Đội xe ôm du lịch

06/02/2012 09:09 GMT+7

“Rất tuyệt! Chỉ có ở Việt Nam!” là nhận xét của Matthew, du khách Mỹ, về đội xe ôm du lịch ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

 
Chuẩn bị đưa du khách lên đường khám phá mọi miền đất nước

Đội xe ôm du lịch (HTX Vận tải Mô tô Du lịch Đà Lạt) có 43 thành viên. Họ nói tiếng Anh lưu loát; thậm chí có người còn giao tiếp được bằng các tiếng Đức, Pháp, Trung... Đội có hẳn một website: www.dalat-easyrider.com.vn.

Nơi nào cũng đi

Sau nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi mới gặp được một số thành viên trong đội bởi khi thì các anh đang ở hòn Đá Bạc tận đất mũi Cà Mau, lúc thì đang cùng du khách khám phá chợ phiên Đồng Văn ở Hà Giang. Điểm mà các anh hẹn gặp chúng tôi không phải là góc phố, vỉa hè nào đó mà là một văn phòng trên đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt.

Vừa rê chuột, anh Quang “google”, thành viên của đội xe ôm du lịch, cho biết: “Công việc hằng ngày của chúng tôi là lên website để tư vấn cho khách những điểm tham quan du lịch của mọi miền đất nước”.

Năm 1991, những tài xế xe ôm có tuổi vốn là thầy giáo dạy tiếng Pháp trước năm 1975 đã tập hợp anh em có trình độ ngoại ngữ để lập đội xe ôm du lịch độc nhất vô nhị trên cả nước lúc bấy giờ. “Không phân biệt Bắc - Trung - Nam, ai rành đường, yêu du lịch và có thể hướng dẫn khách quốc tế khám phá đất nước Việt Nam thì về với chúng tôi” -  anh Hoàng Văn Hồng, kiểm soát viên HTX Vận tải Mô tô Du lịch Đà Lạt, nói.

Theo anh Võ Minh Lộc, thành viên đội xe ôm du lịch, khi mới khởi nghiệp, các thành viên trong đội chỉ có vốn ngoại ngữ kha khá, còn kiến thức về văn hóa và lịch sử thì hạn chế. Vì cuộc sống và thích khám phá nên các anh cố gắng học hỏi thêm về văn hóa và lịch sử, ngoại ngữ để phục vụ du khách tốt hơn. “Bây giờ, chúng tôi chuyên nghiệp lắm rồi” - anh Lộc khẳng định.

Anh Thiện “rocky” bén duyên với nghề xe ôm du lịch từ thời còn là sinh viên của Trường ĐH Đà Lạt. Làm thêm kiếm sống thời sinh viên, vài năm sau khi ra trường, Thiện “rocky” quyết theo cái nghề lên rừng xuống biển bằng xe  máy. Đa số  thành viên đội xe du lịch trước kia làm các nghề khác nhau, như anh Trần Long từng làm trưởng đoàn thông dịch viên cho nhóm lao động bên Đức, “giáo sư” Ẩn là giáo viên dạy tiếng Pháp trước năm 1975…

Đến như khách, đi như bạn

Anh Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải Mô tô Du lịch Đà Lạt, cho biết những năm đầu, các thành viên trong đội rất vất vả khi chào tour vì du khách sợ không an toàn trên những chiếc Win, Bonus… Tuy nhiên, nhờ tài thuyết phục của các anh, một số du khách cũng ưng thuận và từ đó đội xe có khách đều đều.

Theo anh Sinh, bước ngoặt của đội xe ôm du lịch là năm 1999, khi anh Nguyễn Văn Thiện và một số thành viên thiết lập website giới thiệu về đội. Từ website này, thông tin về đội đã có mặt trên một số tờ báo ở nước ngoài nên du khách quốc tế tìm đến ngày càng nhiều.

Uy tín, thương hiệu của đội xe ôm du lịch được các thành viên tôn trọng và giữ gìn. Anh Hoàng Văn Hồng bộc bạch: “Phải giữ gìn hình ảnh đẹp của đội xe và con người Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Khẩu hiệu “Đến như khách, đi như bạn” là tôn chỉ hoạt động của chúng tôi”.

 
Chụp ảnh lưu niệm với du khách

Đưa nhiều du khách nước ngoài đến mọi miền đất nước, điều các anh vui nhất là họ rất thích lối sống tình cảm và sự thân thiện của người Việt Nam. Có lần thấy các nông dân vất vả, du khách đã yêu cầu các anh dừng xe để họ xuống cấy lúa, nhổ cỏ… cùng nông dân. “Cách đây 5 tháng, tôi chở ông Dohn, cựu chiến binh Mỹ, tham quan chiến trường xưa. Khi gặp một thương binh đang làm đồng ven đường Hồ Chí Minh, ông Dohn bảo tôi dừng xe. Sau một hồi chuyện trò, hai ông ôm chầm lấy nhau vừa cười vừa khóc... Rồi ông Dohn tặng người thương binh một món quà và nói: Tôi thích câu nói của  nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi trả lời một phóng viên nước ngoài: “Chúng tôi biết quá khứ nhưng chúng ta không nên nói nhiều về quá khứ. Hãy  cùng  nhau xây dựng cuộc sống hiện tại và hướng đến tương lai” - anh  Nguyễn Văn Thiện xúc động kể.

Cần nhất là cái tâm

“Thật khó khi muốn gia nhập đội xe ôm du lịch. Ngoài việc có kiến thức và nghiệp vụ, ứng viên phải trải qua thử thách hơn 3 tháng ròng rã rồi mới được cầm lái đưa du khách đến những điểm gần” - anh Phan Trung Hoan (25 tuổi), thành viên mới, nói. Giải thích về điều này, anh Hoàng Văn Hồng cho biết nghề xe ôm du lịch cần nhất là cái tâm, không thể làm ăn chụp giật vì vừa là bạn đồng hành vừa là sứ giả quảng bá du lịch Việt Nam.

Theo anh Hoan, khi tham gia đội, các thành viên phải đoàn kết vì lợi ích chung, không ngừng trau dồi kiến thức và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Chủ nhiệm hiện nay của HTX Vận tải Mô tô Du lịch Đà Lạt là anh Nguyễn Văn Thiện (SN 1979). Ngoài thông thạo ngoại ngữ, anh Thiện còn có thẻ hướng dẫn viên quốc tế; chứng chỉ tổ chức quản lý vận tải hành khách bằng ô tô, mô tô…

“Nhờ tổ chức có kỷ luật, hoạt động nhịp nhàng nên đến thời điểm này, thông tin về đội xe ôm du lịch đã có trên các báo, tạp chí du lịch nổi tiếng Việt Nam và thế giới” - anh Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Những tấm lòng từ thiện

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thiện, kế hoạch tương lai của HTX Vận tải Mô tô Du lịch Đà Lạt là xây dựng website chuyên nghiệp tương tác với du khách và mở thêm văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Mặc dù thu nhập chỉ giúp các thành viên đội xe du lịch đủ nuôi sống gia đình nhưng họ vẫn tham gia hoạt động từ thiện. Hiện Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Thiện là ủy viên, còn các thành viên là hội viên của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ em mồ côi tỉnh Lâm Đồng. “Chúng tôi đóng góp với mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh” - anh Hoàng Văn Hồng nói.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.