Điều chỉnh gien di truyền trên phôi người

21/02/2016 07:51 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử y học Anh, các chuyên gia sẽ được phép thực hiện những thủ thuật điều chỉnh gien di truyền trên phôi người sau khi được chính phủ bật đèn xanh.

Lần đầu tiên trong lịch sử y học Anh, các chuyên gia sẽ được phép thực hiện những thủ thuật điều chỉnh gien di truyền trên phôi người sau khi được chính phủ bật đèn xanh.

Có thể chỉnh sửa phôi bằng kỹ thuật CRISPR-Cas9 - Ảnh: ShutterstockCó thể chỉnh sửa phôi bằng kỹ thuật CRISPR-Cas9 - Ảnh: Shutterstock
Trong một thông báo gây chấn động, chính quyền London đã cấp giấy phép cho kỹ thuật can thiệp ADN vào phôi người trong tuần đầu tiên kể từ khi trứng gặp tinh trùng. Giới hữu trách cho rằng các kết quả thu được trong quá trình can thiệp gien có thể giúp hé lộ những manh mối mới nhằm phanh phui nguyên nhân gây nên tình trạng sẩy thai ở người mẹ. Tính đến giờ phút này, việc cấy lại phôi thai đã bị điều chỉnh gien di truyền vào dạ con vẫn bị cấm, nhưng quyết định trên được đánh giá đóng vai trò bước ngoặt trong công nghệ can thiệp gien di truyền có tên là Crispr-Cas9.
Theo tờ The Independent UK, Cơ quan Thụ tinh và phôi học người (HFEA) đã thông qua đơn xin phép của tiến sĩ Kathy Niakan thuộc Viện Francis Crick với nội dung xin cấp mới giấy phép nghiên cứu của phòng thí nghiệm do bà đứng đầu, trong đó bổ sung thêm khoản chỉnh sửa gien di truyền ở phôi người. Với quyết định trên, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới, có lẽ là nước đầu tiên ở phương Tây, cấp phép nghiên cứu và tiến hành chỉnh sửa trên phôi người. Dự án mới của Viện Francis Crick nhiều khả năng sẽ được triển khai trong vài tuần nữa, sau khi nhận được sự chấp thuận của một ban hội thẩm chuyên về đạo đức trong y khoa.
Tiến sĩ Niakan cho hay đang lên kế hoạch chỉnh sửa phôi bằng kỹ thuật CRISPR-Cas9, biện pháp cho phép các nhà khoa học chèn, loại bỏ và điều chỉnh ADN bên trong tế bào. Những phôi thai đã được can thiệp sẽ buộc phải tiêu hủy trong vòng 14 ngày, và chỉ sử dụng cho nghiên cứu đóng vai trò nền tảng nhằm tăng xác suất đậu thai ở các cặp vợ chồng vô sinh. Được biết, phôi người chỉ có khoảng 250 tế bào trong 7 ngày đầu kể từ khi thụ tinh, và phần lớn trong số này sẽ được nhau hấp thu trực tiếp. Nếu hiểu rõ gien nào phát đi mệnh lệnh trên, bác sĩ điều trị có thể cải thiện đáng kể xác suất thành công khi thụ tinh nhân tạo (IVF) cho bệnh nhân. Dự án của bà Niakan sẽ tận dụng phôi thừa trong quá trình IVF, có nghĩa là các phôi sớm hay muộn gì cũng tiêu hủy chúng, và phải được sự đồng ý của các đối tượng trước khi tiến hành thí nghiệm.
Crispr-Cas9 được đánh giá là một công cụ mạnh mẽ trong việc điều chỉnh chuỗi ADN, nhưng phe phản đối liên tục cảnh báo về nguy cơ xảy ra viễn cảnh chế tạo “những đứa bé được thiết kế di truyền”, chưa kể các nguy cơ chưa được tính toán thấu đáo một khi can thiệp vào quá trình hình thành một con người. Tuy nhiên, giới chuyên gia Anh tỏ vẻ hồ hởi trước tin tức trên, cho rằng đây là “một bước tiến khích lệ” trên con đường vận dụng Crispr-Cas9 để tạo ra các kết quả nghiên cứu lâm sàng phục vụ cho mục đích y khoa. Theo đó, các công cụ điều chỉnh gien được cho là sẽ cung cấp những cái nhìn mới mẻ về các cơ chế di truyền cơ bản nhất, đóng vai trò kiểm soát vị trí của tế bào trong giai đoạn đầu của phôi thai. Những cơ chế này đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo quá trình phát triển bình thường và cấy phôi khỏe mạnh vào tử cung người mẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.