Diễn đàn Bình tĩnh trước dịch bệnh: Sẽ có những thay đổi sau dịch Covid-19

21/04/2020 09:35 GMT+7

Đại dịch Covid-19 với tác nhân là vi rút SARS-CoV-2 lan rộng, gây thiệt hại trên phạm vi toàn thế giới, trở thành một thảm họa lớn nhất của nhân loại kể từ chiến tranh thế giới thứ 2.

Ngày 11.3, WHO ra tuyên bố chính thức gọi Covid-19 là “Đại dịch toàn cầu”. Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, viêm gan mãn, tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, béo phì, ung thư…) dễ mắc và bệnh thường nặng hơn.
Trong một thời gian ngắn, các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới đã tìm ra cách phát triển các kit chẩn đoán phát hiện nhanh vi rút, nhằm ngăn chặn và khống chế dịch bệnh lây lan. Theo các dữ liệu khoa học, các chủng vi rút Corona nói chung nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, dung môi hòa tan lipid như ete hay chloroform; độ pH thấp, tia cực tím (UV).

Làm việc tại nhà vì Covid-19 có thể khiến các tòa nhà văn phòng chịu cảnh ế ẩm

Ngoài ra, vi rút gây bệnh nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng không thể tự sinh sản hay nhân lên mà không có tế bào vật chủ. Chúng cũng không thể tồn tại ngoài môi trường mà không có lớp dung dịch bảo vệ như dịch tiết hầu họng, môi trường nuôi cấy vi rút… Nhiều chương trình nghiên cứu hiện được triển khai khẩn trương trên thế giới, giúp y học hiểu được cách thức mà SARS-CoV-2 hoạt động và bị phá hủy trong các điều kiện môi trường khác nhau.
Vì vậy, chúng ta tin tưởng rằng SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể được ngăn chặn và tiêu diệt, nếu các biện pháp mà cơ quan y tế của các chính phủ khuyến cáo được mọi người nghiêm túc chấp hành, thực thi đồng bộ và triệt để.
Quan sát và theo dõi tình hình đối phó và phòng chống dịch bệnh của các quốc gia trên toàn cầu, chúng ta ghi nhận rằng: Qua cơn nguy khốn của đại dịch này, phong cách sống của nhân loại (tình nghĩa tương thân tương ái, đơn giản hóa nhu cầu sống, sống thư thả, cách ăn uống, giao tiếp, vệ sinh cơ thể, rèn luyện thể lực, chăm sóc sức khỏe, học tập…) cũng như nhiều lĩnh vực cộng đồng như phát triển kinh tế, phát triển y học dự phòng, chiến lược sản xuất trang thiết bị y tế, phát triển du lịch, quy hoạch kiến trúc xây dựng, phương pháp giáo dục, phương pháp làm việc tại công sở, các công ty, đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ… sẽ có những thay đổi lớn theo hướng tích cực.

Tổng hợp tin dịch bệnh virus corona tối 20.4: Diễn biến Covid-19 ở Việt Nam và thế giới

Trong thời gian tuân thủ các biện pháp vệ sinh, cách ly và giãn cách xã hội, đọc lại những trang sách của các bậc tiền nhân, mới thấy thấm thía ý nghĩa cuộc nhân sinh.
Có lần Khổng Tử đứng trên bờ sông nói rằng: “Cũng như dòng nước này trôi chảy, vạn vật đều đi qua, ngày đêm không ngừng nghỉ” (dịch lại từ Luận Ngữ - Tử Hãn). Còn Lão Tử thì cho rằng gốc của vạn vật là Đạo, là sự biến hóa vô cùng của thiên địa: “Vậy, Đạo lớn, Trời lớn. Đất lớn, Người cũng lớn. Trong đời có bốn thứ lớn. Mà người là một. Người bắt chước Đất. Đất bắt chước Trời. Trời bắt chước Đạo. Đạo bắt chước Tự nhiên” (Đạo Đức kinh XXV). Trang Tử thì cho rằng thiên địa vạn vật đồng nhất thể và đối đãi nhau: “Trời đất sinh ra cùng một lúc với ta. Vạn vật cùng với ta là một” (Nam Hoa kinh - Tề vật luận).
Sách Hoàng Đế nội kinh, một y thư kinh điển của đông y có viết: “Cho nên người trí khi dưỡng sinh tốt là phải biết cách thuận với tứ thời để thích ứng với nóng lạnh, hòa với sự giận - mừng để ở được yên ổn, tiết chế âm dương để điều hòa được cương - nhu. Như vậy thì tà khí (bệnh tật) không thể xâm phạm, có thể được sống lâu dài”. Trong quyển Vận khí bí điển (Hải Thượng y tông tâm lĩnh), danh y nước ta - Lê Hữu Trác - viết: “Con người khôn hơn muôn vật, làm nên những bậc thông minh thánh trí, cũng đều bẩm thụ bởi tư chất của tạo hóa, chung một khối thống nhất với đất trời”.

Chiều 20/4: Thêm 12 bệnh nhân nhiễm virus corona khỏi bệnh, hơn 4 ngày không có bệnh nhân Covid-19

Ở Tây phương, cách đây gần 2.000 năm, nhà y học Hippocrates cũng đã từng quan niệm: “Người nào muốn thực sự và hoàn toàn được công nhận trong nghệ thuật chữa bệnh, trước hết phải chú ý đến đặc điểm của các mùa. Không những vì các mùa không giống nhau mà còn vì mỗi mùa có thể gây ra các hậu quả rất khác nhau. Rất nhiều điều tùy thuộc vào các hiện tượng trong khí quyển, và tình trạng cơ thể cũng thay đổi tùy theo sự luân phiên của các mùa” (Pizzorno J. - Encyclopedia of Natural Medicine).
Như vậy, dẫn ra đôi chút để hiểu thêm những sự dịch chuyển, biến hóa của đất trời, theo quan niệm người xưa, có cách sống thích hợp, ôn hòa và phòng bệnh là phương thức tốt nhất để tránh được những hệ lụy có thể do thiên nhiên mang lại. Làm được điều này, sẽ yên ổn hơn không chỉ trong phạm vi một quốc gia, mà cả nhân loại!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.