Đội 'shipper' sinh tồn: 200% sức lực vì 3.000 người dân cô lập vì sạt lở

Mạnh Cường
Mạnh Cường
03/11/2020 08:17 GMT+7

Một đội thồ hàng được hình thành trong tình huống bất đắc dĩ, khi sứ mệnh họ mang trên vai nặng hơn rất nhiều bao tải hàng đang vác: Đảm bảo sinh tồn cho 3.000 người dân đang thiếu đói, cô lập vì sạt lở .

Họ không xa lạ. Đó chính là những anh dân quân xã, những thanh niên và cả đàn bà, trẻ em trong thôn của xã Phước Thành, Phước Công, Phước Lộc (H.Phước Sơn, Quảng Nam), hễ có sức thì xung phong đi gùi hàng cho dân làng...

Phút nghỉ chân của một shipper “nhí”

Nghĩ đến bà con đang thiếu đói là chân cứ bước đi

Phụ nữ, trẻ em cõng hàng cứu trợ trèo núi dựng đứng vì 3.000 người bị cô lập

Dù vốn giỏi đi rừng nhưng anh Hồ Văn Phiên (24 tuổi, dân quân xã Phước Thành) cũng phải thở dốc mỗi khi bước chân lên những hòn đá chênh vênh bên bờ suối. Đặt vội bao tải lên tảng đá ngay lưng chừng núi, Phiên dường như đã thấm mệt, bởi từ hôm qua đến nay anh rong ruổi vượt ngọn núi dựng đứng, băng qua chục con suối, hàng trăm điểm sạt lở để gùi cõng hàng về cho người dân.
Trong ngày 2.11, xã Phước Thành đã huy động khoảng 500 người gồm dân quân tự vệ, xung kích và người dân địa phương ra khu vực khe suối giáp với thôn 3 (xã Phước Kim) để gùi gạo, thực phẩm từ đoàn tiếp tế về làng. Ở một nhánh khác, việc tiếp tế hàng cho 948 hộ dân vùng cô lập Phước Lộc được những đội thồ hàng từ Phước Công đảm nhận.
Đôi tay Phiên mỏi nhừ, đôi chân run run sau thời gian phải lội sâu trong bùn đất. “Từ hôm qua đến giờ em đi 5 chuyến. Dù rất mệt nhưng cứ nghĩ chuyến hàng này sẽ giúp bà con mình ở đó tạm qua được cơn khốn khó là chân cứ bước đi. Gia đình em vốn cũng ở đó mà”, Phiên cười. Phiên kể, những ngày bị cô lập các hộ dân có nhà bị trôi phải tá túc ở trạm y tế, UBND xã, hoặc đến ở nhờ nhà người dân. Tài sản trôi hết nên không còn gì ăn, những nhà may mắn còn sót lại thì chia sẻ cho nhau từng miếng cháo, củ sắn, bộ quần áo để cầm cự qua ngày.
Mồ hôi chảy ướt lưng áo. Những phụ nữ vẫn bền bỉ leo núi. Có lẽ cuộc sống vất vả đã rèn cho họ tính chịu khó, sự dẻo dai để chinh phục hàng chục đỉnh núi mỗi ngày. Để đến được thôn 3 (xã Phước Kim) gùi cõng gạo, thực phẩm từ đoàn tiếp tế về lại làng, họ mất 6 giờ đồng hồ cả đi cả về.
Bao tải chứa 25 kg gạo vừa được thả xuống khi lên đến lưng chừng núi, chị Hồ Thị Thế lau vội mồ hôi. Gương mặt người phụ nữ Giẻ Triêng khắc khổ hiện rõ sự mệt mỏi. Nghỉ chừng năm phút, chị lại vội tiếp tục đi về phía núi. Chị ngoảnh lại nói với: “Nhà trôi hết, không lấy được gì cả. Chỉ biết bỏ chạy thôi. Giờ có gạo là sống rồi. Mấy ngày nay không có gì ăn cả”.
Hướng về miền Trung: Đội “shipper” sinh tồn

