Doanh nhân... ngồi xe lăn

26/01/2016 09:35 GMT+7

Gần hết cuộc đời gắn bó với chiếc xe lăn, ông Lâm Tẻn Cuôi (65 tuổi, ngụ TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã làm được nhiều việc khiến người bình thường phải mến phục.

Gần hết cuộc đời gắn bó với chiếc xe lăn, ông Lâm Tẻn Cuôi (65 tuổi, ngụ TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã làm được nhiều việc khiến người bình thường phải mến phục.

Dù tật nguyền, ông Lâm Tẻn Cuôi vẫn quyết tâm vượt lên số phận - Ảnh: Trần Thanh PhongDù tật nguyền, ông Lâm Tẻn Cuôi vẫn quyết tâm vượt lên số phận - Ảnh: Trần Thanh Phong
Không đầu hàng số phận
Ông Cuôi kể cơn sốt bại liệt năm lên 3 tuổi đã khiến ông không thể chạy nhảy bình thường như bao đứa trẻ khác. Ông bị liệt xương sống, đốt sống cổ, cả hai chân và cánh tay phải. Cha mẹ ông đã vay mượn khắp nơi để chữa trị cho con nhưng bệnh của ông không giảm mà ngày càng nặng thêm. Suốt 3 năm trời, cậu bé Cuôi chỉ nằm bất động một chỗ, mãi đến năm 6 tuổi, ông mới ngồi dậy được, năm 7 tuổi bắt đầu cử động linh hoạt hơn, rồi đến năm 8 tuổi mới biết bò. Do sức khỏe yếu, không thể tự đi lại được nên tận năm 10 tuổi, ông phải nhờ anh trai đưa rước mỗi ngày để đi học lớp 1. Năm 15 tuổi, khi học xong lớp 5, ông đành nghỉ học vì bệnh tật, trường học lại xa nhà. Thay vào đó, hằng ngày ông tự học từ sách vở chép lại của người anh. May mắn đến với ông khi một cô giáo thấy ông thông minh, ham học đã tự nguyện đến nhà dạy kèm trong những lúc rảnh rỗi. Nhờ đó, ông Cuôi đã hoàn thành chương trình lớp 12.
Theo ông Cuôi, đó là những năm tháng gian khổ nhất trong cuộc đời ông. Bản thân bị tật nguyền, sinh hoạt hằng ngày vô cùng khó khăn, trong khi nhà ông lại rất nghèo, cha mẹ ông phải làm thuê làm mướn đủ thứ nghề nuôi 4 người con. Là con trai út, ông xót xa khi thấy mẹ mình phải bán từng trái chuối nướng kiếm tiền, nên dù tàn tật, ông Cuôi vẫn ra vỉa hè buôn bán phụ mẹ.
Ông Cuôi tâm sự khi đến tuổi trưởng thành, ông cũng thầm yêu một, hai người con gái ở quê nhưng không người nào muốn tiến tới với người tàn phế như ông. Từ thất tình đến thất vọng, rồi nỗi buồn số phận, mặc cảm cứ thế tăng lên, ông tìm đến văn chương để giải bày tâm sự. “Ban đầu tôi viết nhật ký để thể hiện tâm trạng, cảm xúc của mình, sau đó tôi bắt đầu sáng tác, đến nay số lượng thơ đã lên đến hàng trăm bài”, ông Cuôi chia sẻ. Do đó, nhiều người ở xứ Bạc Liêu thường gọi ông là “gã tàn phế mang tâm hồn thi sĩ”. Hiện ông Cuôi đã xuất bản được 8 tập thơ, nhiều bài được đăng trên tạp chí, báo in trong và ngoài tỉnh.
Sống có ích
Ông Cuôi nhớ lại: “Cha tôi thường nói có để lại bao nhiêu tiền, tôi cũng sẽ ăn xài hết nên muốn dạy tôi cách tự kiếm tiền. Đến lúc nào người tàn tật như tôi giúp đỡ được người khác mới thành công, còn người tàn tật mà phải sống nhờ sự giúp đỡ của người khác là thất bại”. Ghi nhớ lời cha dạy và bằng nỗ lực của mình, ông Cuôi đã vượt qua số phận nghiệt ngã để trở thành người có ích. Năm 25 tuổi, nhờ mai mối, ông lập gia đình với bà Võ Thị Tuyết Mai, người thấu hiếu hoàn cảnh và luôn ở bên hỗ trợ ông. Sau khi kết hôn, được cha mẹ hai bên giúp đỡ, vợ chồng ông mở điểm mua bán thức ăn gia súc, thuốc thú y nhỏ. Nhờ chí thú làm ăn nên vợ chồng ông ngày càng ăn nên làm ra. Hiện cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc, thuốc thú y Lâm Nguyên Hưng (tại P.7, TP.Bạc Liêu) của gia đình ông Cuôi đã có tiếng trên thị trường, chuyên bán cho bà con nông dân khắp trong và ngoài tỉnh. Trong số 5 người con của vợ chồng ông, một người đã tốt nghiệp đại học, người con út đang học thạc sĩ, 3 người còn lại đều đã lập gia đình và làm kinh doanh.
Đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh như mình, sau khi trở thành doanh nhân thành đạt, ông Cuôi rất tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Ông thường giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, những em bé lang thang cơ nhỡ, bạn bè gặp cảnh khó khăn... Với những việc làm đó, năm 2000, ông Cuôi vinh dự được UBND tỉnh Bạc Liêu chọn là người tàn tật thành đạt và cử đi dự Hội nghị người tàn tật châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.