Dìu nhau đến cuối cuộc đời

10/03/2012 09:27 GMT+7

Từng không dám mơ cuộc sống gia đình khi đến đâu cũng bị xa lánh, nhưng giờ đây ở tuổi ngũ tuần, người đàn ông có gương mặt biến dạng ấy chỉ mong đủ sức khỏe để lo cho vợ con.

Từng không dám mơ cuộc sống gia đình khi đến đâu cũng bị xa lánh, nhưng giờ đây ở tuổi ngũ tuần, người đàn ông có gương mặt biến dạng ấy chỉ mong đủ sức khỏe để lo cho vợ con.

“Khuôn mặt ông ấy biến dạng và phù lên khiến nhiều người rất sợ. Lúc đầu tôi sợ lắm khi nhìn thấy khuôn mặt “quỷ” của ông, nhưng dần rồi cũng quen. Chắc tôi với ông ấy có duyên số từ kiếp trước” - bà Trần Thị Bằng, tổ 12, thôn An Khánh, Thủy Lương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), kể lại câu chuyện lúc gặp chồng là ông Lê Phúc. Cả hai vợ chồng năm nay đã 55 tuổi.

Bén duyên nhờ chăn trâu

Lúc mới sinh, toàn bộ phần má, môi, mũi trên gương mặt cậu bé Phúc bị sưng tấy lên, tím tái. Nhiều người ở đây thường gọi cậu là “người mặt quỷ”. Phúc luôn bị bạn bè, hàng xóm ruồng rẫy, xa lánh. Từ nhỏ, Phúc chỉ biết đi chăn trâu thuê kiếm cơm nuôi sống mình. Ra đường, cậu thường đội nón sụp che mặt để khỏi ai trông thấy. Rồi Phúc thành một thanh niên, cũng có tình cảm nam nữ. Nhưng mặc cảm về số phận và hình hài xấu xí làm Phúc không dám mơ tới một mái ấm.

 
Những lúc đi làm về, ông Phúc thường phụ vợ công việc nhà - Ảnh: L.T

Chuyện cổ tích được hé mở khi 32 năm trước, trong những lần chăn trâu thuê cho chủ tại xã Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, Phúc đã đem lòng yêu thầm cô gái có làn da trắng, đôi mắt sâu và rất duyên là Bằng (vợ ông bây giờ). Nhà Bằng nghèo, không đủ ăn, Bằng cũng đi chăn trâu thuê cho chủ. “Lúc đầu khi nhìn thấy khuôn mặt đáng sợ của ông ấy, tôi và nhiều trẻ chăn trâu khác đã té xỉu. Nhưng sau đó tự nhiên thấy tính ông thật thà, chất phác nên tôi mến” - bà Bằng kể.

 
"Nhiều lúc trở trời, đầu ổng đau như ai đóng đinh vào. Thế là ổng nổi cơn đập phá nhà cửa. Nhưng một thời gian sau thì ổng bình phục, lại hiền hậu, lo làm ăn nuôi vợ con. Có lúc thấy ổng đi bán vé số đường xa, đi sớm về tối tôi đứng ngồi không yên"

Bà Trần Thị Bằng

Tình yêu giữa “đôi đũa lệch” nảy nở trong sự cấm đoán, gièm pha của gia đình, họ hàng và bạn bè. Bởi lúc đó, Bằng thuộc hàng hoa khôi trong làng. Nhưng dù thế nào, họ vẫn cứ quyết lấy nhau như sự sắp đặt của số phận. Một đám cưới diễn ra lặng lẽ, ngoài cô dâu chú rể chỉ có sự có mặt của ba mẹ chồng. “Chúng tôi cưới nhau được hai ngày, có lẽ quá đau buồn mà mẹ ruột của bà ấy (bà Bằng) bỏ đi biệt xứ” - ông Phúc buồn bã.

Một năm sau, bà Bằng hạ sinh cho chồng đứa con khỏe mạnh, lành lặn.

Qua khổ ải

Hằng ngày, vợ chồng ông Phúc đi làm thuê làm mướn chăm chỉ. Tới mùa bà Bằng gặt lúa thuê, mót lúa, cắt cỏ để kiếm tiền, còn chồng thì đi phụ hồ kiếm sống. Nhưng ngờ đâu tai họa lại ập đến với tổ ấm bé nhỏ ấy. Cách đây mấy năm, bà Bằng mắc phải chứng bệnh sỏi mật nặng, không làm được việc nặng nhọc. Một tay ông Phúc đảm đang lo cuộc sống của vợ và ba đứa con. Hằng ngày, ông lặn lội đạp xe gần chục cây số lên TP Huế bán vé số mưu sinh. “Lúc tôi mới đi bán vé số, ai nhìn thấy khuôn mặt đáng sợ của tôi cũng phát khiếp. Nhất là những đứa con nít...” - ông ngậm ngùi.

Trong làng, trong thôn tổ chức đám tiệc, ông Phúc ái ngại không tham dự. Một phần, ông mặc cảm vì tới đâu cũng có bao con mắt nhìn chằm chằm vào khuôn mặt ông. Một phần, ông không muốn mọi người ăn mất ngon.

Khó khăn nhất bây giờ là bệnh tình của bà Bằng vẫn chưa thuyên giảm. Cuộc sống cứ thế chồng chất khó khăn. Mặc dù vậy, vợ chồng ông bà vẫn thương yêu nhau, dìu dắt nhau qua những khó khăn trong quãng đời còn lại. “Đến bây giờ tôi vẫn còn nợ bà ấy một chữ tình. Tôi không nghĩ một người như mình lại được bà ấy yêu thương đến vậy. Chỉ mong sao đôi chân tôi cứng chắc, đôi mắt tỏ đường để đi bán vé số kiếm sống, lo thuốc thang cho bà ấy” - ông Phúc xúc động nói.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.