Diễm My 9x xúc động kể về mẹ vừa qua đời, cộng đồng mạng khóc như mưa

30/04/2019 14:45 GMT+7

Cái nắng chói chang của Sài Gòn không thể làm khô dòng nước mắt tuôn rơi của diễn viên Diễm My 9x khi mất mẹ. Và dân mạng cũng khóc như mưa khi nghe cô kể về mẹ trong bài viết “Mẹ như một nữ tu” trên Facebook.

(Báo Thanh Niên xin đăng lại bài viết đầy xúc động của diễn viên Diễm My trên trang cá nhân Facebook của cô. Tiêu đề bài báo và các tiêu đề phụ là do Báo Thanh Niên đặt)

Mẹ là tất cả

Mẹ My là con thứ 12 trong gia đình có 13 anh em, nhưng giờ chỉ còn lại 4 người. Gia đình bên ngoại đạo Phật. Nhưng khi ông bà ngoại bệnh nặng một tay mẹ chăm sóc. Cuối đời, ông ngoại nằm mơ thấy Mẹ Maria, nên nói Mẹ theo đạo Thiên chúa. Rồi từ đó mẹ gặp bố trong ca đoàn nhà thờ rồi yêu trong khi cả nhà ai cũng không chấp nhận.
Mẹ ơi! Bây giờ mẹ đi rồi tối nay con ngủ ai ôm con đây?
Mới đây đã 8 ngày kể từ ngày mẹ bỏ con đi.
Mẹ đang ở đâu vậy, con không biết mẹ có đang ở đây với con không, mẹ ơi... 

Diễm My 9x

Lấy bố năm 1984, mẹ bắt đầu chuỗi ngày khổ tâm. 6 năm sau khi lấy bố, vì sức khoẻ yếu do từng bị lao và nhiều lý do mẹ không thể có con. Điều này khiến bố mẹ lục đục. Trong cơn tuyệt vọng nhất, mẹ đã đứng dưới tượng Mẹ Maria ở nhà thờ Đồng Tiến để cầu xin Mẹ Maria cho mẹ một đứa con gái. Mối duyên với Mẹ Maria lại một lần nữa như định mệnh, đúng 8 tháng sau Mẹ có bầu My và sinh ra My vào mùng 1 Tết âm lịch năm 1990.
Tưởng rằng có con sẽ làm cho mọi thứ dễ dàng hơn, yêu thương hơn, nhưng không, đau khổ chồng chất đau khổ khi My bị chứng hen suyễn nên My phải nhập viện suốt. Mẹ nuôi My vất vả quá nên lại bị lao phổi lần 2. Mẹ yếu con yếu nên có lúc như những điều xui rủi và gánh nặng cho những người xung quanh. Mẹ vừa nấu cơm vừa may đồ, vừa bán nước đá nước ngọt, ya ua các thể loại vừa nuôi con.
My lớn lên vừa trong tình yêu thương bảo bọc của bố mẹ. Khó khăn, nhưng bố mẹ cũng ráng dành giụm cho My thực hiện ước mơ sinh hoạt ở Nhà Văn hóa thiếu nhi quận 1: ca hát và tập Aerobic. Sau đó, My học ballet với thầy cô Vương Linh - Đặng Hùng 2 năm và thi vào trường múa TP.HCM học 3 năm nữa. Một phần cũng được các chú bên Mỹ và dì bên Úc hỗ trợ, và My học cũng khá giỏi nên chưa bao giờ My cảm thấy mình bị thiếu thốn tiền ăn tiền học. Và chưa bao giờ bố mẹ đóng tiền cho My trễ 1 bữa nào.
Mẹ cũng chính là người đọc báo rồi thấy tin đăng tuyển diễn viên nhí cho bộ phim Vụ án Thanh Nga do nghệ sĩ Kim Cương sản xuất. Gom tiền cho đi chụp studio một cái rồi gửi hình đi thi, may quá My được chọn ngay. Thế là quá trình đóng phim lúc nhỏ bắt đầu từ 5 tuổi.
Mới 5 tuổi Mẹ đã dạy cho My tiếng Việt ở nhà nên từ nhỏ đến lớn hầu như chưa bao giờ sai chính tả, 5 tuổi đã đọc thuộc làu hết cả thoại của mình, của luôn cô Diễm Hương, chú Hoàng Phúc và cô Kim Khánh trong bộ phim Đứng dậy sau cơn mê. Sau đó Mẹ còn dạy My học toán và cho My bài tập Toán buổi tối nên cấp 1 không đứng nhất thì My cũng đứng nhì mà chưa bao giờ phải đi học thêm một ngày nào.
Lớn lên 1 chút, năm 12 tuổi Mẹ cũng là người viết nguyên bức thư cho My gửi toà soạn báo Thế Giới Phụ Nữ xin cho My được chụp ảnh báo. Và ngày đầu My đi chụp cho cô Thúy Diệp, cô bảo con viết thư dễ thương quá mình dạ dạ giấu giấu làm như mình viết nhưng thực sự là Mẹ mình viết. Cô Diệp đọc tới đây chắc nghĩ là cô đã chọn nhầm người. Nhưng lại một lần may mắn vừa đi chụp báo lần đầu trong đời My đã được lên bìa báo Xuân báo Thế Giới Phụ Nữ trong khi bản thân lúc đó còn chưa dậy thì.

