Điện về làng nghề khởi sắc

15/05/2019 08:42 GMT+7

Từ khi có điện lưới quốc gia, nhiều làng nghề truyền thống ở H.Trà Cú (Trà Vinh) trở nên khởi sắc, góp phần giải quyết việc làm và giúp thu nhập của người dân ngày càng tăng cao.

Trà Cú là huyện vùng nông thôn sâu của tỉnh Trà Vinh, có hơn 60% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ngoài sản xuất nông nghiệp là chính, Trà Cú có không ít hộ dân làm các nghề truyền thống như: đóng giường tre, đan lát, dệt chiếu...

Động lực mới cho làng chiếu Cà Hom

Chiếu Cà Hom là sản phẩm đặc trưng của đồng bào Khmer xã Hàm Tân, H.Trà Cú. Bà Sơn Thị Kích Na, cơ sở dệt chiếu Trúc Mai - Cà Hom, cho biết: Làng nghề Cà Hom chỉ thực sự nhộn nhịp hơn từ khi điện lưới được kéo về. Năng suất của những chiếc máy dệt chiếu bằng điện cao gấp nhiều lần so với dệt tay. Với khung dệt tay, muốn dệt 1 chiếc chiếu thường phải có 2 người và chỉ dệt được tối đa 2 - 3 chiếc chiếu/ngày. Với khung dệt máy, 1 người có thể dệt 12 - 15 chiếc chiếu/ngày, chất lượng lại rất đẹp, nhân công giảm, thời gian rút ngắn hơn rất nhiều, lợi nhuận tăng và cuộc sống gia đình đi lên từng ngày.
Chủ tịch UBND xã Hàm Tân Liêng Phước Thiện cho biết từ khi có điện lưới quốc gia, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn người dân sử dụng điện để dệt chiếu và các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Toàn xã có 2.253 hộ thì có 569 hộ tham gia làng nghề dệt chiếu, tập trung ở ấp Chợ, ấp Cà Hom và ấp Bến Bạ. Mỗi năm, làng chiếu của xã cung ứng ra thị trường trên 140.000 chiếc.
Điện về góp phần phát triển làng nghề đóng giường tre ở Hàm Giang
Điện về góp phần phát triển làng nghề đóng giường tre ở Hàm Giang Ảnh: Đặng Huy Hoàng

Giường tre Trà Tro “vươn mình”

“Thủ phủ” của nghề đóng thang và giường tre là ấp Trà Tro A và Trà Tro B thuộc xã Hàm Giang. Do điều kiện đất đai ở đây phần nhiều là giồng cát cao, chỉ có tre mới có thể chịu đựng qua những tháng mùa khô khắc nghiệt. Không đất, thiếu đất sản xuất, sẵn có nguồn nguyên liệu tre làng, một số người khéo tay tạo kế sinh nhai bằng cách lấy tre làm giường, làm thang, làm chõng… đem bán. Buổi đầu chỉ vài hộ làm, dần dần người biết chỉ người chưa biết, theo thời gian hình thành nên cả làng nghề, tính đến nay đã được hơn 50 năm.
Ông Trì Cảnh, cơ sở đóng giường tre ở ấp Trà Tro B, cho biết: Khi điện lưới quốc gia kéo về, ông đầu tư mua sắm máy cưa, máy bào, máy khoan… Nhờ điện kết hợp đưa máy móc thay thế thủ công, sản phẩm làm ra đẹp và nhiều: salon tre, bàn ghế tre làm ra nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Hiện mỗi năm cơ sở của ông sản xuất khoảng 1.600 bộ salon, bàn ghế với hàng chục mẫu mã khác nhau. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn “vươn” tới TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận.
Theo ông Thạch Ngọc Điệp, Trưởng ấp Trà Tro B, ấp có trên 250 hộ dân, trong đó người Khmer chiếm đến 98%. Điện lưới về đã giúp đời sống bà con được cải thiện và phát triển. Ngoài trồng lúa, nhiều hộ còn tham gia đóng giường tre để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, sản phẩm làm ra ngày càng cao cấp, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Bà Huỳnh Bích Như, Phó giám đốc Sở Công thương Trà Vinh chia sẻ: Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh” đến nay phát huy hiệu quả rất cao, bởi việc cấp điện góp phần tăng năng suất cây trồng, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho các hộ dân Khmer. Đưa điện về nông thôn không phải chỉ thắp sáng sinh hoạt, mà còn để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, giúp bà con thoát nghèo và tiến đến làm giàu trên chính quê hương đầy tiềm năng, nhưng chưa được khai thác hết của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.