các thi thể sẽ giòn như thủy tinh trong quá trình rã đông. Đó là nhận định của tiến sĩ Dayong Gao, một chuyên gia nghiên cứu về sự đông lạnh thuộc Đại học Washington (Mỹ). Ông nói thêm não bộ, nơi mà mỗi neuron có thể có tới 10.000 điểm kết nối (một bộ não có chừng 100 tỉ neuron) đặc biệt dễ hư tổn khi đông lạnh và rã đông.
Và câu hỏi lớn nhất: làm sao làm người chết đi sống lại, làm sao phục hồi các hư tổn của cái chết, của bệnh tật, của tuổi già vẫn không có một tí manh mối nào.
Nghĩa địa mát rười rượi
Max More, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alcor, là người đầu tiên thừa nhận chẳng có sự đảm bảo nào. BBC dẫn lời ông: "Chúng tôi không biết chắc, có thể tồn tại rất nhiều sai sót". Đến khi bị thúc ép phải đưa ra một con số, ông More nói rằng các hội viên của Alcor có thể phải chờ 50 hoặc 100 năm đến lúc y khoa tiến bộ đủ để hồi sinh họ. Và đó cũng chỉ là một ước tính vu vơ. Ông thừa nhận: "Thực sự là không thể nào xác định được. Chúng tôi còn chưa biết sẽ dùng công nghệ nào để sửa chữa các hư tổn (trên các thi thể)".
Trước khi đông lạnh, tử thi được phẫu thuật để xử lý thích hợp - Ảnh: Reuters
Nhưng dù sao, More cũng có một lời đảm bảo: ngành khoa học sinh sản mô đang tiến bộ liên tục, chuyện hồi sinh xác chết sẽ không rủi ro cao bằng... du hành ngược thời gian. Thế nên bạn cứ yên tâm mà đóng 80.000 USD cho Alcor, chờ tới ngày hồi sinh!
Còn một nguyên nhân thuyết phục khác để bạn đông xác: dẫu viễn cảnh bị ngâm hàng chục, hàng trăm năm trong các thùng ni tơ lỏng lạnh ngắt ở tư thế chổng chân lên trời nghe không được sành điệu cho lắm nhưng bạn cứ hãy nghĩ lại mà xem, nó vẫn "dễ chịu" hơn là để cho côn trùng rỉa rói trong lòng đất. Đó là lời thuyết phục của ông chủ tịch Alcor. Thế nên dù có không được phục sinh đi chăng nữa, bạn vẫn yên tâm được là thành viên của một nghĩa địa công nghệ cao mát rười rượi! Chỉ với giá 80.000 USD!
 
Lịch sử đông xác
1964: Giáo viên vật lý Robert Ettinger xuất bản quyển sách The Prospect of Immortality (Viễn cảnh bất tử), đặt tiền đề cho phong trào đông xác hiện đại.
1967: Nhà tâm lý học James Bedford qua đời lúc 73 tuổi, trở thành người đông xác đầu tiên.
Thập niên 70 của thế kỷ trước: Một số dịch vụ thương mại đông xác chờ phục sinh đầu tiên ra đời. Tuy nhiên do giá thành lúc đó quá đắt, nhiều "hãng kinh doanh sự sống lại" không tìm được khách hàng nên phải đóng cửa trong các thập niên sau đó.
2005: Các nhà khoa học tuyên bố đã làm sống lại nhiều con chó chết lâm sàng.
2011: Sau khi qua đời ở tuổi 92, Robert Ettinger trở thành người thứ 106 được đông xác tại Cryonics Institute (Học viện đông xác, đặt trụ sở tại Mỹ) - công ty mà ông đã sáng lập và năm 1976.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.