Bực mình để rồi hối hận khôn nguôi

Vì cũng hiền mà gương mặt cũng xinh xinh nên bắt đầu được móc nối vô đường dây... đóng quảng cáo. Kiếm được tiền trang trải chuyện học hành phụ bố mẹ rồi 15 tuổi dẫn chương trình Hugo đến 18 tuổi, sau khi thi đậu Đại học Ngoại Thương thì My tiếp tục đóng phim với Áo cưới thiên đường năm 2008.
Từ năm 17 tuổi My đã bắt đầu thay bố và ông xe ôm chở mẹ đi nằm viện và khám bệnh bằng xe đạp điện. Có lúc My thực sự bối rối và bế tắc vì sao mẹ bệnh hoài mà chưa bao giờ thấy mẹ khỏe cả. Năm 2007, mẹ đã bắt đầu phát chứng bệnh Lupus ban đỏ là căn bệnh hiếm gặp với tỉ lệ 1/5000 người nên việc chẩn bệnh thật gian truân. Mẹ sốt cao đến mức mẹ bị mất trí nhớ, sợ hãi và người bắt đầu nổi ban. Thế là hành trình nằm viện, uống thuốc tây y - đông y, châm cứu đắp thuốc bắt đầu.
Rồi My và mẹ ra riêng sống khoảng 1 năm sau đó. Mới ra riêng sống còn rất nhiều khó khăn. Mẹ tự tay may đồ may đầm cho My đi sự kiện chụp ảnh nên bao giờ cũng được liệt vào top sao sến sẩm quê mùa. Sau này có điều kiện hơn bắt đầu xếp xó mấy cái đầm này và cũng hay nói mẹ lỗi mốt khiến mẹ rất buồn.
Thời gian đầu mẹ một thân một mình ở nhà quanh quẩn góc bếp với mấy cuộn chỉ may. Đôi khi 1 ngày gọi My hỏi My khi nào về nhiều đến mức My rất bực mình mà đến tận bây giờ nghĩ lại hối hận dằn vặt khôn nguôi khi mình đã không hiểu cho nỗi cô đơn của mẹ khi mẹ ở nhà có một mình và Con là niềm yêu thương duy nhất của Mẹ.
Từ nhỏ, bao giờ My cũng được mẹ chuẩn bị cho bình sữa, bình nước rồi hộp trái cây, hộp chè bỏ balo đi học, và luôn bắt My đội nón vì muốn My giữ được làn da đẹp. Thói quen đội nón rộng vành đến giờ vẫn giữ chỉ có bỏ cái balo đựng bình nước và cơm mà anh Huy Khánh có lần nói em mà bỏ hết mấy cái nón và balo kiểu bẩn bẩn là em sẽ được nổi tiếng…

Cảm thấy như con dao hun nóng đâm vào tim

Thời gian trôi qua, mẹ và My dọn về khu Sunrise, ở ban đầu là thuê nhưng chỉ sau 1 năm My đã kiếm đủ mua luôn căn hộ đang thuê và sống tại đây đến tận bây giờ. Có điều kiện hơn nên đưa Mẹ sang Singapore gặp bác sĩ chuyên về Lupus nên đã may mắn kiểm soát tốt được bệnh của mẹ suốt mấy năm qua. Nhưng guồng công việc cứ xoay cùng những mối quan hệ công việc bên ngoài, những bữa cơm nhà với mẹ ít rồi thời gian dành cho Mẹ cũng không có, chỉ lâu lâu dắt mẹ đi ăn rồi kéo mẹ đi theo trong những chuyến công tác để an tâm mẹ vẫn bên cạnh mình.
Cứ đinh ninh rằng mẹ bệnh rề rề nhưng mẹ sẽ sống lâu với mình nhưng không thể và không bao giờ có thể tưởng tượng nổi một ngày không còn được nghe mẹ than đau, than mệt không còn được nghe tiếng ho của mẹ, không còn thấy mẹ gọi nhắc ăn uống đúng giờ rồi uống thuốc đúng cử, không còn được mẹ pha cho ly mật ong nghệ nóng mỗi buổi sáng, không còn nghe mẹ cằn nhằn mỗi khi thức khuya vì lo cho sức khoẻ của My. Không còn bị mẹ réo về ngủ sớm và không còn được mẹ ôm mình mỗi khi mình gặp ác mộng nữa.
Ngủ với mẹ từ nhỏ đến lớn bây giờ quay qua không còn thấy mẹ nữa, ban đêm không còn thấy mẹ còn ban ngày nhìn đâu cũng nhớ mẹ nhìn đồ vật nào của mẹ cũng cảm thấy như con dao hun nóng đâm vào tim thế này.
Mất mẹ thực sự đau đớn gấp triệu lần so với bất cứ nỗi đau nào trên toàn thế giới này. Từ trước đến giờ bao giờ đi lễ nhà thờ cũng cầu nguyện cho mẹ trước tiên, cầu Chúa cho mẹ được sống và hết bệnh sống đến khi nào con sinh con và gia đình hạnh phúc nhưng... Mình đã rất giận Chúa và ném cả xâu chuỗi 2 lần và muốn ném thêm lần thứ 3 vào thùng rác. Nhưng có lẽ Chúa có sự sắp đặt của Ngài và bây giờ đi lễ My không còn cầu xin quá nhiều thứ về sức khoẻ hay tiền bạc hay thành công như lúc mẹ còn sống.
Mẹ mất rồi My chỉ cầu Chúa đúng 1 câu: xin Chúa sắp xếp cuộc đời con theo ý Ngài.