Một phụ nữ Giẻ Triêng với bao hàng nặng trĩu trên vai

Shipper nhí

Suốt hành trình leo núi, đội cõng hàng đi trong im lặng. Dừng chân nghỉ trên một đỉnh đồi, vẻ mệt mỏi hiện rõ theo nhịp thở và nét mặt của từng người. Tôi chú ý đến Hồ Văn Khánh (14 tuổi). Nhỏ tuổi nhất nhưng Khánh luôn là người dẫn đầu đoàn người cõng hàng vượt dốc trở về xã. Trên vai là thùng hàng nặng hàng chục ký, nhưng Khánh vẫn sải những bước chân mạnh mẽ. Khánh cho hay đợt mưa lũ vừa rồi khiến nhà em bị hư hỏng một phần, trong lúc “chạy nạn” không may ba mẹ đều bị thương ở chân nên không thể leo núi được. “Giờ em không đi thì cả nhà không có gì ăn. Nhà em nhịn đói mấy ngày nay rồi. Ba mẹ và 3 đứa em đang chờ em ở nhà”, Khánh nói rồi phăng phăng bước đi. Mấy chiếc bánh gạo người dân đưa Khánh vẫn cầm trên tay. Khánh bảo, em ăn tạm mì tôm sống, bánh để cho hai đứa em ở nhà.
Đi sau Khánh là Hồ Đình Nghĩa (16 tuổi). Đợt mưa lũ vừa rồi cũng đã cuốn trôi căn nhà của gia đình em. Từ 5 giờ sáng, Nghĩa theo đoàn băng rừng, vượt núi cõng gạo về nhà. Trong tâm trí Nghĩa vẫn còn ám ảnh cơn lũ quét cuốn trôi đi tất cả vào chiều 28.10. “Nhà cửa, tài sản, trâu bò đều theo nước lũ đi cả rồi. Gia đình em 6 người đang phải tá túc tại điểm trường mầm non của xã. Qua giờ em theo ba đi cõng hàng về một phần cho gia đình, một phần phát cho những nhà không đi được”, Nghĩa nói.
Hướng về miền Trung: Đội “shipper” sinh tồn

Người dân Phước Thành nhận hàng tại nơi tập kết, chuẩn bị băng rừng, vượt suối cõng về

Cõng hy vọng trên vai

Năm 2016, sau trận mưa lớn, căn nhà của gia đình chị Hồ Thị Trân bị cuốn theo vụ sạt lở, vùi lấp toàn bộ đồ đạc. Cũng may lúc đó không có ai ở trong nhà, không thì cũng không biết chạy đi đâu. Khổ cũng chịu được, cực cũng quen rồi, nhưng sau đợt ấy, ai cũng sợ. Nỗi sợ ấy lại một lần nữa ám ảnh gia đình chị, khi căn nhà mới được dựng lại bằng tiền vay mượn một lần nữa bị lũ cuốn trôi. “Trắng tay rồi! Cơn lũ ống cuốn trôi đi hết. Mấy ngày nay không có gì mà ăn cả. Ruộng vườn, nương rẫy giờ bị san phẳng. Tương lai không biết sống thế nào nữa. Khổ lắm!”, chị Trân thở dài.
Để gùi cõng được những bao tải hàng về, chị Trân và những người đi cùng phải vượt qua những dốc đá chênh vênh, hiểm trở; chỉ một chút sơ sẩy là trượt chân xuống vực. “Mệt lắm! Nhưng nếu không đi ngồi ở nhà... chết đói”, chị Hồ Thị Lan nói trong hơi thở dốc.
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho hay: Lượng gạo dự trữ đủ để cấp phát tạm thời, tuy nhiên thực phẩm và quần áo rất thiếu thốn. Người dân phải san sẻ cho nhau từng bộ quần áo, từng chút thức ăn, nhiều thôn phải chắt chiu từng can nước sạch để nấu ăn. “Những ngày qua chính quyền rất lo lắng về việc thiếu lương thực cho bà con. Nước đầu nguồn đều bị nhiễm đục, bà con không có nước sinh hoạt”, ông Phức nói.
Trên những con dốc dựng đứng, bóng người và hàng hóa đổ dài, chậm chạp từng bước chân nặng nhọc. Hành trình từ xã Phước Kim về đến xã Phước Thành những ngày mưa gió sạt lở bùn lầy thế này, họ phải đi với 200% sức lực.
Đoàn người cứ lầm lũi đi về phía núi. Trên lưng họ là cả niềm hy vọng, ít nhất là cho những ngày trước mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.