Chưa từng thấy người nào có tấm lòng bao dung như mẹ

Mẹ mất rồi My mới thấy thấm những lời mẹ nói, thấm thía tình yêu thương bao la hơn trời biển của mẹ dành cho mình và dằn vặt đau khổ biết bao nhiêu khi Con còn nhiều thiếu sót trong việc làm tròn chữ Hiếu. Và cũng thấm về cuộc sống này khi bao năm nay mình chạy theo việc khẳng định vị trí của bản thân trong xã hội mà quên mất rằng cuộc sống quá ngắn ngủi đến nỗi khi mình nhìn lại chỉ còn thấy khoảng trống to lớn khủng khiếp khi đôi khi mình quên mất mẹ chỉ có thể sống được với mình tới đây thôi. Không phải tiền bạc, không phải danh vọng, không phải hàng hiệu hay những bữa tiệc sự kiện hào nhoáng...
Cuộc sống thật vô thường đã có lúc My tưởng mình có thể kiểm soát đc mọi thứ, mọi thứ là do mình, nằm trong tay mình và bởi mình quyết định. Nhưng không, khi mẹ mất đi rồi mới thấy rằng tất cả những thứ phù phiếm xa hoa kia mà một thời mình đã vật vã vì nó bây giờ chẳng còn nghĩa lý gì nữa, và khi Chúa muốn mình đi bất cứ lúc nào là mình phải đi. Mẹ mất đi rồi mới thấy rằng, mình có quá nhiều tội lỗi. Mình đã có thể ôm mẹ nhiều hơn, nói thương Mẹ nhiều hơn, tâm sự và dành thời gian cho Mẹ nhiều hơn, kiên nhẫn với mẹ nhiều hơn, dắt mẹ đi chơi nhiều hơn, quan tâm đến cảm xúc của mẹ nhiều hơn... Mà bây giờ khi mất Mẹ rồi mới thấy hối hận thì đã quá muộn màng.
Mẹ là người cắt, nhặt nhạnh hết tất cả hình ảnh trên báo chí cắt dán vào cuốn album để dành, là người thu âm thu hình lại tất cả những bộ phim và những chương trình My làm từ nhỏ đến lớn rồi sang từ băng qua đĩa. Bao nhiêu tiền My đưa mẹ, mẹ đều không dám xài, tiết kiệm cho My từng đồng từng cắc.
Mẹ cũng là người xài cho bản thân thì không dám nhưng dám để dành tiền cho người nghèo, giúp đỡ trẻ em khuyết tật . Từ lúc còn trẻ lúc mẹ khó khăn lúc mẹ thiếu thốn nhất mẹ vẫn cố gắng bỏ ống heo để dành tiền giúp người nghèo. Rồi mẹ là người duy nhất trong cả dòng họ nhớ dai nhất tất cả các ngày sinh nhật từ chị em đến con cháu, không thiếu một ai. Rồi trong lịch sử loài người My chưa từng thấy người nào có tấm lòng bao dung tha thứ như mẹ khi đã không những tha thứ cho bố mà còn là chỗ dựa tinh thần của vợ sau của bố. Mỗi lần bố làm dì ấy buồn là dì lại gọi điện thoại trút bầu tâm sự với mẹ và mẹ vẫn luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu và đưa ra những lời động viên khuyên nhủ. Sao Mẹ vĩ đại quá, con tìm đâu ra được một người mẹ vĩ đại như mẹ.
Mẹ ơi! Bây giờ mẹ đi rồi tối nay con ngủ ai ôm con đây?
Mới đây đã 8 ngày kể từ ngày mẹ bỏ con đi.
Mẹ đang ở đâu vậy, con không biết mẹ có đang ở đây với con không, mẹ ơi...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.